(Đà Nẵng Xuân 2010) - Có lẽ rất nhiều người dân miền Trung-Tây Nguyên sẽ nhớ mãi những cánh bay của Đơn vị C54 (Đoàn B72 Không quân) về cứu nạn, cứu trợ bà con vùng tâm bão. Hành động dũng cảm, xả thân vì nghĩa lớn ấy càng tôn vinh hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ Không quân Nhân dân Việt Nam anh hùng giữa thời bình...
Trong hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện nhiệm vụ PCLB, TKCN của Quân chủng Phòng không-Không quân được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, khi đại diện Đơn vị C54 lên nhận bằng khen của Tư lệnh Quân chủng, mọi người đều có chung một dòng suy nghĩ, để có được niềm vui ấy, họ đã phải đối mặt với muôn vàn thử thách và cả sự nguy hiểm đến tính mạng… Trong 10 năm qua (1999-2009) chiến công bay cứu nạn, cứu trợ của cán bộ, chiến sĩ “Chín năm tư” có thể được coi như một kỳ tích: thực hiện 347 chuyến bay cứu trợ, vận chuyển 842 lượt người và 156,3 tấn hàng hóa, lương thực, thuốc men cứu trợ nhân dân vùng bị lũ cô lập tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên và nước bạn Campuchia…
Vận chuyển hàng cứu trợ lên máy bay về vùng tâm bão đi qua. |
Câu chuyện Thượng tá Hoàng Quang Hà kể về chuyến bay cẩu cứu 18 người dân bị nạn trong ngày trùng cửu (9-9-2009) ở xã Cà Di, huyện Nam Giang (Quảng Nam) khiến chúng tôi thêm khâm phục ý chí và lòng quả cảm của những người lính không quân... “Đúng 7 giờ 47 phút, tổ bay cất cánh lấy độ cao an toàn (2.500m) bay vào khu vực xã Cà Di, huyện Nam Giang thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp cứu nạn. Vì vẫn còn ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên tầm nhìn hạn chế, trời mây mù; địa hình chủ yếu là núi cao, do vậy máy bay đã giảm đến độ cao an toàn cho phép nhưng vẫn không nhìn thấy mặt đất. Khi máy bay cách khu vực cứu nạn chừng khoảng 20km, cả tổ bay căng mắt nhìn qua kính chỉ thấy một màu xám đục dày đặc.
Đại úy Nguyễn Thanh Dũng và Thượng úy Dương Văn Thắng dùng ống nhòm quan sát. Theo phương án tính toán dẫn đường đã chuẩn bị sẵn là bay qua khu vực tìm kiếm cứu nạn rồi chọn thung lũng có bình độ thấp hơn để tiếp tục sử dụng định vị vệ tinh xác định tọa độ để giảm độ cao. Vài phút sau chúng tôi thấy một khoảng trống của đám mây phía dưới, tổ bay quyết định bay xuống lỗ hổng đó để bay dưới mây. Khi ra khỏi đám mây, chúng tôi phát hiện phía dưới là dòng sông hung dữ, nước đục ngầu, chảy xiết. Tổ bay quyết định bay dọc theo dòng sông về phía thượng nguồn chừng 15 phút thì phát hiện một bãi bồi nhỏ có một số cây cao giữa dòng sông và mấy cái chòi ni-lông tạm bợ, một nhóm người cầm mũ nón giơ cao tay vẫy. Xác định đây là mục tiêu cần cẩu cứu, tổ bay vòng lại giảm độ cao và tiến hành vào treo để cẩu cứu. Bất chấp nguy hiểm, hai sĩ quan dù làm nhiệm vụ “người nhái” là Phạm Đức Huy và Phạm Minh Khuyến thực hiện các thao tác trên hệ thống cẩu, lần lượt hướng dẫn và giúp đỡ từng nạn nhân ngồi vào ghế tời đưa lên máy bay...”.
Tranh thủ phút giải lao giữa hội nghị, tôi đã gặp được già làng Đinh Văn Trí (72 tuổi) ở thôn Hà Giao, xã Canh Liên. Miệng vẫn nhai trầu móm mém, già Trí cười vang: “Lũ về làm cho bản ta đổ sập nhà cửa, đồ đạc trôi ra rừng, mấy ngày liền cái bụng bà con chỉ biết ăn củ mài, củ sắn trộn lẫn rau rừng, nếu không có các chú bộ đội không quân cưỡi tàu bay lên cứu thì nguy mất! Ơn này lòng dân đồng bào Ba Na nhớ mãi”.
