Được tin anh cả tôi đưa vợ sắp cưới về thăm gia đình, bố tôi mừng lắm, ông gọi điện cho vợ chồng tôi về dọn dẹp. Dù sao, đón cô dâu tương lai nhà cửa cũng phải tươm tất, chẳng lẽ cứ để đồ đạc lộn xộn, người lạ trông vào đánh giá…Bố tôi vốn dĩ cứ hay lo. Cái lo thứ nhất năm nay ông cụ đã ngoài thất thập, độ tuổi gần đất xa trời, cùng trang phải lứa với ông nhiều người đã về với tổ tiên, sống được như ông cũng nhờ vào phúc lộc của trời. Cái lo thứ hai, anh cả tôi tuổi đã ngoài băm, tính khí lại thất thường, suốt ngày mải mê nghiên cứu sách vở nên quên hết chuyện đời, nhiều lần bố nhắc nhở chuyện vợ con nhưng anh vẫn dửng dưng nói: "Bố cứ yên tâm, đợi con bảo vệ xong luận án hẵng hay". Ông cụ nghe thế rất bực nhưng chẳng biết làm gì?
Nhà tôi có năm anh em. Trên tôi là ba ông anh trai. Dưới tôi là cô em út. Bố mẹ tôi cố sinh đến lần thứ năm mới kiếm được cô con gái để khỏi phải mang tiếng sinh con một bề.
Làng tôi cách thành phố không xa, đi xe máy chỉ mất độ một giờ, khu dân cư im lìm tưởng chừng như những cái rễ cây ăn sâu xuống nền đất, nhưng mỗi khi có chuyện lại náo động như bầy ong. Làng vẫn giữ được tập tục từ đời xưa, các cụ già trong làng luôn coi trong việc học hành đỗ đạt là trên hết. Cũng bởi vì thế, bố tôi được khắp làng trên xóm dưới kính nể, đi đến đâu người ta cũng nói ông bố của chàng tiến sĩ, nhờ vậy mà lòng dạ ông mát mẻ, hết giận anh cả tôi. Nhà tôi ở giữa làng, ngôi nhà ngói ba gian hai hồi lợp ngói, phía trước có cái sân gạch nằm dưới hàng cau cao vút, đường vào được lát bằng một lớp gạch nghiêng đến tận hai cánh cổng then cài bằng gỗ lim, tường bao chung quanh cũng bằng gạch. Đời đời lớp lớp đã xây đắp làng tôi thành một khối gạch ngói đủ dạng.
Tôi biết nỗi lo của ông cụ, thực ra là nỗi lo của người già nên mới bảo vợ thu xếp công việc sớm về thăm bố mẹ. Cả nhà tôi kéo nhau về đúng vào ngày nghỉ cuối tuần. Đường làng tấp nập người qua lại, họ cũng như tôi từ thành phố về quê xả hơi sau một tuần làm việc vất vả. Về đến đầu ngõ tôi bấm còi "Pim! Pim", từ trong nhà bố tôi ra rút then cổng. Công việc này mọi khi mẹ tôi vẫn mở, tự dưng hôm nay ông nhanh nhẹn làm. Tôi dựng xe ra đầu nhà, vợ tôi tay xách nách mang lỉnh kỉnh đồ vào, bố tôi bận đóng cổng không nói gì, nhưng mẹ tôi mau miệng nói:
- Gớm! Anh chị về sớm thế này là bố hết lo, lại còn vẽ chuyện mua đủ thứ.
Vừa lúc đó ông cụ bước vào:
- Bà biết cái gì mà nói, mang đồ vào giúp con.
