Những chuyến “giao dịch âm”
Tháng 7 âm lịch, phố Hàng Mã (Hà Nội) lại càng đông đúc người ra kẻ vào tấp nập. Con phố thủ đô huyên náo hơn bởi lượng người đổ về phố vàng mã này mua đồ. Tết có đồ Tết, giáng sinh có đồ giáng sinh, còn đặc biệt tháng 7 bán vàng mã cho “người âm” theo đúng cái tên của phố.
Đáng chú ý, ngoài giấy tiền vàng như trước kia thì nhiều người còn săn lùng những đồ hiện đại như: iPhone, iPad, siêu xe, biệt thự... để đốt cho người cõi âm. Những mặt hàng không chỉ dừng lại ở vài tập tiền âm phủ đơn giản như trước, càng ngày mẫu mã càng đa dạng. Không khó để kiếm một chiếc váy Guci, chiếc ipad, chiếc iphone XS mới nhất hay khổng lồ hơn là ô tô, biệt thự…
Dù là vàng mã nhưng độ đẹp mắt và tỉ mỉ không khác gì đồ thật. Và ngoài đồ hiệu, những bộ đồ lót, trang sức, laptop, máy ảnh, giày dép…cũng đều được ra đời phục vụ những cuộc giao dịch từ dương gian xuống âm giới trong dịp này.
Theo chân chị Hiền (phố Cầu Giấy, Hà Nội) đi tìm mua vài bộ quần áo cho các cụ, chị mua để đốt xuống âm vì sợ dưới đấy mọi người không được mặc quần áo đẹp. Một bộ sản phẩm công nghệ gồm Iphone, ipad có giá 50.000 - 70.000 đồng, váy áo tầm 50.000 đồng, sang trọng hơn nhà lầu, xe hơi dao động 200.000 đồng. Càng giống thật, càng bắt mắt giá càng cao.
Một chủ cửa hàng cho biết: “Chỉ tính riêng những ngày tháng 7, chúng tôi bán gấp 3, 4 lần ngày bình thường. Chủ yếu tập trung các đồ vàng mã, loại nào càng giống thật, càng đẹp thì càng nhiều người mua. Mấy năm gần đây có xu hướng đồ như iphone, xe hơi, thậm chí vợ - chồng bằng hình nộm nên cũng được bày bán phục vụ người mua”.
Nhiều mặt hàng như iphone, ipad, túi Gucci..được săn tìm dịp rằm tháng bảy. |
Thế là, cứ dịp tháng 7, “phiên chợ” đồ dùng cho “người âm” nhộn nhịp người. Chúng ta đang mua thay nhu cầu của người đã khuất, tiêu tốn tiền của để “giao dịch” cho họ. Dù không biết họ có cần hay không?
Đổi đời nhờ vàng mã...
Đến hai làng Vân Hội, Phúc Am (Thường Tín, Hà Nội) những ngày tháng 7 âm lịch, cảm nhận rõ không khí hối hả của nơi được mệnh danh một trong những “thủ phủ” vàng mã lớn nhất miền Bắc. Ngay từ cổng làng, những chuyến xe lớn nhỏ về mua vàng mã đã tập kết để chuyển những đàn mã khủng xuất bến phục vụ khách tỉnh như Hà Nam, Nam Định, Lào Cai.
Tuy nhiên, người dân Vân Hội cho biết, những năm gần đây lượng vàng mã sản xuất có chiều hướng giảm đi so với mọi năm, nên nhiều gia đình bỏ nghề. Từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến cáo hạn chế đốt vàng mã thì việc bán buôn khó khăn hơn. Nhưng có một thời gian, được gọi thời kỳ hoàng kim của hai ngôi làng này cùng với Song Hồ (Bắc Ninh) luôn tấp nập sản xuất phục vụ thị trường.
Nhưng do nhu cầu của xã hội, quy luật “âm dương” tất yếu thì người dân làng Vân Hội và Phúc Am vẫn tất bật mỗi dịp rằm tháng bảy. Thăm một hộ sản xuất tại Vân Hội.
Ông Lê Văn Chiến (chủ hàng vàng mã) dẫn tôi thăm quan cơ ngơi đến tỷ đồng mới xây của nhà. Ngôi nhà khang trang, bề thế từ chính nghề vàng mã đem lại. Nhà ông là nhà làm vàng mã lớn và có tiếng, đến tháng 7 làm thêm mũ mã, quần áo, giáp Tết ông Công, ông Táo.
Mặt hàng cứ thay đổi liên tục theo guồng quay thị trường, theo dạng “mùa nào thức ấy”. Xung quanh nhà, chất đầy những ông ngựa, thuyền rồng cỡ lớn đầy một mặt sân.
Vừa đóng gói vài bộ quần áo, ông Chiến chia sẻ: “Tháng 7 này nhà tôi bận lắm. Hôm qua phải bảo thêm mấy anh chị em sang làm giúp mới xong việc. Tháng 7 này chủ yếu làm ngựa với quần áo và một số vật dụng như: xe cộ, điện thoại... vì người ta hay mua về để đốt biếu các vong linh gia tiên. Mấy hôm nay phải làm đến 1 - 2 giờ sáng mới kịp hàng cho khách”.
