Chỉ huy đóng cọc nhọn, tiên phong đi nhử quân giặc
Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 là chiến công hiển hách, đánh dấu bước ngoặt lịch sử, chấm dứt hơn 1.000 năm đô hộ của phong kiến phương Bắc, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ cho dân tộc Việt Nam. Chiến thắng đó, có sự đóng góp to lớn của những nhân tài, anh kiệt, trong đó danh tướng Đào Nhuận đã được lịch sử ghi chép và ca ngợi công lao.
Theo “Ngọc phả lục Tiền Ngô vương Thiên tử” do Đông Các đại học sỹ Nguyễn Bính soạn, danh tướng Đào Nhuận là người làng Gia Viên (có tên Nôm là làng Cấm, nay thuộc phường Gia Viên, quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng). Cha ông làm nghề đánh cá, mẹ đan lưới. Từ nhỏ ông đã tinh thông võ nghệ, nhất là am hiểu sông nước trong vùng.
Khi Ngô Quyền về vùng đất cổ huyện An Dương có vị trí hiểm yếu, thấy gò đất cao Lương Xâm (nay thuộc phường Nam Hải, quận Hải An, TP.Hải Phòng) có thế đắc địa, vị trí chiến lược nên đã xây dựng bản doanh, chiêu mộ quân sĩ, xây dựng thế trận, lập mưu chuẩn bị lực lượng đánh đuổi quân Nam Hán. Đào Nhuận đã cùng với Nguyễn Tất Tố và trai tráng trong làng Gia Viên xung phong đầu quân đánh giặc, ông được Ngô Quyền tuyển chọn, trọng dụng ban cho làm gia tướng.
Trong tham luận “Danh tướng Đào Nhuận trong chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và một số người họ Đào Hải Phòng thành đạt xưa nay”, nhà nghiên cứu Đồng Thị Hồng Hoàn (Chi hội Khoa học lịch sử quận Hải An) cho biết, biết Nguyễn Tất Tố và Đào Nhuận thông thạo địa hình, địa vật vùng cửa sông Bạch Đằng hiểm yếu, Ngô Quyền đã cùng các tướng sỹ đưa ra kế sách chống giặc.
Danh tướng Đào Nhuận đã trở thành vị thánh trong lòng nhân dân Hải Phòng. |
Ngô Quyền điều hai ông dẫn quân đi thám sát địa hình, thăm dò con nước, tìm các vị trí đặc địa của nhánh sông, bờ bãi quanh hai bờ sông Bạch Đằng, để bày binh, bố trận, đóng bãi cọc ngầm xuống lòng sông, rồi cho quân mai phục, chuẩn bị cuộc chiến đấu lớn bất ngờ. Khi thủy triều lên nhử giặc vào thế trận, đến khi nước thủy triều rút, thuyền giặc va vào cọc nhọn, quân ta ra tay quyết chiến, quyết thắng.
Còn bản dịch “Ngọc phả làng Lương Xâm cổ” ghi chép rằng, người tình nguyện đảm nhận việc nhử quân Nam Hán là Nguyễn Tất Tố cùng bạn thân là Đào Nhuận. Công việc chuẩn bị cho trận thủy chiến sông Bạch Đằng là quen thuộc với hai ông, bởi hàng ngày phải mưu sinh bằng nghề chài lưới, đóng những cọc đáy rất to xuống sông để giữ lưới bắt tôm cá ven biển.
Nguyễn Tất Tố và Đào Nhuận đã quen việc, họ chỉ huy quân sỹ vào rừng lấy gỗ, đẽo cọc nhọn để cắm ở cửa sông. Cọc gỗ ngày đêm được chuyển, đưa xuống lòng sông thành những hàng dài chắc chắn, đầu cọc hướng chếch về phía nguồn. Các ông cùng Ngô Xương Ngập (con trai Ngô Quyền) và Dương Tam Kha bố trí trận địa quân mai phục hai bên bờ sông, chờ quân giặc tới.
Như kế hoạch, Ngô Quyền chỉ đạo quân sỹ, với sự tham gia của các lực lượng dân binh, giao cho đội binh thuyền Đào Nhuận và Nguyễn Tất Tố dẫn đầu. Đội binh thuyền này giỏi bơi lội và quen thuộc sông nước, với nhiệm vụ khiêu chiến, nhân lúc nước triều lên nhử địch vượt qua bãi cọc, dấn thân vào cạm bẫy mai phục bên trong và hai bên bờ của quân ta.