Khi đã ổn định bố gọi vợ chồng tôi ra bàn uống nước, ông cụ nói toàn bộ kế hoạch. Nhà tôi được làm từ đời nảo đời nào, để yên nó vẫn là ngôi nhà cổ kính, nhưng động vào mất không ít công sức, chiếc bàn thờ to như tấm phản, trên đó có đủ thẻ vị, những cái bát cắm nhang cũng to như nồi nấu cơm, kèo cột nhà được chạm trổ tinh vi, các nếp uốn lâu ngày bụi bám thành lớp dày, mạng nhện chằng chịt khắp khung gỗ. Ngoài sân, trên mái rêu phong đã bao phủ kín mít. Ý ông cụ muốn cọ rửa cho ngôi nhà như mới tinh tươm. Phải chăng nhân cơ hội này nhà tôi làm một cuộc cách mạng? Nhưng sức tôi thì có hạn, vợ tôi cũng chỉ le ve dưới bếp nội trợ giúp mẹ chồng. Tôi đang băn khoăn thì nghe tiếng anh ba gọi cổng. Chẳng hy vọng gì, các ông anh tôi vỗn dĩ quen thói chỉ tay năm ngón, việc lặt vặt này ít khi động tay đến.
Thấy anh đến nhưng bố vẫn đứng giữa sân, ngắm nghía tính làm phần nào trước. Anh tôi hỏi:
- Hôm nay bố có việc gì?
Tôi được lời nên bảo anh:
- Đấy! Anh xem nhà mình chuẩn bị tân trang để đón khách, ý bố muốn cọ sạch cả nhà, anh xem thế nào? Thôi nhanh chóng cởi quần áo bắt tay vào công việc.
- Chú đừng đùa, anh chỉ về đây xem công việc thế nào!
Anh ba nói thế tôi đã biết trước, nhưng bố tôi lại nói:
- Tôi đang định bảo nó lau chùi toàn bộ cột kèo, và cạo sạch rêu chung quanh nhà nhưng cũng khó, tính là tính vậy thôi.
- Bố cứ yên tâm, không có việc gì khó, chỉ sợ tiền không nhiều.
Nói xong anh tôi rút điện thoại di động gọi liền một đám thợ.
- Thôi! Chú cũng không phải nhúng tay vào nữa, vào nhà pha cho anh ấm trà, bảo mẹ với thím ấy làm cơm tiếp thợ nhá.
Tuần sau anh cả tôi đưa vợ chưa cưới về, bố tôi ăn mặc chỉnh tề, làm cơm mời con cháu trong nhà dự, có lẽ ông trẻ lại chục tuổi. Anh em chúng tôi về đông đủ, các bà thím tíu tít chế biến đủ món đãi cô chị dâu tương lai. Nghe anh tôi giới thiệu, chị dâu xin phép được ra mắt họ hàng, coi như anh chị tôi đã báo cáo với cả nhà. Kể từ nay trở đi gia đình tôi xem chị như con cái, chỉ đợi đến ngày cưới là xong.
Như đã kể, anh cả tôi làm giảng viên đại học, vừa bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ. Anh hai công tác ở ban tuyên giáo, vợ bên tòa án nhân dân, thằng lớn vừa thi vào đại học, đứa thứ hai đang bước vào học lớp chín. Anh ba làm trưởng phòng tổ chức công an tỉnh, vợ là giáo viên dạy cấp ba. Hai con của anh ba; đứa lớn học cấp hai, đứa nhỏ đang ở mẫu giáo lớn. Còn tôi giữ chân biên tập cho tờ báo văn nghệ địa phương, vợ tôi làm kế toán bên sở giáo dục, thằng cu còn nhỏ nhưng nghịch như quỷ sứ. Cô út học xong đi xuất khẩu lao động nước ngoài, rồi về lấy chồng và đang mở cửa hàng đại lý giữa trung tâm huyện. Theo đề nghị của chú Năm, cưới cậu cả bố tôi phải tổ chức thật hoành tráng, cho mọi người “biết mặt” ông tiến sĩ. Ông cụ nhà tôi đợt này cũng thêm lẫn nhiều, tính toán mãi mà chỉ được vài người khách. Lúc này chú Thìn mới bắt đầu tham gia. Chú bảo cưới xin là việc đại sự, phải cân nhắc kỹ lưỡng, cả nhà mỗi người tự lên danh sách bạn bè của mình, phần bà con họ hàng để chú lo, bố tôi được lời cảm thấy phấn chấn hơn. Hai hôm sau mọi người lại tụ tập đông đủ tại nhà tôi, ai cũng thi nhau nộp cả dãy tên dài dằng dặc. Bố tôi bảo không cần thiết phải mời nhiều đến như vậy, các anh tôi thi nhau trình bày lý do, ai cũng nói đây là danh sách rút gọn nhất rồi đấy, chuyến này phải thử xem anh em chiến hữu đối xử với mình như thế nào? Nhà có công có việc không mời bạn bè nó trách móc.