Theo ông Chiến, doanh thu dịp này ít cũng vài trăm triệu, những lúc nhiều đơn hàng từ khách “VIP” thì tiền tỷ là chuyện bình thường. Do nhu cầu nhiều nên tháng cũng chỉ chuyên làm mũ mã, quần áo, cũng theo ông đồ mã giờ kỳ công hơn vì khách yêu cầu giống thật.
Ví dụ như bộ vest cho nam, phải đủ khoác ngoài, sơ mi, quần âu, giày tây, kích thước gần như đồ thật. Vì vậy, công làm cao và giá thành sản phẩm cao hơn thông thường. Dẫu vậy, ông chia sẻ thêm những mặt hàng này lại rất chuộng, giá tuy cao nhưng người mua vẫn thích hơn các kiểu mã cũ.
Khi “phong trào” đốt vàng mã đi lên cùng với những nguồn lợi nhuận “khủng”, các gia đình truyền thống chuyển dần sang kinh doanh lớn, tìm nhiều nguồn xuất hàng đi các tỉnh có nhu cầu cao.
Theo tiết lộ của một chủ buôn: “Mỗi đàn mã ít vài chục, nhiều vài trăm, có đàn hàng tỷ. Còn tháng 7 thì mỗi gia đình thường đến đây mua mã chi khoảng 2-3 triệu cho các loại mũ mã, quần áo hay bán cho người âm. Có người đi săn mã “hàng hiệu” như Gucci, LuisVuiton... nên nhà tôi cũng tham khảo dần làm theo nhu cầu người mua”. Khoảng 9,10h tối các cửa hàng mã ở Phúc Am vẫn sáng đèn phục vụ khách, chủ yếu từ Hà Nội và các tỉnh lân cận về nhập hàng.
Nhìn những ngôi nhà ngày một khang trang giữa ngôi làng bé nhỏ này, thế mới biết từ nhiều năm nay người dân “thay da đổi thịt” nhờ vàng mã. Nhiều gia đình đã làm giàu, đổi đời nhờ vàng mã...
Đốt thế nào cho đúng?
Tháng 7, theo quan truyền thống Phật giáo là ngày lễ vu lan, nhằm thể hiện sự biết ơn, hiếu kính của con cái với cha mẹ. Còn trong tâm thức văn hóa dân gian, tháng 7 (âm lịch) là ngày xá tội vong nhân.
Vàng mã đang “thiêu ” giá trị văn hóa trong lãng phí. |
Đây là một dịp chúng ta báo hiếu cha mẹ, nhớ ơn tổ tiên, bố thí chúng sinh, nét văn hóa đẹp của người Việt từ bao đời nay. Nhưng có vẻ phong tục này đang bị biến tướng, khiến nhiều người hiểu sai về ý nghĩa của nó. Điều này dẫn đến việc quá mê tín mà chuẩn bị lễ mã, đốt vàng hương một cách lãng phí.
Trước đây, khi có dịp nói chuyện với GS. Chương (Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam), ông thẳng thắn rằng việc đốt vàng mã quá nhiều dẫn đến những hệ lụy khôn lường về văn hóa cũng như sinh hoạt đời sống của nhân dân. Những đống vàng mã lớn nhỏ tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn, ô nhiễm, bệnh tật.
Trong Phật giáo không hề có đề cập đến việc đốt vàng mã. Trong sử sách Việt Nam, các dữ liệu về văn hóa cũng không hề đề cập đến việc người chết đòi hỏi về việc đốt vàng mã như tiền, iPhone, xe cộ…
Cũng từng là người đi nhiều quốc gia phương Đông nghiên cứu văn hóa, GS Hoàng Chương chia sẻ khẳng định, ở các nước Châu Á như Nhật, Lào, Campuchia..., việc đốt nhang hay vàng mã rất giản lược chứ không quá nặng nề như Việt Nam.
Không thể phủ nhận sức hút của “vàng mã” trong đời sống tâm linh của người Việt. Nhiều năm nay, hoạt động này đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội về việc nên như thế nào với việc “đốt vàng mã”. Khi mà nhà nhà, người người đang hàng ngày lãng phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho việc này. Với quan niệm “trần sao âm vậy”, thị trường vàng mã phục vụ “âm giới” ngày một chuyển mình để hợp với nhu cầu người dùng hơn.
Dẫu vậy, ở một góc độ khác, tuy “phú quý sinh lễ nghĩa” nhưng mỗi người không nên biến việc thờ cúng rằm tháng bảy trở nên lệch lạc, lãng phí. Vô tình làm mất đi giá trị nhân văn cốt lõi của ngày này đó là sự xá tội, sự biết ơn, sự tưởng nhớ tổ tiên, những người đã khuất.
Đã đến lúc chúng ta nên trả lại đúng nét đẹp văn hóa cho ngày rằm tháng bảy, để người trần không tiêu tốn tiền của và “người âm” cũng không “bội thực vàng mã” vào mỗi dịp này.