Lấy phải “game thủ”
Không ngày nào là vợ chồng chị Vân không xảy ra tranh cãi, giận dỗi nhau chỉ vì thói nghiện game của anh. Đi làm thì thôi, cứ về nhà là anh chỉ chăm chú vào màn hình máy tính để “luyện game”.Từ ngày yêu nhau, chị cùng nghe bạn bè anh nói trêu bóng gió: “Yêu em là nó phải từ bỏ nhiều trò hay trên mạng lắm đấy!...”, chị gạn hỏi thì anh gạt phắt đi.
Lấy nhau một thời gian thì chị Vân đã nhận ra anh là “một tay game cừ khôi” – như bạn bè anh nhận xét. Anh có thể ngồi cả ngày chủ nhật để chơi những trò game mới. Vợ đang mang bầu nhưng hễ chị nhờ chở đi đâu là anh thoái thác, viện cớ để ở nhà một mình cho….thoải mái chơi điện tử. Chị Vân rất ấm ức, nhưng lại thầm nghĩ “chắc là do vợ chồng còn son rỗi nên anh chơi giải trí cho đỡ buồn, khi nào có con sẽ khác”. Nhưng chị đã nhầm, khi có con rồi, xem ra “căn bệnh” của anh còn nặng thêm.
Vì chị sinh con nên nhà có thêm bà nội và người giúp việc đến ở đỡ đần. Anh càng rảnh tay, trốn biệt vào phòng làm việc để chơi nào là: game đá bóng, game bắn súng, game đua xe v.v…Chị Vân bực lắm, nhưng vì có bà nội nên vẫn e dè, không dám nói to tiếng với anh. chị Vân cố gắng nhờ chồng làm nhiều việc nhà mỗi khi anh tan sở về, nhưng anh chỉ làm qua quýt cho xong rồi nhờ bác giúp việc làm để còn tranh thủ chơi game. Con còn nhỏ, nhưng anh cũng chỉ bế chốc lát rồi lại lý do: con còn nhỏ quá, khó bế lắm!
Chị Vân lúc nào cũng thấy đầu óc căng thẳng, buồn chán vì chồng quan tâm đến vợ con như chỉ là lấy lệ, còn chỉ chú tâm vào việc chơi điện tử. Nói mãi nhưng anh không sửa, chỉ ậm ừ rồi đâu vẫn vào đấy, vẫn ngày đi làm, tối về chơi game đến 2-3 giờ sáng mới đi ngủ. Chịu không nổi, chị nói chuyện thẳng với bố mẹ chống nhờ can thiệp, nhưng ông bà vốn chiều con nên chỉ ậm ừ cho qua.
Khi con được 6 tháng tuổi, bà nội về quê, chị cũng đi làm trở lại, công việc nhà càng trở nên bận rộn hơn. Chị hi vọng đức lang quân thấy vợ bận rộn thì sẽ chia sẻ việc nhà với chị và dần dần quên game. Nhưng chị lại một lần nữa thất vọng, anh vẫn không từ bỏ được nó.
Một hôm, cơ quan có việc đột xuất, 6 giờ tối chị mới về, thấy nhà cửa bề bộn, cháu bé quấy nên bác giúp việc phải bế trên tay suốt, còn anh thì mải mê ngồi đấu kiếm trên máy tính, chị giận dữ:
- Anh phải biết là em cũng đi làm, về nhà còn bao nhiêu là việc nhà nữa, nào là đi chợ, tắm cho con, cho con ăn bữa chiều, nấu cơm tối v.v…anh không giúp em thì thôi, đừng “dán mắt” vào máy tính chơi game như thế!”
Anh thủng thẳng: Ừ, cứ để việc đấy, lát anh làm!
Nhưng chị chẳng trông mong gì anh giúp, bởi “một lát” của anh cũng kéo dài cả tiếng đồng hồ.
Áp lực công việc cộng với việc nhà bận rộn, chồng lại mải mê với những trò chơi ảo giác trên mạng khiến chị càng trở nên trầm uất hơn. Vợ chồng ít nói chuyện với nhau thay vì những lần cãi vã như trước, khoảng cách vô hình giữa hai người ngày càng lớn. Chị thầm trách mình đã không tìm hiểu kỹ, để bây giờ lấy phải “game thủ” như vậy.
Hai bố con… cùng chơi!
Vợ chồng Hưng đã lấy nhau được gần 3 năm và có một bé trai 2 tuổi. Ai cũng khen Hạnh - vợ anh Hưng tốt số vì lấy được một người chồng có học thức cao, công việc ổn định, tính tình anh lại hiền lành, đặc biệt là không nghiện rượu bia, cờ bạc. Những lúc ấy Hạnh chỉ biết cười như mếu, chỉ có chị mới biết anh còn nghiện một thứ khó cai hơn cả rượu bia, đó là điện tử.
Đi làm thì thôi, hễ về đến nhà là anh ngồi vào máy tính mở trò chơi game ra và ngồi hàng giờ ở đó. Trước kia anh không thích chơi mấy trò này, nhưng do một năm trước anh đi công tác ở xa vợ con, thỉnh thoảng lúc rỗi không biết làm gì nên anh lên mạng chơi mấy trò điện tử để giải trí, dần dần anh nghiện game lúc nào không hay.