Tính phần khách mời xong cả nhà tôi bắt đầu ngồi bàn cỗ. Theo ý kiến của anh hai, cỗ phải làm thực đơn như trên phố, các món ăn phải mới lạ, cỗ bàn không ra món thiên hạ người ta cười. Bố tôi bắt đầu phản đối, cưới hỏi phải theo lề thói của làng, mình vẽ vời làm sang là việc không nên, nhưng anh ba tôi lại nói: "Bố phải để cho khách của tụi con nhìn vào nữa". Mặt ông cụ đỏ gay đỏ gắt, mắng: "Các anh muốn sĩ diện thì ra thành phố mà làm". Biết tính bố tôi nên chú Thìn đứng lên hòa giải, và hai anh tôi chịu nhịn. Cuối cùng cỗ được quyết định làm kết hợp.
Gần đến ngày cưới nhà tôi cho dựng rạp trước ba hôm, trẻ con khắp nơi kéo đến xem, thì thào bàn tán. Thằng cu nhà tôi được về làng chạy nhảy cùng lũ trẻ bẩn nhem nhuốc, nó tự hào với đám bạn là cưới bác tao nhá. Các cụ trong làng thì đến ngồi uống nước nói đủ chuyện làng, nước. Họ mừng cho bố tôi, ai cũng ca ngợi nhà tôi có phúc. Bố tôi căng đầu ra tiếp khách không lúc nào nghỉ ngơi. Chú Thìn tính toán việc chi tiêu. Đám thanh niên xong việc tụ tập ngồi đánh bài. Cỗ làng tôi không thể thiếu món giò lụa và thịt gà luộc, cưới anh tôi mổ ba lợn và hàng tạ gà, những việc này toàn người làng xúm vào làm, lòng lợn và xương xẩu để làm cơm cho những bữa ăn phụ, tiếng lợn, tiếng gà kêu náo loạn, mùi thức ăn thơm phức bay khắp làng. Tụi trẻ thèm thuồng chơi quanh quẩn chờ người lớn dúi cho những mẩu thịt thừa, thằng nhỏ nhà tôi cũng theo bạn để xin được khúc dồi lợn, nó bảo đấy là bánh xe. Mọi ngày ông Năm vẫn đòi bế nhưng nó sợ bộ râu xồm xoàm cọ vào má, thấy nó thích miếng dồi, ông bảo: "Cho ông rờ chim cái rồi ông cho". Bỗng dưng nó ngoan ngoãn đứng dạng hai chân vạch chim ra cho ông. Chẳng hiểu sao một chốc bốn thằng nữa cũng vào đứng tụt quần, gọi: "Ông Năm ơi! Chim của cháu đây này".
Buổi tối đầu tiên nhà tôi vừa dựng rạp, khách đã nườm nượp kéo đến. Cuối tuần này là ngày đẹp nên có nhiều đám cưới, bạn bè các anh tôi bảo nhau đến trước kẻo ngày nghỉ lắm việc. Cỗ bàn chưa đúng ngày nên chưa chuẩn bị kịp, mâm cơm có sáu người nhưng họ tự động túm lại cả chục, uống rượu, cười, nói rôm rả.
