[links()]“Làm việc cực khổ cỡ nào em cũng chịu được. Nhưng phải nghỉ học thêm lần nữa chắc em sẽ chết…”, cô gái 19 tuổi đang theo học bổ túc văn hóa tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Thanh Xuân – Hà Nội, tâm sự.
Bùi Thị Thu |
Gia cảnh khốn khó
Bùi Thị Thu sinh ra và lớn lên tại làng quê nghèo miền biển xứ Thanh. Khi còn là đứa bé ẵm ngửa trong lòng mẹ Thu đã nếm trải mùi vị đói nghèo. Thu kể: “Mẹ ăn uống thiếu chất nên sinh em kém sữa. Nhà nghèo, mẹ nuôi em bằng nước cơm”.
Bố quanh năm đi biển. Cái nghề này bấp bênh và đầy bất trắc. Có những ngày trời yên biển lặng, tôm cá đầy thuyền thì cũng có những hôm biển cuồn cuộn sóng, bão tố mịt mùng. Thuyền nặng mưa gió. Trước biển cả bao la con người nhỏ nhoi, mong manh quá đỗi, chỉ chút sơ sẩy thủy thần sẽ cướp mất sinh mạng.
Giọng Thu nghẹn ngào: “Bố em sức khỏe yếu. Mỗi lần bố mang lưới ra khơi đánh cá, ở nhà mấy mẹ con lo lắng. Thầm nguyện cầu, trời trong gió nhẹ, tối cả nhà quây quần bên mâm cơm đạm bạc có rau luộc, cá kho…”
Mẹ Thu bán cá trên thị trấn Tĩnh Gia thu nhập chẳng đáng là bao. “Quê em tôm cá rẻ lắm. Có dạo mẹ định bỏ nghề ra thành phố Thanh Hóa bán hàng rong. Bố em bảo không được, tôi lênh đênh cả ngày, ai chăm sóc dậy dỗ bọn trẻ…”, Thu chia sẻ.
Suốt quãng đời tuổi thơ bốn anh em Thu sống trong cảnh thiếu thốn, cơ hàn. Tình thương vô tận từ người mẹ dịu hiền, người cha khắc khổ khiến Thu ấm lòng, no bụng qua cơn đói rét. Cô bé hồn nhiên đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa. Thu tốt nghiệp trung học cơ sở giữa năm nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều biến động. Năm ấy, mùa mưa lũ kéo dài bất thường. Bố Thu ngồi nhà hàng tháng mong trời tạnh ráo còn đem thuyền ra khơi. “Thời điểm đó nhà em hết sạch gạo” – giọng thu buồn buồn. Thấy bố mẹ vất vả, cô con gái hiếu thảo nghỉ học đỡ đần mẹ cha.
Nhọc nhằn cuộc mưu sinh
Tuổi trăng tròn trong sáng, thơ ngây, Thu vùi chôn mảnh ký ức học trò dang dở dấn thân vào đời. Mùa hè năm 2007 Thu khăn gói bắt xe ra thủ đô. Thoạt đầu cô ở nhờ người quen, Thu lang thang khắp nẻo đường tìm việc. Buổi đầu lạ lẫm bơ vơ nơi đất khách quê người Thu nhớ các em, nhớ bố mẹ khóc sụt sùi.
Trình độ văn hóa thấp, mãi Thu mới xin được chân phục vụ hàng cơm. Công việc ngập đầu từ 5 giờ sáng đến 10 giờ khuya. Hồi chưa thạo việc Thu gần như kiệt sức. Cô hay bị bà chủ mắng nhiếc. Mặc cảm, tủi phận con nhà nghèo, bao đêm Thu ôm gối khóc thầm. “Bà chủ mắng toàn những lời cay nghiệt. Ức chế, em chỉ muốn bỏ về quê. Nghĩ thương bố mẹ vất vả, em cố nín nhịn làm tiếp. Mỗi bát cơm dẻo thơm đong đầy mồ hôi, nước mắt chị à”, Thu cay đắng nhớ lại.
