Bẵng đi mấy tháng, tình cờ tôi gặp lại ông lão trong vụ kiện đòi nhà đất ở sân TAND TP.Nam Định. Nhìn phía ngoài cổng có một thanh niên đi xe máy chờ ông, tôi hỏi: “Con ông đó hả, nó mới ra trại à?”. Giọng cười của ông lão buồn buồn nhưng ấm áp: “Ờ, là con nhưng mà không phải con đẻ. Nó chính là thằng cướp đất của vợ chồng tôi đó!”.
Phận đời éo le sau vụ án
Ông lão tên là Trần Văn Sướng (63 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội). Ông Sướng quê Nam Định, nhưng đã bỏ nhà lên Hà Nội làm ăn, lập nghiệp từ mấy chục năm nay. Tên là Sướng nhưng cả cuộc đời ông chỉ toàn lận đận, vất vả, đắng cay...
Ông lấy vợ năm 1977 khi mới 25 tuổi, hai vợ chồng nghèo chỉ có hai bàn tay trắng cùng mấy sào ruộng khoán. Tảo tần sớm hôm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vậy mà cũng chẳng đủ nuôi hai đứa con trứng gà, trứng vịt. Năm 1991, ông Sướng theo người quen ra Hà Nội làm nghề thu mua phế liệu, thuê trọ ở làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội), nửa năm hoặc giỗ tết mới về nhà với vợ con được dăm ba ngày.
Nhờ chịu khó, khéo léo nên ông học được nghề làm đồ nhựa gia công; mua phế liệu tận gốc, sau đó gia công lại bán sản phẩm nên lãi nhiều, chẳng bao lâu ông tậu đất làm xưởng riêng. Đến năm 1996, ông đón vợ và các con ra Hà Nội, cả nhà chuyển nghề làm nhựa gia công. Nhà cửa, ruộng vườn ở quê ông khóa cửa nhờ anh em hàng xóm trông giúp.
Năm 1998, vợ chồng anh Vũ Văn Đơm (36 tuổi, quê Hải Hậu) là công nhân KCN Hòa Xá tại TP.Nam Định đến thuê nhà của ông. Do thời gian ấy công việc ở xưởng nhựa trên Hà Nội bận rộn, phát đạt nên ông không để ý nhiều đến việc phải làm hợp đồng cho vợ chồng anh Đơm thuê nhà cũng như thu lợi nhuận. Ông đồng ý cho vợ chồng anh Đơm ở nhờ nhà mình mà không đòi hỏi bất kỳ điều kiện nào. Vợ chồng anh Đơm toàn quyền quản lý, sử dụng tài sản nhà đất của vợ chồng ông từ đó đến nay.
Năm 2007, xưởng nhựa của vợ chồng ông nẳm trong vùng quy hoạch thuộc diện bị giải tỏa, di dời. Các con ông từ chỗ phải vất vả tối ngày lao động cực nhọc, nay bỗng có trong tay số tiền đền bù gần ba tỉ đồng thì sa vào ăn chơi trác táng, rồi nghiện ma túy. Con trai lớn đã thiệt mạng vì sốc thuốc, còn đứa bé đang trong trại cai nghiện. Hiện hàng tháng ông bà vẫn phải cơm đùm cơm nắm thăm nuôi. Sau 3 năm, số tiền đền bù ba tỷ đồng đã bốc hơi, cùng đường, ông Sướng phải đòi lại nhà đất của vợ chồng anh Đơm. Nhưng anh này cứ khất lần không trả, buộc ông Sướng phải kiện đòi kẻ “cướp” nhà đất của mình.
Ấm áp tình người
Tại buổi hòa giải vào tháng 3/2011, anh Đơm thừa nhận đã ở nhờ nhà của ông Sướng từ năm 1998 đến nay đúng như nguyên đơn trình bày. Anh nói không có ý định cướp đất của ông Sướng, thực tế vợ chồng anh cũng có ý định trả nhà nhưng hiện tại hoàn cảnh của anh lại khá ngặt nghèo: vợ chồng anh lấy nhau hơn chục năm nay, đồng lương công nhân eo hẹp, không có cả tiền thuê nhà nhưng vẫn phải vay mượn để chạy chữa, lận đận mãi hiện vợ anh mới có bầu đứa con đầu lòng. Nay ông Sướng đòi nhà, vợ chồng anh chẳng biết ở đâu, đành xin ông rủ lòng thương cho nán lại đến khi vợ anh sinh nở, rồi sẽ thu xếp.
Ông Sướng thở dài thườn thượt, ông đã nhân nhượng cho vợ chồng anh Đơm năm lần bảy lượt, cho ở nhờ hết thời gian chạy chữa để vợ anh ta có bầu, rồi lại chờ đến khi họ “mẹ tròn, con vuông”. Ông thông cảm cho bị đơn, vậy thì ai thông cảm cho hoàn cảnh của ông đây?. Tận đáy lòng, ông thương quý vợ chồng Đơm và thầm ước ao giá như hai thằng con trai bán trời không văn tự của ông được một phần như thế. Vậy nên nghe bị đơn trình bày thống thiết, ông lại mủi lòng và đồng ý đợi bị đơn thêm một thời gian nữa...
Bẵng đi một thời gian, tình cờ hôm trước tôi gặp lại ông Sướng ở sân TAND TP.Nam Định. Thấy ngoài cổng có một chàng trai đi xe máy chờ sẵn, tôi hỏi: “Con ông đó hả, nó được ra trại hồi nào?”. Ông lão cười buồn nhưng ấm áp: “Đó là con nuôi tôi, chính cái thằng “cướp” nhà đất của tôi dạo trước đó!”. Rồi ông tâm sự: “Tôi thương vợ chồng thằng Đơm thực lòng nên đã tự nguyện rút đơn khởi kiện. Vợ chồng nó mừng lắm, xin nhận chúng tôi làm bố mẹ nuôi. Nó hứa sau này sẽ sớm trả lại nhà cho tôi, và tôi tin người tốt như vợ chồng nó rồi sẽ ăn ra làm nên, cô ạ!”.
Ông khoe, vài tháng hoặc nửa năm, vợ chồng anh Đơm lại mang quà quê lên Hà Nội biếu ông bà, mùa nào thức ấy: Khi yến gạo thơm, lúc đôi gà béo hay buồng chuối chín... Sau những đau khổ, đắng cay vì con cái hư hỏng, vợ chồng ông lão lại thấy mát lòng vì đứa con nuôi.
Chuyện của ông lão khiến tôi thấy lòng mình ấm áp và vô cùng xúc động. Tôi tin người nhân hậu như ông bà rồi sẽ sung sướng an nhàn, và hy vọng sau này đứa con trai nghiện ngập của ông bà sẽ tu tỉnh lại, bù đắp cho bố mẹ tất cả những vất vả đắng cay.
Nguyễn Lê