OTừ chiếc áo Giao Lãnh đến cuộc cách tân Lemur
Tiền thân của áo dài Việt Nam là chiếc áo Giao Lãnh xuất hiện ở thế kỉ 17 với kiểu dáng bốn vạt, khoác ngoài yếm lót, mặc cùng váy đen và thắt lưng, hai vạt trước buông thả phía trước.
Biến tấu của áo Giao Lãnh chính là áo tứ thân, áo ngũ thân, áo tấc, xuất hiện từ thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 20, đây cũng là một sự cách tân nho nhỏ nhằm tìm kiếm sự tiện lợi hơn cho trang phục Giao Lãnh.
Cho đến cuối những năm 1930, nhờ vào cuộc cách tân áo dài Lemur đầy táo bạo, áo dài Việt tân thời bắt đầu xuất hiện. “Cha đẻ” của áo dài Lemur chính là họa sĩ Nguyễn Cát Tường, một họa sĩ danh tiếng của Mỹ thuật Đông Dương ngày ấy. Họa sĩ Nguyễn Cát Tường tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 4 và vào làm việc cho Báo Phong Hóa. Ông lấy bút danh là Lemur Cát Tường trong vai trò họa sĩ, viết bài, vẽ kiểu cho báo.
Lemur là cách gọi thân mật của bạn bè dành cho Cát Tường, vì trong tiếng Pháp, “lemur” có nghĩa là “bức tường”. Thời ấy, nhà văn Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam, chủ bút của tờ Phong Hóa, tuần báo của Tự Lực Văn Đoàn rất say mê, trân trọng vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Việt. Chính vì thế, ngày 11/2/1934, Báo Phong Hóa số Xuân đã bắt đầu ra chuyên mục “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô”. Họa sĩ trẻ Nguyễn Cát Tường dẫu mới ra trường đã được giao phụ trách chuyên mục này.
Về y phục của phụ nữ lúc bấy giờ, nhiều lần họa sĩ Cát Tường đã bày tỏ rằng áo tứ thân, ngũ thân có phần rườm rà, không tiện lợi, kém phần thanh lịch. Với nhiều bài viết trên Báo Phong Hóa, họa sĩ Cát Tường cho rằng, quần áo tuy dùng để che thân nhưng cũng là “tấm gương phản chiếu trình độ tri thức một nước”, “phải có tính cách riêng của nước nhà”. Ông bày tỏ rằng, phụ nữ Việt phải ăn mặc làm sao để nhìn vào biết ngay “phong cách Việt Nam”: “Các bạn là phụ nữ Việt Nam, vậy áo của các bạn phải có một vẻ riêng để người khác khỏi nhầm các bạn với phụ nữ nước ngoài, như nước Tàu, nước Pháp, nước Nhật Bản chẳng hạn” - ông viết như thế trên báo.
Quan điểm của họa sĩ Cát Tường, trang phục phụ nữ cần giản tiện, gọn nhẹ và thanh lịch hơn, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, công việc... Từ đó, dựa trên chiếc áo ngũ thân, họa sĩ Cát Tường bắt tay vào cách tân y phục nữ giới. Phần tay áo được rộng ra, cổ áo bỏ đi, quần thu hẹp lại vừa người, tà áo cũng không rộng nữa mà vừa vặn cơ thể. Thiết kế mới này khiến quần áo trở nên vừa vặn hơn và cũng “gợi cảm” hơn. Đặc biệt, ông nhấn mạnh sự cách tân vào phần quần của áo dài bằng cách thay đổi cạp quần buộc xéo một bên hoặc cạp quần mở ở giữa, cài khuy như đàn ông, bởi ông coi chiếc quần là “linh hồn” của bộ trang phục, chứ không phải một thứ phụ thêm không đáng để tâm.
Vào tháng 3/1934, hoạ sĩ Cát Tường đưa ra mẫu áo dài đầu tiên trên Báo Phong Hóa số 90. Dĩ nhiên, sự cách tân đầy táo bạo này đã nhận được những phản ứng dữ dội. Nhiều người cho rằng trang phục này không thể coi là trang phục thuần Việt Nam vì lai Pháp. Nhiều từ ngữ như “lai căng”, “không giống ai” đã được đưa ra.
Tượng trưng cho tinh thần sáng tạo, cởi mở và tự do
Đứng trước cuộc tranh luận nhiều chiều, Cát Tường không hề nao núng hay giận dữ, ông lên tiếng chấp nhận mọi lời phản đối, nhẹ nhàng giải thích rằng ông biết bộ trang phục không thuần Việt hoàn toàn mà có sự lai căng, đó là lựa chọn của ông khi cách tân để trang phục trở nên nhẹ nhàng, tiện lợi hơn, thích hợp cho công việc và giao tiếp, phù hợp với xu hướng Âu hóa trong xã hội hiện thời. Và cái gì tiện, hay thì cần học hỏi.
Thời kỳ ấy, nhóm Tự Lực Văn Đoàn hoạt động mạnh mẽ, họ đưa ra phương châm về sự giải phóng bản thân, cố súy cho sự tự do và tiến bộ, thể hiện chính mình. Họa sĩ Cát Tường không dùng ngòi bút mà dùng chính thiết kế, vải vóc, trang phục để thể hiện tư duy sáng tạo, đổi mới, tự do nhưng đồng thời cũng luôn nêu cao tinh thần dân tộc trong việc đi tìm một bộ trang phục tượng trưng cho nữ giới nước ta.
