Bị vô sinh - đó là sự thật không may mắn đối với nhiều cặp vợ chồng. Thế nhưng, theo các chuyên gia chữa hiếm muộn, vô sinh hàng đầu ở Việt Nam thì phần lớn các bệnh vô sinh đều có thể chữa được. Và, những cặp vợ chồng không may mắn bị vô sinh đều có cơ hội tìm được cho mình một ngọn “nến hồng” hạnh phúc. >> Bi kịch khó tin từ những lần nạo thai vô độ >> Chuyện chỉ toàn đắng cay ở phòng thụ tinh nhân tạo Cuối đường hầm là ánh sáng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản TW nằm lặng lẽ trên tầng 3 của một dãy nhà vào loại yên tĩnh nhất của bệnh viện. Tại đây, người ta cho treo cả một tấm bảng lớn có dán hình của nhiều cô bé, cậu bé mới chào đời rất kháu khỉnh. Những đứa trẻ ấy đều là “sản phẩm” của các ca điều trị vô sinh của trung tâm. Nhìn những bức hình ấy, những bệnh nhân đến điều trị có được cái tâm lý, rằng: Con đường ở phía trước của họ là một con đường sáng sủa và hạnh phúc, chứ không phải là một ngõ cụt tối tăm đầy vô vọng như họ vẫn từng nghĩ. Bác sỹ Nguyễn Việt Tiến, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Giám đốc BVPSTW, đồng thời là Chủ tịch Hội sản khoa Việt Nam khẳng định: Hiện chỉ có hai trường hợp mà y học hiện đại vẫn phải bó tay. Đó là trường hợp nam giới không có tinh trùng hoặc nữ giới không có tử cung. Còn lại, hầu hết các dạng vô sinh khác, y học đều có khả năng chữa trị.
Bác sỹ Tiến kể: Mới đây, có một cặp vợ chồng ở Hà Nội, đã ngoài 40 tuổi đến Trung tâm Hỗ Trợ sinh sản điều trị chứng vô sinh không rõ nguyên nhân. Anh chồng vốn là một doanh nhân bận bịu, phấn đấu kiếm tiền bao năm. Khi đã có rất nhiều tiền, anh chồng bỗng nhận ra cuộc sống của mình và của gia đình thật trống rỗng và không có ý nghĩa vì không có con cái nên đã cùng vợ tìm mọi cách chạy chữa. Trước khi tìm đến Trung tâm hỗ trợ sinh sản, cặp vợ chồng này chạy chữa thuốc nam, thuốc bắc khắp nơi không thành công. Thậm chí, họ đã nhiều lần đi thụ tinh ống nghiệm ở một bệnh viện nổi tiếng trong Nam, rồi sang cả Singapo điều trị, tiền bạc tiêu tốn nhiều vô kể nhưng kết quả thì vẫn là một con số không. Quá thất vọng trước kết quả điều trị nên chị vợ lúc nào cũng sụt sùi, chuyện ăn uống rất thất thường, trong khi công việc kinh doanh của anh chồng bị bỏ bê. Tại BVPSTW, sau nhiều lần điều trị tốn kém không thành, nhưng cặp vợ chồng vẫn kiên trì theo đuổi. Cuối cùng, cơ may đã đến với họ khi mới đây, các bác sỹ Trung tâm hỗ trợ sinh sản đã thụ tinh ống nghiệm thành công. Vậy là sau bao nhiều ngày ngập tràn trong sầu não và nước mắt, cuối cùng gương mặt của người phụ nữ thiếu may mắn cũng đã nở nụ cười và anh chồng doanh nhân thì vui khôn tả.Tìm con như trong truyện… “cổ tích” Mặc dù, như đã nói, hầu hết dạng bệnh vô sinh, y học hiện đại đều có khả năng chữa trị. Nhưng việc điều trị vô sinh tốn kém, nhiều gian truân và cả sự may rủi nữa. Vì vậy, phần lớn các cặp vô sinh, hiếm muộn, dù khát khao có một đứa con đến mấy, nhưng chạy chữa 4,5 năm không có kết quả, họ đều phải bỏ cuộc. Và cái kết sau đó thì ai cũng có thể đoán định: ấy là sự đổ vỡ gia đình. Tuy nhiên, vẫn có những cặp vợ chồng đã theo đuổi trên dưới 10 năm, tiền bạc mất hàng tỷ đồng để hy vọng có một đứa con, thì đó thực sự là những câu chuyện “cổ tích” gia đình đầy cảm động.