Con đường vào nhà tôi rất bé, một bên là những bức tường gạch, một bên là bãi hoa màu xanh mươn mướt. Tuổi thơ anh em chúng tôi gắn liền với con đường này, bức tường là nơi vẽ những khẩu hiệu, bãi hoa màu là chiến trường đánh trận giả. Bốn anh em tôi phải chia ra thành hai phe, chúng nó bảo anh em trong nhà không được chung một phái, trong lúc chơi chẳng may đụng độ quá tay thành đánh nhau thật không vui. Đến bây giờ có những điều tôi vẫn còn nhớ, nhưng cũng có cái đã quên, những nét chữ nguệch ngoạc rêu đã phủ kín, có cả những nét dại dột của anh tôi viết. Đám cưới đông người nên xe cộ va quệt làm rêu tróc từng mảng, tôi nhìn thấy cả những khuôn mặt ngày ấu thơ hiện rõ mồn một. Chú Năm nói với anh cả tôi, đúng là sướng mày khổ tao, kể từ khi anh báo cáo lấy vợ, người nhà tôi ai cũng phải tất bật chuẩn bị. Từ lúc dựng rạp xong lúc nào bố tôi cũng phải bận bộ com-lê để tiếp khách, nhất là khách của hai anh tôi, người nào cũng là thành phần quan trọng, sự hiện diện của họ là thái độ đối xử với các anh, bố tôi đáp lễ đủ sái tay. Chú Thìn cùng đoàn đi đón dâu sang nhà gái trước một ngày, vì nhà gái ở xa nên phải đi đón sớm.
Hôm cô dâu, chú rể rước nhau về, cỗ thừa la liệt, mẹ tôi bảo các chị nấu bếp gói mang về nhưng vẫn không hết. Trong rạp cưới khách mời đến ít so với hai hôm trước, chủ yếu là người làng cùng đám trẻ con chờ đợi cả buổi để đến giây phút được xem mặt cô dâu. Tôi trông cử chỉ của bố là lạ, thỉnh thoảng ông lại trốn ra một góc khuất ngồi bần thần. Anh cả tôi hỏi: "Bố có điều gì cảm thấy không ổn à?". "Không, bố rất vui, con vào nhà lo việc của mình đi". Bố tôi đã hoàn thành sứ mệnh của một đời người, các con đều trưởng thành, có công ăn việc làm, tên tuổi ông sẽ được lưu lại trong gia phả của dòng họ, cái làng này cũng chưa có ai học đến bằng tiến sĩ, chốc nữa nó sẽ cúi lạy dưới vong linh tổ tiên. Ngày mai, trong giấc ngủ ông sẽ không phải trằn trọc lo cho con cái nữa.
Mẹ tôi dắt con dâu mới từ ngoài ngõ vào nhà. Cô dâu, chú rể vào thắp hương thông báo với tổ tiên. Kể từ giờ phút này trở đi anh chị tôi mới chính thức được công nhận là vợ chồng, nhà tôi đã có con dâu trưởng, bàn thờ đã có người thay thế hương khói, cuốn gia phả được ghi thêm một dòng tên mới, tôi tin rằng dòng họ tôi sẽ bền vững mãi.
Khi hai người vừa kết thúc cái lạy thứ ba thì bố tôi từ từ gục ngã, ông đứng ngay sau lưng anh chị cả. Mẹ tôi bên cạnh không kịp đỡ, bà thất thanh kêu lên, người ngoài nhà chạy ùa vào nhấc bố tôi đặt lên giường, hai tay ông buông sõng, mắt nhắm nghiền. Mấy ngày này, bố tôi phải tiếp khách nhiều, họ bảo nhau lấy dầu xoa bóp cho ông. Năm anh em chúng tôi có mặt đủ quanh bố, mắt ông hé mở rồi nhắm lại, hơi nóng trong người thoát dần ra ngoài. Chúng tôi quỳ dưới chân ông, òa khóc.
Bố tôi đi vào đúng ngày đẹp trời. Nhiều người bảo tổ tiên nhà tôi linh thiêng. Có người độc mồm, độc miệng nói anh tôi lấy vợ sát vía với bố chồng. Nhưng có người lại bảo tại bố tôi xoay bát hương, cho cạo sạch lớp rêu phong bám trên tường xây làm động long mạch.
Còn tôi, người kể lại câu chuyện này, chẳng biết nên buồn hay nên vui. Âu cũng là một chuyện lạ trong vô số những chuyện lạ của cuộc đời.