Không nề hà, không ân hận
Vừa kết thúc buổi học online, Nguyễn Ngọc Thiên Ân (SN 2002, SV năm 2 ĐH Hutech TP HCM) đã bắt tay vào công việc thường ngày từ mấy tháng qua là hỗ trợ phòng chống dịch tại phường 24.
“Nếu F0 điều trị tại nhà trở nặng, đội tham gia hỗ trợ chở họ đi cấp cứu. Có lần F0 tử vong tại nhà, tôi theo mấy anh chị đi khâm liệm. Tôi chỉ dọn dẹp đồ đạc, vật dụng khi thi thể đã đưa ra ngoài, dù sợ lắm nhưng thấy người thân họ đau khổ nên tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm, quên hết cả sợ hãi”.
(Tình nguyện viên Nguyễn Ngọc Thiên Ân)
Tuổi 19, dáng người Ân nhỏ bé trong chiếc áo xanh thanh niên bạc màu do những ngày dãi nắng dầm mưa với công việc hỗ trợ chống dịch. Ân kể, từ cuối tháng 5, khi Hội Liên hiệp Thanh niên TP phát động phong trào tình nguyện, đã suy nghĩ “mình phải làm cái gì đó” nên đăng ký tham gia. Ban đầu sợ ba mẹ lo, cô không nói. Cứ thấy con đi đi về về giữa mùa dịch, ba mẹ mới phát hiện, ngăn cản. Cô giải thích hứa sẽ giữ gìn an toàn, ba mẹ mới tạm yên tâm.
Những ngày đầu, Ân cùng đội tình nguyện thực hiện công việc điều phối xét nghiệm cộng đồng ở Gò Vấp, quận 12, Tân Phú… Chỗ nào cần người hỗ trợ, Ân đều đến, không ngại đường xa, vùng nguy cơ lây nhiễm cao.
Đến tháng 6, khi dịch bệnh ở Bình Thạnh phức tạp, Ân đăng ký tình nguyện viên ở quận để chống dịch.
Mặc dù ý thức tự bảo vệ bản thân nhưng Ân vẫn không may, bị lây nhiễm. Ân kể về biến cố: “Sáng 24/7, tôi trực điểm tiêm ở trường mầm non. Đến trưa, người sốt cao đến 38,6 độ. Xét nghiệm nhanh dương tính. Lúc đó tôi không suy nghĩ nhiều. Khi tham gia chống dịch, tôi chuẩn bị tinh thần bất cứ lúc nào cũng có thể bị nhiễm. Nhưng khi gọi về cho mẹ, tôi thấy lo, sợ lây cho gia đình vì nhà 15 người mà mới chỉ có 2 người được tiêm vaccine. Tự dưng tôi buồn, khóc cả tiếng đồng hồ”.
“Mấy ngày đầu cách ly tại nhà, mẹ nhắn: “Con đi chống dịch, con giúp cho mọi người mà bị nhiễm thì không có gì xấu hổ. Hàng xóm xung quanh ai cũng cảm thông. Nếu con đi ăn chơi mà bị nhiễm thì mới bị xã hội lên án, mới đáng xấu hổ”. Tôi tự trấn an, vững tinh thần, tự tìm kiếm niềm vui. Ngay từ ban đầu, tôi đủ dũng cảm để tham gia thì giờ phải đủ dũng cảm để đối mặt với nó”.
Điều trị, cách ly tại nhà khoảng 1 tháng, sau khi âm tính, Ân trở lại công việc tình nguyện viên tại phường 24. Ban đầu, Ân tham gia đi chợ hộ, ba mẹ không cho. Mỗi lần ra ngoài, Ân lấy lý do đi nhận thức ăn. Về trước cửa nhà, Ân thấy mẹ ra nhận thì lặng lẽ vụt xe đi. Có lẽ thấy sự nhiệt huyết trong con mình, muốn giúp đỡ người dân, hỗ trợ địa phương, ba mẹ không ngăn cản mà dặn dò cẩn thận.
Ân nói rất vui vì được quay lại giúp đỡ người dân. Ân tham gia cùng đội hỗ trợ xét nghiệm lưu động tại các vùng đỏ, vùng nguy cơ lây nhiễm cao hoặc những người có triệu chứng nhiễm COVID-19. Người nào có kết quả dương tính, Ân chia sẻ những kinh nghiệm mà Ân trải qua để F0 vững tinh thần hơn. Ân cũng để lại số điện thoại, nếu F0 cần mua đồ dùng, thức ăn thì cô sẽ giúp, không nề hà, không ngại khó.
Ân không nhớ đã cùng đội hỗ trợ bao nhiêu F0. Ban ngày, toàn đội chia nhau đến các tổ xét nghiệm, hỗ trợ ATM oxy, hỗ trợ F0. Đến tối nhập liệu thông tin về F0, về người tiêm vaccine trên địa bàn.