Hàng tháng cô chi tiêu tằn tiện. Thu chỉ dám mua quần áo giầy, dép chợ sinh viên. Cô thú thật “chưa bao giờ em mua cho mình cái gì quá 200 nghìn đồng”. Số tiền ít ỏi chắt chiu dành dụm được Thu gửi về quê nuôi em ăn học.
Tính Thu ham học hỏi, thích đọc sách. Nhìn cô con gái bà chủ bằng tuổi, áo trắng vui vẻ cùng chúng bạn đến trường cô nuốt nước mắt. Thu đâu ngờ những ngày quanh quẩn bếp lúc, rửa chồng bát đĩa cao ngất ngưởng buồn tẻ sẽ trôi qua.
Gieo ước mơ nơi xa
Cuộc đời luôn ẩn chứa những ngã rẽ định mệnh. Anh kỹ sư tin học, "khách ruột" quán cơm tên Hưng cảm mến cô gái chạy bàn nhanh nhẹn, dễ thương, sớm chịu thiệt thòi, đã gửi tặng Thu bộ sách giáo khoa cũ. Anh viết thư hướng dẫn cô làm hồ sơ, thủ tục học bổ túc văn hóa. Thu xúc động nói: “Anh ấy khuyên em học văn hóa lấy kiến thức mai sau giúp đời".
Ước mơ đứng trên bục giảng, dậy đám trẻ khát chữ quê nhà trong Thu tưởng chết theo lớp bụi thời gian nay bùng cháy. Bao nhiệt huyết, hoài bão thủa học trò sống dậy. Nó thôi thúc cô bỏ quán cơm, và đi giúp việc nhà cho một gia đình trí thức.
Làm hết việc, Thu mở sách ôn lại kiến thức đã qua. Cô tranh thủ học từng giây, từng phút, có lần Thu mải học quên giờ đón em. Tối đứa bé mách mẹ, Thu tin chắc mình bị ăn mắng. Nào ngờ, cô chủ mến bé giúp việc hiếu học, chỉ nhẹ nhàng nhắc “lần sau cháu đặt chuông đồng hồ khỏi lỡ giờ đón em”.
Tháng 8 năm 2012 Thu chính thức học lớp 10C, khối tối trung tâm giáo dục thường xuyên Thanh Xuân. Hạnh - cô bạn cùng quê, cùng lớp tự hào khoe: “Thu chăm học, tiếp thu bài nhanh, hăng hái phát biểu, nhiệt tình giúp đỡ bạn bè, mọi người đều quý”.
Khi tôi hỏi kết quả học tập của Thu, cô Thanh giáo viên dạy toán nhận xét: “Thu là một trong số ít học sinh dẫn đầu điểm số về môn toán. Cô rất kỳ vọng và tin tưởng vào tương lai tươi sáng đang chờ Thu phía trước”.
Cô gái nhỏ giàu ý chí, nghị lực dám vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt nơi đất khách quê người, hết mình nuôi ước mơ quay mặt ngăn dòng lệ thổ lộ: “Chặng đường đến ước mơ còn dài, phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, học phí cũng tăng theo thời gian… Em chỉ sợ, có ngày mình không đủ điều kiện kinh tế tiếp tục học văn hóa nữa…”
Dẫu chưa biết chừng nào nhà Thu khấm khá, nhưng tôi tin cô đủ mạnh mẽ chống chọi với truân chuyên cuộc đời giữa chốn Hà thành, mảnh đất vốn nghiệt ngã với kẻ nghèo nhưng cũng là cơ hội cho ai dám sống với ước mơ và khát vọng đổi đời. Vững lòng, bền chí khi chọn đường con đường học vấn để thành công, Thu nhé!.
Nguyễn Thị Ngọc Liên