Tôi từng đặt chân đến rất nhiều nơi trên khúc ruột Bình - Trị - Thiên, từ những nơi heo hút bốn bề rừng hoang vu cho đến những miền quê mênh mông cát trắng…, nhưng chưa bao giờ thấy cảm giác cô độc, lạc lõng và nghèo như ở Tiên Xuân, ngôi làng có 175 hộ dân.
Đến Cồn Cưỡi, mọi người chỉ có một cách duy nhất là đi thuyền. |
“Riêng một góc trời”
Cách thị xã Ba Đồn 20 km về hướng Tây là thôn Tiên Xuân, xã Quảng Tiên (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, còn được biết với cái tên Cồn Cưỡi). Đây là mô đất rộng chừng 9 ha nổi lên giữa dòng sông Gianh, là nơi cư ngụ của 175 hộ dân với 602 nhân khẩu, như một “ốc đảo” nhỏ bé, cô lập với thế giới bên ngoài.
Đứng bên này sông, sau gần 30 phút gọi khản cổ mới lên được chiếc thuyền nan chòng chành. Lên được bờ, người lái thuyền không quên cho lại số điện thoại để “khi nào về thì gọi”. Cồn Cưỡi đập vào mắt là những ngôi nhà lụp xụp nằm sát ven bờ sông, dăm chiếc thuyền chài nhỏ bé neo đậu.
Trưởng thôn Nguyễn Văn Hạnh cho biết: “Cách đây gần 20 năm, đây là cồn đất hoang, thấy đất rộng mà không có người ở nên dân chài từ các ngả về dựng lều sinh sống, dần dần đông lên như ngày nay”.
Diện tích ngày càng bị thu hẹp do những cơn sóng, cơn lũ “ăn bám” tới đất liền. Nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt, cả thôn chỉ có 1,8ha đất trồng lúa và hoa màu một vụ. Điều kiện sinh hoạt, đời sống bà con vô cùng khốn khó, toàn thôn không có nổi 1m đường bê tông.
Nước sinh hoạt lấy từ sông Gianh, nước ăn lấy từ trời mưa. Làng có một trường tiểu học, còn “kiêm nhiệm” chức năng trú ngụ của người dân mỗi khi gió bão nước dâng. Thôn có 39,4% hộ nghèo, 55% hộ cận nghèo. Lối đi chính là những con đường đất mà người dân thường gọi là “đại lộ” của thôn.
Làng nghèo đến mức, như ông Nguyễn Hiền, Bí thư thôn Tiên Xuân, nói: “Phải đi mượn đất mà làm ăn”. Làng bị bao vây giữa bốn bề nước mặn. Chính quyền xã chia cho bốn ha đất ở bên kia sông. Người đông, đất ít nên cuối cùng chỉ có 27 hộ được trồng cấy.
Ốc đảo bị những con sóng sông Gianh năm này qua năm khác làm lở lói “xẻ thịt” |
Làng có một người học đại học, một người vừa thi đại học, 20 cái xe đạp, vài cái vô tuyến, từng có hai cái xe máy. Hỏi nhà ai có xe máy mà sang vậy?.
Ông Bí thư cười mà không mấy vui: “Xe có sang trọng cho mô. Hồi đó có anh Thành đi làm ăn trong Nam, ra Tết có đưa về cái xe máy cũ chạy khắp. Ngày chạy, đêm cũng chạy làm chó cứ sủa inh lên. Được mấy hôm hết nhẵn xăng, thế là thôi không chạy nữa. Sau Tết, anh Thành đi vào Nam thì đưa xuống đò sang bên QL1A đón xe khách mang đi luôn, năm sau không thấy mang về nữa.
Mới đây ông Hiền có cậu con trai đi học nên mua chiếc xe máy Trung Quốc nghe đâu 2 – 3 triệu gì đó. Đi đâu thì mang vác lên đò nên bực lắm, hết xăng thì phải đi đò sang tận bên kia mới có, thành ra xe cũng xếp xó nhà, vừa bán được hơn triệu bạc”.