Mặc dù nhận nhiều chỉ trích, nhưng vì tính thẩm mỹ, tiện lợi, trang phục áo dài của Lemur Cát Tường nhanh chóng được đông đảo phụ nữ thị dân ủng hộ. Họ thay những bộ ngũ thân rườm rà, tối màu với quần đen bằng những bộ áo dài ôm vừa cơ thể, những chiếc quần sáng màu phô đường cong gợi cảm. Những người phụ nữ dũng cảm diện những chiếc áo dài ấy cũng phải nhận về không ít cái nhìn phán xét, nhưng đó là cách mà họ cất lên tiếng nói về khao khát hướng đến việc giải phóng phụ nữ, khao khát tự do của mình.
Áo dài Lemur trên báo xuân năm 1940. (Ảnh: tư liệu) |
Áo dài Lemur của họa sĩ Cát Tường thịnh hành đến khoảng những năm 1943. Dần dà, nhiều người làm nghệ thuật bắt đầu tham gia vào cuộc cách tân, cải tổ để chiếc áo dài ngày càng trở nên thời trang, hợp thời hơn.
Nổi bật trong số đó là họa sĩ Lê Phổ thiết kế kết hợp từ áo tứ thân và biến thể của áo dài Lemur. Ông thu gọn kích thước áo dài để ôm khít thân hình người phụ nữ, đẩy cầu vai, kéo dài tà áo chạm đất, bớt đi những chi tiết quá “Tây hóa” trong chiếc áo dài Lemur để cho ra đời một phiên bản thuần Việt nhưng duyên dáng hơn. Áo dài Lê Phổ rất thịnh hành trong những năm 1950.
Sau năm 1954, do bối cảnh chiến tranh, áo dài Việt Nam tại miền Bắc ít được cải biến, cách tân. Còn tại miền Nam, áo dài lúc này nổi lên như một trang phục của sự sáng tạo, được nữ giới ưa chuộng. Trường phái áo dài Raglan còn gọi là áo dài giắc-lăng, xuất hiện vào năm 1960, do nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn sáng tạo. Thiết kế Raglan cho tà trước nối với tà sau qua hàng nút bấm từ cổ xuống nách và dọc theo một bên hông. Kiểu ráp này vừa giảm thiểu nếp nhăn ở nách, cho phép tà áo ôm khít theo đường cong người mặc, vừa giúp người phụ nữ cử động tay thoải mái, linh hoạt. Đây cũng là kiểu áo dài góp phần định hình nên áo dài Việt Nam hiện nay.
Tháng 12/1958, bà Trần Lệ Xuân đã có một sáng tạo mới với kiểu áo dài tà rộng ôm khít, thân áo có đường kết cấu tạo ly chiết ở thân trước và thân sau nhằm làm giảm tối đa độ rộng của áo, đồng thời làm nổi phần ngực và nở phần hông, phần cổ áo khoét bề ngang lớn hơn bề sâu, từ đó còn gọi là áo dài cổ thuyền, cổ khoét. Chiếc áo dài này đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ vì đi ngược với truyền thống và thuần phong mỹ tục của xã hội thời đó. Bất chấp dư luận, bà Trần Lệ Xuân vẫn sử dụng mẫu áo dài này thường xuyên trong các sự kiện ngoại giao cũng như trong những lần xuất hiện trước công chúng. Những năm 60, loại áo dài này trở nên rất thịnh hành với cái tên “áo dài Trần Lệ Xuân”.
Tiếp sau đó là những trào lưu khác nhau được thịnh hành qua mỗi thời kỳ, như áo dài chít eo, áo dài rộng không chít eo, áo dài tà mini, hay áo dài tà ngắn lên đến đầu gối...
Đến ngày nay, chiếc áo dài của Việt Nam được định hình với việc chít eo, ôm sát các đường cong cơ thể, tà áo dài xuống gần gót chân. Xã hội cởi mở ngày nay đã chấp nhận chiếc áo dài với nhiều phong cách, kiểu dáng khác nhau, từ ống quần rộng đến hẹp, tà dài hay tà ngắn, áo rộng hay chít eo, gài nút hay dây kéo, nút bấm... Miễn sao chiếc áo vẫn giữ được nét ý nhị, duyên dáng, đằm thắm của người phụ nữ Việt.
Giờ đây, áo dài Việt Nam đã được biết đến và yêu chuộng trên khắp thế giới, có mặt trong các quốc thi nhan sắc trong nước lẫn nước ngoài, có mặt một cách gần gũi và sâu sắc trong đời sống mỗi người dân Việt.
Chúng ta có những thế hệ nhà thiết kế (NTK) áo dài đầy tài năng như NKT Minh Hạnh, NTK Sỹ Hoàng, NTK Thuận Việt, NTK Võ Việt Chung... Những con người đầy tình yêu và tâm huyết với chiếc áo dài Việt, đã góp phần đem đến những thiết kế mới mẻ, sáng tạo trong sự giữ gìn cốt lõi truyền thống, khiến những chiếc áo dài Việt ngày càng mới mẻ, tươi đẹp hơn qua từng thời kỳ.
Với sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, áo dài Việt Nam không chỉ là một bức tranh sống động về nghệ thuật thời trang mà còn là biểu tượng của lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương, đất nước. Áo dài không chỉ là một loại trang phục, mà còn là câu chuyện về lịch sử, văn hóa và tinh thần sáng tạo không ngừng của người Việt.