Có những cặp vợ chồng đã theo đuổi trên dưới 10 năm, tiền bạc mất hàng tỷ đồng để hy vọng có một đứa con, thì đó thực sự là những câu chuyện “cổ tích” gia đình đầy cảm động |
Bác sỹ Nguyễn Việt Tiến kể: Cách đây không lâu, một cặp vợ chồng người Hà Tây (cũ) đã lấy nhau 16 năm mà chưa có lấy một mụn con có tìm đến gặp ông. Trước khi tìm đến ông, anh chồng, vốn là một doanh nhân, hễ nghe ở đâu có thuốc hay, thuốc tốt là dẫn vợ đến mua, đến khám. Nghe có người mách anh cần phải làm nhà mới, mới hy vọng có con, anh cũng đập ngôi nhà khang trang mới làm cách đó chưa lâu để xây lại. Có người lại bảo, anh phải cưới lại chính cô vợ của mình mới có con, anh cũng làm lễ cưới linh đình cả trăm mâm để cưới lại người vợ mình đã cưới hơn chục năm trước. Nhưng kết cục thì vợ chồng anh vẫn không thể có con. Tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản, bác sỹ đã xác định “con giống” của anh quá yếu. Muốn có con phải làm thủ thuật lọc rửa, rồi bơm tinh trùng vào tử cung. Và, chỉ sau 3 lần tiến hành thủ thuật, người vợ đã có bầu. Đến lúc này, anh chồng cứ hối hận mãi vì đã mụ mị trong những trò mê tín quá lâu, không biết tìm đến trung tâm hỗ trợ sinh sản uy tín sớm hơn mà chữa trị. Cũng tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản này, một cặp vợ chồng sống ở phố Hàng Đường, Hà Nội, bị tắc hai vòi trứng, sau 9 năm ròng điều trị không mệt mỏi, mới đây, các bác sỹ đã đã điều trị thành công bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Theo bác sỹ Tiến, cặp vợ chồng này đã điều trị tại trung tâm từ năm 2000 đến cuối năm 2009 mới thành công. Trước đó, bệnh nhân này từng sang Singapo điều trị nhiều lần, rồi vào trong một bệnh viện ở TP.HCM hàng năm trời cũng không thành công. Trong 9 năm điều trị, với hàng chục lần thụ tinh ống nghiệm không thành, tinh thần người vợ suy sụp trầm trọng. Nhưng vì quá yêu vợ, anh chồng vẫn tiếp tục động viên điều trị.
Bác sỹ Nguyễn Việt Tiến: "Tôi đã được chứng kiến nhiều trường hợp "tìm con" diệu kỳ và xúc động" - (Ảnh Nguyễn Tuyến) |
Quá trình chạy chữa kéo dài nhiều năm, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền bạc. Nhưng với họ, có được một đứa con mới là điều quan trọng nhất. Và cuối cùng, sự kiên trì của họ đã được đáp đền. Sau nhiều năm kiên trì điều trị, họ đã có được một đứa con và cuộc sống gia đình của họ sau đấy vô cùng hạnh phúc. Cũng là những bệnh nhân đi chữa vô sinh, cũng khao khát có được một đứa con, nhưng không phải ai cũng có đủ tiền bạc để làm những kỹ thuật phức tạp, tốn kém, lại có nhiều may rủi. Chính vì thế, các bác sỹ đều rất buồn khi phải thông báo cho một trường hợp vô sinh nào đó bắt buộc phải dùng đến phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Bởi, sử dụng phương pháp này, chi phí cho mỗi ca thực hiện lên đến 50, thậm chí 60 triệu mà kết quả có khi vẫn là con số không. Bác sỹ Tiến cho biết, rất nhiều cặp vợ chồng đến từ các vùng nông thôn, vì quá nghèo, khi nghe được điều ấy, họ đã lặng lẽ ra về, không tiếp tục theo đuổi tìm kiếm một đứa con nữa. Ông Tiến bảo, không biết có bao nhiêu cặp vợ chồng sẽ không thể sống chung một mái nhà vì không đủ tiền điều trị để có một đứa con. Nhưng ông rất mừng vì đã có nhiều trường hợp do không có tiền làm thụ tinh ống nghiệm, người ta đã về quê chọn một giải pháp tối ưu là đi xin con nuôi. Có con nuôi rồi, họ đã gọi điện báo lại cho bác sỹ, để bác sỹ chia vui cùng gia đình.
Theo Nguyễn Tuyến
VietNamNet
VietNamNet