Những chuyện buồn ở ngôi làng nghèo bậc nhất thiên hạ
Nhà chị Hoàng Thị Hướng là một trong hai hộ buôn bán hàng hoá ở thôn. Buổi trưa vắng khách, chủ nhà uể oải dọn lại mấy thứ hàng treo trên sợi dây vắt qua cửa nhà.
Nghe ông Bí thư thôn giới thiệu là "nhà thương nghiệp", chị cứ cười mãi: “Ôi dào, ông cứ vui miệng. Mấy hộ buôn bán lặt vặt từ gói mì tôm đến hộp diêm, ngòi bút... chứ thương nghiệp với thương nghề gì. Chỉ có tí vốn còm, mà bà con còn mua nợ từ đầu năm đến cuối năm mới trả đấy. Thôi thì ai cũng nghèo, biết làm răng được”.
Nhà chị Nguyễn Thị Tuý ở kế bên, không buôn bán nhưng được cái may là có ruộng để trồng lúa. Hỏi chuyện lúa má, chị cứ thần người ra rồi chép miệng: “Có chi mà kể hè. Mỗi năm làm được một vụ, đất chai xấu, lại thêm không có nước mà tháo vô ruộng nên cây lúa cứ còi cọc. Năm được mùa thì hơn tạ thóc, để dành khi mùa mưa gió vô có cái ăn. Còn lại thì làm cái chi kiếm được đồng bạc mua gạo".
Tài sản lớn nhất của người dân Cồn Cưỡi có lẽ là đàn trâu bò, nhưng không ai dám bán lấy tiền tiêu; mà như của để dành phòng lúc ốm đau, bất trắc. Hỏi sao không phát triển thêm đàn trâu, bò để có thêm thu nhập?.
Ông Hiền bộc bạch: “Chừng đó là đủ rồi. Phát triển thêm lấy gì cho cho nó ăn. Ốc đảo ni có được mấy vạt cỏ mô. Cũng có người đưa cỏ về trồng mà không có nước tưới, bị hơi nước mặn táp vô nên cũng chết dần chứ không ra nổi lá cho trâu bò nhai”.
Hỏi chuyện học hành, ông Bí thư nhường lời cho ông trưởng thôn. Ông Hạnh nhớ lại: “Từ ngày lớn lên đến bây chừ, chỉ có một lần làng tổ chức đưa anh Nguyễn Ngọc Đông vào Đại học Huế”. Sau đó thêm mười năm nữa mới đến lượt anh Nguyễn Văn Hoà là con ông trưởng thôn vừa nối “sự nghiệp” học vấn của làng.
Hôm tôi đến Hoà vừa đi thi Đại học ở Huế về, nhưng làm không được bài, chắc điểm cũng không cao. Chàng trai đang tìm một trường trung cấp nghề nào đó để theo học. Thi thoảng rỗi việc, Hoà xách chiếc xe đạp ra "đại lộ làng" làm mấy vòng cho đỡ cuồng chân.
Chiếc xe tồng tộc bánh sau chỉ có nan hoa với vành nhôm chứ không có săm lốp cứ nảy côm côm trên con đường mấp mô. Đám con nít cũng khoái tợn, chạy ùn ùn bám theo hò hét như đánh trận.
Nguy cơ ốc đảo bị sóng sông Gianh “xẻ thịt”
Nghèo như thế mà ông Trời còn đe dọa sẽ cho nghèo tiếp. Người Cồn Cưỡi ngoài cái ăn cái mặc, còn ngày ngày đối mặt với mối lo thiên tai, xói mòn. Dạo qua một vòng mới tận mắt chứng kiến sự sạt lở, xói mòn đến đáng sợ của bờ sông. Những rặng dứa dại, những gốc chuối, bụi tre già mọc sát bờ đều nghiêng ngả chờ chực đổ ập xuống dòng nước, đất xói lở thành từng mảng…
Mỗi năm ở đây sông “nuốt đất” vào tận 4m, và năm qua xã đã tổ chức di dời 18 hộ dân ở sát bờ sông về phía cuối thôn, hiện còn bốn hộ đang chuẩn bị di dời.
