Tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi tầng lớp trong xã hội, trong đó có hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tại huyện Phú Vang, tình hình dịch bệnh cũng đã gây ra nhiều khó khăn cho nhiều hộ dân trên địa bàn, đặc biệt đối với những hộ nghèo, cận nghèo.
Trước tình hình đó, để hoàn thành mục tiêu vừa chuyển tải kịp thời đồng vốn vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, NHCSXH huyện Phú Vang đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của chính quyền các cấp trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Theo ông Đào Bá Thuận, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Vang cho biết, Phú Vang là huyện còn nhiều khó khăn nên nhu cầu được tiếp cận vốn vay ưu đãi của người dân trong huyện rất lớn. Để chuyển tải kịp thời vốn chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong mùa dịch, NHCSXH huyện đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp.
Theo đó, tại các điểm giao dịch xã thực hiện khử khuẩn, yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang, đo thân nhiệt trước khi vào giao dịch; thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế... Đồng thời, NHCSXH huyện phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội nắm bắt nhu cầu vay vốn để chuyển tải kịp thời tới người dân phát triển sản xuất.
Ông Hồ Văn Xiệu - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn Thủy Diện (xã Phú Xuân, huyện Phú Vang) cho hay, trước đây, đa số các hộ dân trong thôn đều có hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn, muốn phát triển kinh tế nhưng thiếu vốn. Kể từ khi được vay vốn ưu đãi của NHCSXH, đời sống kinh tế của bà con thay đổi rất nhiều. Nhiều hộ dân đã làm giàu nhờ sử dụng hiệu quả vốn chính sách. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì nguồn vốn chính sách vẫn được giải ngân kịp thời, là động lực để bà con vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển kinh tế.
Trong 8 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn huyện Phú Vang, doanh số cho vay tín dụng chính sách đạt trên 119 tỷ đồng, với 3.061 lượt khách hàng vay vốn. |
Cũng như nhiều hộ dân khác trên địa bàn huyện Phú Vang, gia đình ông Nguyễn Công Tiến (trú tại Tổ dân phố Hòa Tây, thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang) đã được NHCSXH huyện hỗ trợ vay vốn khắc phục khó khăn. Cuối tháng 3/2021, gia đình ông được bình xét để lập hồ sơ vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo với số tiền 50 triệu đồng. Từ vốn vay, ông đầu tư mua heo giống, đầu tư chuồng trại để nuôi gà, vịt... phát triển kinh tế gia đình. Hiện gia đình ông có hơn 30 con lợn, hơn 200 con gà, vịt và dự kiến xuất chuồng sau 6 tháng nuôi.
Tại xã Phú An, nhiều hộ dân cũng đã tiếp cận được nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện Phú Vang để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình. Chị Trần Thị Chung (46 tuổi, thôn An Truyền) cho biết, chị được vay với số tiền 50 triệu đồng, với số tiền đó chị đầu tư mua thiết bị để khai thác thủy sản. Nhờ có nguồn vốn vay cộng với vốn tự có của gia đình, gia đình chị Chung đã mua 02 chiếc ghe và các dụng cụ đánh bắt thủy sản phục vụ cho việc khai thác thủy sản nước lợ.
“Trước đây, vì không có máy móc hỗ trợ nên việc khai thác thủy sản chỉ làm với quy mô nhỏ lẻ dẫn đến năng suất không được cao. Nay nhờ nhờ có nguồn vốn vay này mà gia đình tôi vươn lên phát triển kinh tế, khai thác thủy sản với quy mô lớn hơn nên hiệu quả kinh tế cũng khả quan hơn; đời sống kinh tế phát triển, gia đình không còn khó khăn như trước đây nữa. Cùng với đó gia đình tôi có điều kiện trả lãi và gốc cho Ngân hàng chính sách đầy đủ theo quy định”, chị Chung chia sẻ.
Theo NHCSXH huyện Phú Vang, doanh số cho vay tín dụng chính sách trong 8 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn huyện đạt trên 119 tỷ đồng, với 3.061 lượt khách hàng vay vốn. Tính đến nay tổng dư nợ cho vay trên địa bàn huyện Phú Vang đạt trên 274 tỷ đồng, với 8.088 khách hàng vay. Thông qua nguồn vốn chính sách đã có 450 lao động được tạo việc làm, 71 HSSV được vay vốn, 23 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động, trên 6.612 công trình nước sạch và vệ sinh được cải tạo, xây mới.
Với việc triển khai đa dạng các chương trình cho vay, tín dụng chính sách tiếp tục trở thành “đòn bẩy” quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, góp phần đẩy nhanh tiến độ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các vùng còn nhiều khó khăn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi. Đây cũng là động lực quan trọng để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt lên trên những khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.