Chuyện xúc động về những du khách nước ngoài khi đến với Làng Sen

Thuyết minh viên Nguyễn Thị An Vinh kể về câu chuyện du khách người Nhật Bản với đề nghị bất ngờ
Thuyết minh viên Nguyễn Thị An Vinh kể về câu chuyện du khách người Nhật Bản với đề nghị bất ngờ
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau khi chăm chú nghe người phiên dịch thuật lại lời thuyết minh viên giới thiệu từng hiện vật gắn với 5 năm tuổi thơ của Bác Hồ, vị khách già người Nhật Bản đã đứng lặng yên rất lâu trước tấm phản gỗ trong căn nhà tranh vách nứa ở Làng Sen. Rồi ông đề đạt một nguyện vọng khiến thuyết minh viên bất ngờ, nghẹn ngào...

Trong những ngày cao điểm hướng tới kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023), giữa cái nắng bỏng rát của gió Lào, các thuyết minh viên tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) vẫn cần mẫn giới thiệu đến du khách về căn nhà tranh vách nứa đơn sơ, về những vật dụng sinh hoạt giản dị gắn với thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu với du khách trong nước, các thuyết minh viên cảm nhận được sự thân thuộc của những người con trở về với quê chung, về với cội nguồn thì đối với du khách nước ngoài, họ lại có những cảm xúc đặc biệt khác.

Chị Nguyễn Thị An Vinh (48 tuổi, Phó trưởng Phòng Tuyên truyền giáo dục tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên) vẫn nhớ như in câu chuyện về một vị khách đến từ Nhật Bản cách đây 25 năm. Đó là một ngày cuối năm 1998, thời tiết khá lạnh, chị Vinh được phân công đón tiếp một vị du khách nước ngoài lớn tuổi. Ông chăm chú nghe người phiên dịch dịch lại lời thuyết minh viên giới thiệu từng hiện vật gắn với 5 năm tuổi thơ của Bác Hồ trong căn nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Làng Sen.

Chiếc phản gỗ Bác Hồ sử dụng hồi thơ ấu

Chiếc phản gỗ Bác Hồ sử dụng hồi thơ ấu

Rồi ông đứng lặng rất lâu trước bộ phản gỗ, nơi Nguyễn Tất Thành và anh trai ngủ mỗi đêm. Tấm phản này sau đó được cụ Phó Bảng cho người bà con mượn, không may bị cháy một góc do đốt than sưởi mùa đông. Khi sưu tầm về, Ban quản lý di tích đã cưa đoạn bị cháy đi. Trong lần về thăm quê sau 50 năm xa cách, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn phát hiện tấm phản đã ngắn hơn trước.

Chị An Vinh nhớ lại: “Nghe tôi giới thiệu về tấm phản, vị khách người Nhật rất xúc động, ông ấy khóc rồi dè dặt hỏi “Liệu tôi có thể ngồi lên tấm phản này một chút để tìm lại hơi ấm của Hồ Chí Minh được không?” Tôi ngạc nhiên, sửng sốt trước lời đề nghị này nhưng nghẹn ngào. Chắc hẳn ông phải yêu quý Hồ Chủ tịch nhiều lắm mới có đề nghị đặc biệt như thế”.

Còn với thuyết minh viên Phùng Thị Hương Giang – người có 27 năm làm công tác thuyết minh tại Khu di tích thì ấn tượng với câu chuyện của vị khách đến từ Malaysia. Chị chia sẻ, khoảng đầu năm nay chị đón tiếp vị khách này, ông nói tiếng Việt rất giỏi. Ngạc nhiên hơn là ông hiểu biết sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh và rất xúc động khi đến thăm ngôi nhà tranh 2 gian nhỏ bé tại làng Hoàng Trù - nơi Bác cất tiếng khóc chào đời.

Du khách chụp ảnh kỷ niệm tại quê Bác

Du khách chụp ảnh kỷ niệm tại quê Bác

Chị Giang kể, khi nghe tôi giới thiệu về từng vật dụng như cánh võng gai, khung cửi nơi đêm đêm bà Hoàng Thị Loan vẫn dệt vải, ru con và thức cùng người chồng đang dùi mài kinh sử, ông đứng lặng người rất lâu. Ông ấy bảo, rất yêu quý Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã tìm đọc rất nhiều tài liệu về Người nhưng không ngờ một nhân cách lớn như Chủ tịch Hồ Chí Minh lại sinh ra ở một nơi giản dị, đơn sơ đến khó tưởng tượng như thế này.

Mỗi năm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên đón hàng triệu lượt khách về thăm, trong đó có nhiều du khách quốc tế. Đặc biệt, với nhân dân Lào, hàng năm có rất nhiều đoàn du khách từ các vị lãnh đạo tới người dân, về với quê hương Bác Hồ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một biểu tượng về tình đoàn kết Việt Nam - Lào, xây dựng và vun đắp tình cảm tốt đẹp giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước.

Có thể thấy áp lực công việc của đội ngũ thuyết minh viên Khu di tích Kim Liên là rất lớn, nhất là những ngày cao điểm đón khoảng 20.000 du khách. Bằng chất giọng trầm ấm, đặc trưng thổ âm xứ Nghệ họ đã đưa du khách quay về thuở xưa, nơi Bác Hồ đã trải qua quãng đời ấu thơ hay 2 lần Người về thăm quê. Với các thuyết minh viên, du khách vừa là đối tượng phục vụ, đồng thời là nguồn cảm hứng, chất xúc tác đặc biệt để họ luôn thấy công việc của mình mới mẻ, thu hút.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Tha thứ - Liều thuốc chữa lành tâm hồn

Tha thứ - Liều thuốc chữa lành tâm hồn
(PLVN) - Trong cuộc sống, tha thứ không chỉ là cách giúp người khác có cơ hội sửa sai, mà còn là liều thuốc giúp chính chúng ta nhẹ nhõm hơn, bớt đi những gánh nặng tâm hồn.

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đạo làm người – con đường khó nhất

Đạo làm người – con đường khó nhất
(PLVN) - Mỗi tôn giáo, mỗi đạo lý đều dạy chúng ta cách sống hiền lành, tử tế, biết yêu thương và đối xử tốt với nhau. Nhưng trong tất cả các đạo, có lẽ đạo làm người là con đường khó nhất để thực hành.

Lặng lẽ với chính mình

Ảnh minh họa
(PLVN) - Sau những đêm trắng sẽ luôn là ánh bình minh. Và đôi khi, chỉ cần một tia sáng nhỏ bé cũng đủ để soi rọi cả một đêm dài.

Huế thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam

Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa” thu hút hàng nghìn người dân, du khách tham dự.
(PLVN) - Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong việc tổ chức một hình thái lễ hội đương đại mang tầm quốc gia, quốc tế. Trải qua hơn 24 năm tồn tại và phát triển, Festival Huế đã khẳng định được thương hiệu trong lòng du khách gần xa. Festival Huế đã là một sự kiện văn hóa tiêu biểu, trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế, là dịp để giới thiệu và quảng bá hình ảnh, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Huế nói riêng một cách sinh động.

Hơn 300 doanh nghiệp Quảng Ninh tung gói kích cầu mùa du lịch cuối năm 2024

Một góc TP Hạ Long, Quảng Ninh điểm đến thân thiện và an toàn.
(PLVN) -  Ngày 20/11, Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh và Tập đoàn Sun Group tổ chức lễ công bố chương trình kích cầu du lịch “Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa”. Chương trình nhằm tăng sức hút du khách dịp cuối năm 2024. Thu hút h ơn 300 doanh nghiệp từ các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan, và du thuyền đã tham gia .