Niềm vui của tổ lái hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. (Thượng tá Hoàng Quang Hà-ngoài cùng tính từ trái qua) |
Nghe già Trí nói vậy, tôi nhớ ngay sự kiện ấy chỉ mới diễn ra cách đây chưa đầy 2 tháng... Sau cơn bão số 11, xã Canh Liên, huyện Vân Canh (Bình Định) bị cô lập hoàn toàn; 511 hộ/2.238 người dân có nguy cơ thiếu ăn; trên 500 học sinh thiếu sách vở. Toàn bộ hệ thống giao thông sạt lở nghiêm trọng, tình hình bà con các bản Cà Bưng, Cà Bông, Canh Tiến rất nguy ngập... Theo yêu cầu của địa phương, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân đã cử hai tổ bay của Đơn vị C54 vào ngay Bình Định khẩn trương cứu trợ nhân dân.
Chúng tôi cũng có mặt trong chuyến đi ấy... Hôm ấy đúng 9 giờ 45 phút, trực thăng Mi-8 (7831) được lệnh cất cánh. Sau đó vài phút trực thăng Mi-8 (92102) cũng bay lên. Qua cửa sổ máy bay, tôi thấy rừng núi như bãi chiến trường, lũ cuốn từng mảng nham nhở, cây cối gãy đổ chồng lên nhau. Những mái nhà tranh xơ xác, những cánh tay người dân vẫy khăn cứu trợ… Gió thổi mạnh, khu vực núi Ông mây mù vẫn vây kín, Thượng tá Hoàng Quang Hà chỉ huy tổ lái cho máy bay từ từ hạ cánh xuống bãi đỗ. Khi máy bay vừa tiếp đất, đã có hàng nghìn người dân vây quanh. Những bao gạo, những thùng mì ăn liền, nước mắm và rất nhiều sách vở được chuyển từ trực thăng xuống trao tận tay người dân. Tuy trong điều kiện khí hậu, thời tiết không thuận lợi nhưng 2 tổ bay của Đơn vị C54 (Đoàn Không quân B72) đã tổ chức 14 chuyến bay chở gần 15 tấn hàng cứu trợ đến với bà con vùng bị chia cắt.
Theo Thượng tá Nguyễn Việt Hùng, Chỉ huy trưởng Đơn vị C54, không chỉ những ngày gần đây, mà trước đó chiến công của những người lính không quân B72 cũng đã để lại niềm tin yêu, kính trọng của đồng bào miền Trung... Cuối năm 2006, mưa lũ kéo dài cô lập toàn bộ vùng núi Tây Trà (Quảng Ngãi), gần một tuần người dân sống trong cảnh đói, rét. Nhận lệnh, Đơn vị C54 cử các tổ bay xuất kích. Chuyến bay ấy địa thế hiểm trở, khu vực hạ cánh rất khó xác định vị trí, chỉ cần một sơ suất nhỏ là mất an toàn. Xác định nhiệm vụ cứu dân là trên hết, vì thế các tổ lái đã dũng cảm, bình tĩnh, khéo léo thực hiện chuẩn xác các thao tác, điều khiển trực thăng bay dọc khe suối hạ cánh kịp thời.
Trong chốc lát, toàn bộ 10 tấn hàng cứu trợ cùng 2.000 phao cứu sinh đã được chuyển đến đồng bào. Lần khác, trưa 14-7-2007, bốn trực thăng lần lượt cất cánh cứu trợ gần 1.000 thùng mì ăn liền và hàng trăm thùng nước uống cho các xã Đại Hưng (Đại Lộc), Điện Phong (Điện Bàn) và Quế Lâm (Quế Sơn) của tỉnh Quảng Nam... Trong bão lũ, màu xanh áo lính không quân vượt hiểm nguy về cứu nạn nhân dân. Sau lũ, những người lính ấy lại đến với đồng bào bằng tấm lòng sẻ chia gian khó. Những việc làm tình nghĩa đó góp phần tôn vinh hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân...
Đại tá Bùi Hồng Quân, Chính ủy Đoàn Không quân B72 khẳng định: “Thời bình, trong bất kỳ tình huống nào, thực hiện cứu nạn, cứu trợ nhân dân là mệnh lệnh trái tim, là trách nhiệm chính trị của người lính không quân. Những quyết định chuẩn xác bảo đảm cho chuyến bay an toàn, hiệu quả nghĩa là thể hiện tốt tinh thần “Tự tính toán, tự bay, tự đến, tự tìm kiếm và tự về”.
Đà Nẵng chiều cuối năm dùng dằng và quyến luyến. Gió từ biển thổi vào mơn man những cành mai vàng rực. Những người lính không quân vẫn sẵn sàng bay lên bầu trời quê hương để gìn giữ cuộc sống yên bình của đồng bào miền Trung thân yêu... Có lẽ mùa xuân Canh Dần cũng đang hối hả tràn về...
Phan Tiến Dũng