Đến bây giờ, mặc dù ở cạnh vợ con hàng ngày, nhưng những buổi tối dành cho vợ con của anh thay bằng việc ngồi mải miết với các trò điện tử. Hạnh bèn giao cho anh trông cu Tít và bảo tranh thủ buổi tối dọn dẹp nhà cửa, vì đi làm cả ngày mới về. Chị nghĩ rằng anh sẽ chơi với con, đưa con đi ra ngoài dạo chơi như ngày trước.
Nhưng hoá ra bé Tít lại thích nhìn bố chơi điện tử vì thấy nhiều hình ảnh đánh nhau loạn xạ, nên cu cậu cũng chịu ngồi im trong phòng cùng bố, thỉnh thoảng lại còn chỉ trỏ, reo hò:- Bố, bố, đánh nhau rồi!
Chị thấy vậy bực tức:
- Anh không nên để cho con nhìn màn hình máy tính như thế, hại mắt con lắm!
- Nhìn có một lúc, làm sao đâu mà em phải lo!
Anh vô tư đáp.
Nhiều lần như vậy, Hạnh không thể chịu nổi, cãi nhau, giận nhau như cơm bữa cũng chẳng ích gì, anh vẫn mải chơi, còn chị thì không dám nhờ anh trông con nữa.
Những buổi cuối tuần, chị không khỏi chạnh lòng khi thấy vợ chồng hàng xóm thì tíu tít bên nhau, khi thì cả nhà đi chơi công viên, lúc thì cùng đi ăn, cùng xum vầy, còn nhà chị thì chỉ có hai mẹ con lủi thủi chơi với nhau. chị mà cho bé vào phòng làm việc của bố là y như rằng cu Tít sẽ ngồi ngay lên lòng bố và bấm bàn phím rất “sành điệu”, cứ như là biết chơi điện tử từ lâu.
Buổi tối, sau khi xong xuôi mọi việc, hai mẹ con Hạnh lại ôm nhau lên giường đi ngủ, còn anh vẫn ngồi miệt mài bên máy tính với game online. Đến bây giờ chị cũng chán nản, chẳng buồn nhắc nhở anh đi ngủ sớm để sáng mai còn đi làm nữa, mặc anh chơi điện tử đến bao giờ đi ngủ thì đi. Chuyện chăn gối của họ cũng trở nên thưa thớt theo, vì phải 2 hoặc 3 giờ đêm anh mới đi ngủ, lên giường là một mạch tới sáng.
Nghĩ mãi chẳng còn cách gì để lôi anh ra khỏi mấy trò online trên mạng, Hạnh bèn đưa ra một “tối hậu thư” cho anh:
- Anh còn động vào game thì đừng động vào người em nữa.
Nghe chị tuyên bố như vậy, anh lặng thinh, bỏ ra ngoài. Hạnh cứ tưởng nói như vậy anh sẽ thay đổi, nhưng buổi tối đó anh vẫn ngồi bên máy tính chơi trò đá bóng đến khuya mới đi ngủ. Vậy là chị đã hiểu: Anh chọn game chứ không chọn vợ.
Hết cách, Hạnh phải tìm đến các chuyên gia cai nghiện game để nhờ tư vấn, hi vọng các “chiêu” của họ sẽ giúp chị sớm đưa anh trở lại là người chồng “đáng yêu” ngày nào.
Đi tìm giải pháp… “cứu chồng”
Game online đang là một hình thức giải trí rất “hot” hiện nay và nó ngày càng chứng tỏ một sức hút mãnh liệt đến cộng đồng, mọi tầng lớp, lứa tuổi. Game online được ví như một thứ “ma tuý” cuốn người chơi vào vòng xoáy ảo, khiến họ không đảm nhận tốt vai trò của người chồng, người cha, họ làm theo cái mình thích, cái mình mong muốn nhiều hơn là quan tâm đến việc người khác nghĩ gì và mong muốn của người ấy như thế nào.
Theo các chuyên gia tâm lý, để chồng không quá sa đà vào game online, người vợ cần hết sức khéo léo, tế nhị, lôi kéo chồng tham gia vào các hoạt động chung của gia đình: Cùng thăm hỏi bạn bè, người thân, chăm sóc con cái, nhà cửa, khuyến khích các hoạt động lành mạnh khác như: chơi thể thao, đi picníc…
Ngoài ra, người vợ cũng nên bày tỏ nhiều hơn sự quan tâm săn sóc, thủ thỉ nhiều hơn những lời nói yêu thương nhưng kiên quyết trong việc đề nghị chồng dừng cuộc chơi khi có việc cần thiết hoặc đảm bảo đúng thời gian ăn ngủ…Đôi khi, có thể sử dụng những ưu thế của mình và kiên quyết “cấm vận chuyện yêu” nếu chồng có những vi phạm trong việc thực thi cam kết bỏ, giảm chơi game...Nếu có thể, người vợ cũng nên tìm hiểu lý do dẫn đến việc nghiện game, thậm chí hiểu cả về thế giới game, nhân vật trong game để có thể cảm thông cho chồng và giúp chồng “cai” bằng cả tấm lòng của mình.
Theo Eva