Anh Hiền sau khi được chữa khỏi COVID-19 thì tiếp tục tham gia chống dịch. |
“Đã từng là F0, giờ thì ngại gì nữa”
Đến phường 15, gặp người thanh niên trong đội tình nguyện lúc nào cũng vui tươi cười nói, đó là anh Phạm Văn Hiền (SN 1989). Anh Hiền quê Quảng Ngãi, sống với vợ chồng anh chị và các cháu. Trước dịch, anh là thợ sửa xe máy tại quận 1 với lương 10 triệu đồng/tháng. Vì dịch bệnh, anh mất việc: “Ở nhà thì an toàn nhưng mình có sức khỏe thì tham gia, giúp bà con được phần nào hay phần đó, phụ được gì cho phường thì phụ”.
Từ tháng 6, anh Hiền đăng ký tham gia tình nguyện viên. Công việc của anh lúc thì đi phát túi hỗ trợ an sinh đến gia đình có F0 đang điều trị tại nhà, phát quà từ thiện, trực chốt, hỗ trợ bà con dọn nhà đến nơi ở tạm, giúp đỡ F0… Miễn là giúp đỡ được người khác, anh Hiền không khước từ, không chậm trễ.
Hơn 1 tháng đi khắp các ngõ, hẻm để hỗ trợ mọi người, anh Hiền xét nghiệm để tiếp tục công việc thì phát hiện bị nhiễm COVID-19 vào ngày 17/8. Do được chích vaccine 1 mũi trước đó, anh Hiền không có triệu chứng.
Anh Hiền được đưa đi điều trị tập trung hai ngày thì nghe tin cả nhà đều nhiễm COVID-19. “Lúc nghe tin bị nhiễm có hơi bị sốc. Tại thấy một số người chết. Nên cố gắng vận động, cố gắng ăn đầy đủ, tập thể dục ngày 2 buổi, thấy sức khỏe yếu thì xin thuốc uống. Ở được 5 ngày thì âm tính. Đến ngày thứ 7 thì được về nhà”, anh Hiền kể.
Lo sợ vẫn còn mầm bệnh, lây nhiễm cho người xung quanh, anh Hiền không về nhà mà đến trường mẫu giáo do phường mượn.
“Hiện mình tham gia phát quà, phát tiền, phát sữa cho F0, giao hàng cho người dân… Công việc của mình là đi ngoài đường, bất cứ ai cần thì mình hỗ trợ. Mình giờ đã bị rồi, ít nguy cơ hơn nên tiếp tục “chiến đấu”, góp hết sức lực để giúp đỡ bà con. Có mấy lần vào khu toàn là F0, người dân hỏi “sao dám vào”, nói đã từng là F0, giờ thì ngại gì nữa”, tình nguyện viên Hiền kể.
Anh Phạm Văn Hiền và Nguyễn Ngọc Thiên Ân chỉ là 2 trong số 27 đoàn viên thanh niên của “Đội F0 – chung tay chống dịch quận Bình Thạnh”, sau khi điều trị khỏi COVID-19 trở lại tham gia công tác phòng chống dịch tại địa bàn.
Ân (bìa phải) cùng các bạn trong đội tham gia hỗ trợ người dân tại địa phương. |
Chị Nguyễn Thùy Bảo Trân, Quận đoàn quận Bình Thành, phụ trách “Đội F0 – chung tay chống dịch quận Bình Thạnh” nói: “27 thành viên đều từng là F0, trong đó có 2 bạn không phải người sống ở quận Bình Thạnh. Một số bạn tham gia công tác chống dịch rồi mới bị nhiễm và sau đó trở lại chống dịch, một số bạn sau khi điều trị khỏi mới tham gia. Các bạn được phân bổ về các phường để hỗ trợ phòng chống dịch của phường. Các bạn hiểu được rằng từng bị nhiễm nên đề kháng tốt hơn, tình nguyện tham gia công tác chống dịch”.
Hiện đội chia ra nhiều công việc như tham gia lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ tiêm vaccine, nhập liệu cho các F0, thông tin hỗ trợ và người được tiêm vaccine trên địa bàn quận Bình Thạnh, ATM oxy, đi chợ giúp dân, hỗ trợ F0… Trong đội có tình nguyện viên nhỏ nhất là mới hơn 16 tuổi nhưng rất nhiệt tình. Nhiều tình nguyện viên đang là sinh viên, vừa học online, vừa tham gia công tác phòng chống dịch.
Ngày 3/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TPHCM chống dịch COVID-19, đã có Thư ngỏ gửi những người mắc COVID-19 đã từng chiến thắng biến thể Delta, kêu gọi chung tay đóng góp vào công cuộc chống dịch của TPHCM ở bất kỳ vị trí nào. Hiện có hàng ngàn người được chữa khỏi COVID-19 quay lại tham gia chống dịch, tự nguyện vào các BV điều trị, chăm sóc F0 hoặc tham gia công tác chống dịch tại địa phương.