Gìn giữ và phát huy truyền thống cha ông
Theo nhà nghiên cứu Đồng Thị Hồng Hoàn, tưởng nhớ công lao của Ngô Quyền cùng hai danh tướng Đào Nhuận và Nguyễn Tất Tố, nhân dân ở 17 làng, xã vùng phía Đông của huyện An Dương xưa khi lập làng đã tôn thờ Ngô Vương Quyền là Thành Hoàng làng; đồng thời lập ban phối thờ hai ông Nguyễn Tất Tố, Đào Nhuận. Nhân dân thường gọi “Ban thờ hai ông quan lớn” bằng bài vị ghi thần hiệu của hai ông.
Công lao, tài đức của danh tướng Đào Nhuận được cộng đồng nhân dân nhiều địa phương ở Hải Phòng tưởng nhớ, lập phối thờ ông tại đình, miếu như: đình Gia Viên ở quận Ngô Quyền, đình Lũng Bắc ở quận Hải An, đình Hào Khê ở quận Lê Chân; tạc tượng Đào Nhuận và Nguyễn Tất Tố đặt trong không gian thờ của từ Lương Xâm ở quận Hải An…
Quê hương Gia Viên được Ngô Vương Quyền ban cho đặc ân là đất hộ nhi. Đình Gia Viên (116 Phố Cấm, phường Gia Viên) hiện nay được trùng tu rất khang trang, to, đẹp. Tại tòa thiêu hương đình Cấm có thần tượng hai vị Đào Nhuận và Nguyễn Tất Tố. Hai ông được tạc bằng gỗ quý, đặt trong long khám lớn, ở tư thế đứng, y quan phẩm phục, cầm binh khí, thần thái nghiêm nghị như đang hầu cận bên cạnh Ngô Vương Quyền.
Theo ông Hà Quốc Hội (Nguyên Phó trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử đình Gia Viên), đình Gia Viên có tên chữ là Thọ Xương Đình. Thọ Xương có nghĩa là sự thịnh vượng bền vững dài lâu. Đình Gia Viên thờ Thành Hoàng làng là Ngô Vương Quyền và nhiều vị tướng của ông, trong đó có Đào Nhuận. Năm 2004, đình Gia Viên được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp thành phố. Hiện, đình còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật, tư liệu có giá trị quý về lịch sử, mỹ thuật như: sắc phong, câu đối, đại tự, bia đá...
Đình Gia Viên đã và đang trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng truyền thống của người dân. Ngôi đình như một đài tưởng niệm để người dân tri ân tới Thành Hoàng Ngô Vương Quyền và các bậc tiền nhân đã có công với đất nước.
Hiện, những người quản lý ở Đình Gia Viên những con cháu của những bậc cao niên đã nhiều năm trông nom gìn giữ di tích. Họ đều là những bác sĩ, dược sĩ, cán bộ công nhân viên chức đã nghỉ hưu, có tâm có đức nối gót truyền thống cha ông, được người dân bầu ra để quản lý, giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử của di tích.
Thành phố Hải Phòng tự hào và ghi nhớ công lao danh tướng Đào Nhuận nên đã đặt tên ông cho một phố ở một quận trung tâm. Đó là phố Đào Nhuận thuộc phường Kênh Dương, quận Lê Chân.
“Hầu như các thời kỳ lịch sử quan trọng của dân tộc, đặc biệt là những thời điểm đất nước lâm nguy trước nạn ngoại xâm đều có những vị anh kiệt trong dòng họ Đào xuất hiện ra giúp dân, cứu nước. Các ông đã trở thành các vị thánh anh minh luôn phù giúp cho quốc thái, dân an.
Các ông là những người ưu tú, xuất sắc của họ Đào, đã góp phần to lớn làm rạng danh, vẻ vang dòng họ Đào trên đất nước Việt Nam”, trích tham luận “Những vị Thành Hoàng họ Đào ở Hải Phòng và danh tướng Đào Nhuận” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chỉnh (Phó chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian Hải Phòng).
Các thế hệ con cháu dòng họ Đào luôn luôn phát huy truyền thống của cha ông, giữ gìn phẩm chất tốt đẹp, phấn đấu không ngừng. Kể từ thời kỳ Ngô Vương đến nay, nhiều thế hệ con cháu dòng họ Đào Việt Nam cũng như họ Đào Hải Phòng luôn luôn phát huy truyền thống, tiếp bước cha ông, góp thêm vào truyền thống tốt đẹp của dòng họ, nhiều bậc khoa bảng tiến sĩ và cử nhân được sử sách ghi nhận; đồng thời có nhiều đóng góp đáng kể đối với quá trình xây dựng, bảo vệ đất nước.