Ngôi nhà của anh Nguyễn Văn Bát (47 tuổi) là một căn nhà xây nhỏ với mái ngói lợp tôn nằm sát bến thuyền. Phía trước khoảnh sân nhỏ, lối đi vào nhà đã bị nước sông lấn sát. “Ở đây có di dời vào đâu cũng vậy thôi, “rốn lũ” của tỉnh mà. Nói thiệt, có chuyển lui về cái doi đất cuối thôn thì khi lũ lên, nước cũng mấp mé mái nhà thôi, có hơn gì ở đây”, anh Bát trầm ngâm.
Những ngôi nhà xây dở là nơi sầm uất nhất của thôn nghèo |
“Nhà báo ăn cơm chưa?. Thôi đã lỡ buổi rồi, ngồi xuống ăn với tui bữa cơm, cũng chỉ có cá khô thôi. Chợ xa, lại cách sông nên ngại đi lắm”, chủ nhà đon đả. Anh kể cho chúng tôi nghe về những nỗi cơ cực của con người ở đây.
Giọng nói trầm trầm, khuôn mặt đen sạm, dáng người còm cõi, tất cả như hằn in những nắng mưa của cuộc đời và nỗi gian truân vất vả của con người Cồn Cưỡi. Tôm cá đánh bắt nhiều rồi cũng hết, họ lại chuyển sang nghề đãi chắt (giống con hến nhưng nhỏ hơn nhiều lần – NV), mỗi ngày một hộ kiếm khoảng 40 – 50 ngàn đồng. “Số tiền ấy chỉ đủ mua gạo và thức ăn qua ngày, chứ để làm nhà thì biết bao giờ mới góp đủ”, anh Bát nói.
Rời nhà anh Bát, sang chuyện trò với bà cụ Nguyễn Thị Thĩnh, 78 tuổi, người đã gắn bó cả đời nơi đây, cụ chung nỗi niềm: “Mệ chỉ mong Nhà nước đầu tư xây cho thôn ni cái bờ kè kẻo không vài năm nữa nhà cửa mệ và mấy người dân ở sát bờ sông sẽ mất hết”.
Ông Trần Đức Luấn, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiên cho biết: “Toàn thôn có diện tích 85.750 m2, mỗi năm bị sạt hơn 3m ở phía thượng cồn”. Để khắc phục tình trạng sạt lở đất, xã đã “chữa cháy” bằng cách vận động người dân trồng dứa ven bờ, bởi cây dứa có khả năng sống được cả trên cạn và dưới nước, nhưng đây chỉ là biện pháp tình thế, về lâu dài thì cần phải xây một bờ kè mới đảm bảo ổn định.
Đã có không ít hộ dân Tiên Xuân bỏ nhà, bỏ làng ra đi vì chịu không nỗi sự thiếu thốn trăm bề. Những hộ còn ở lại thì hoang mang, lo lắng đất không có ở, nước chẳng có dùng. Cồn Cưỡi cô lập nay còn cô đơn hơn khi những khó khăn chưa được giải quyết.
Năm 2010, trận lũ lịch sử đã cô lập người dân ở đây gần một tuần, dẫu tỉnh đã huy động các xuồng máy, tàu thuyền chuyên dụng để tiếp ứng cứu trợ nhưng giữa cơn lũ cuồng nộ của dòng sông Gianh, lực lượng cứu hộ đành bất lực.
Quá khứ gợi lại những hình ảnh những con người nhỏ bé ướt sũng vì mưa lạnh và chới với trên các nóc nhà giữa cơn lũ cuồn cuộn đã làm lay động hàng triệu trái tim đồng bào cả nước. Đến bao giờ cuộc sống bà con nơi đây mới thôi chông chênh lạc điệu?.
Theo Xa lộ pháp luật