Trong ngôi nhà rợp lá ở thôn Ninh Khánh, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, bà Nguyễn Thị Kim khuôn mặt phúc hậu khẽ mỉm cười ngắm những đứa cháu nô đùa. Cả làng Ninh Khánh ai cũng quý trọng bà. Bà là vợ liệt sĩ trọn nghĩa, vẹn tình, có tấm lòng bao dung, nuôi dạy con cháu thành đạt, xây dựng gia đình hạnh phúc, cư xử với họ hàng, làng xóm đúng mực.
Khước từ mọi lời cầu hôn tái giá
Bà Kim sinh năm 1945 trong gia đình nông dân nghèo khó, 18 tuổi, bà được bố mẹ gả chồng ở làng bên. Sống với nhau 2 năm, chồng bà khoác ba lô ra chiến trường để lại vợ trẻ và con thơ 1 tuổi. Chồng là con một vắng nhà, một mình bà xoay xở với đồng ruộng, chăm mẹ chồng và con thơ. Ruộng đồng ít, cấy lúa chẳng đủ ăn, bà không quản mưa nắng mò cua, bắt ốc ra chợ bán kiếm ít đồng lẻ.
Chờ đợi đằng đẵng bao năm, bỗng một hôm bà nhận được tin báo tử của người chồng yêu quý. Chồng bà hy sinh ở tỉnh Quảng Nam, khi ấy bà mới tròn 30 tuổi. Sự ra đi của chồng khiến bà đau đớn, bỏ ruộng khóc ròng ngày đêm. Mẹ chồng bà không chịu nổi cú sốc này cũng ốm luôn. Trước cảnh tình mẹ ốm, con nhỏ, bà tự nhủ: “Không thể bi lụy mãi, phải kiên cường bước qua nỗi đau này”. Lau nước mắt, định tâm, bà gượng dậy ra đồng.
“Gái một con trông mòn con mắt”, bà lại một người phụ nữ đẹp. Đôi mắt đen lay láy, cặp lông mày rậm, hai má tròn căng, sống mũi cao... Dãi nắng, dầm mưa nhưng da bà vẫn hồng hào, trắng mịn. Rất nhiều người đàn ông trong làng, ngoài xã ngỏ ý muốn đi cùng bà đến cuối cuộc đời. “Đi bước nữa, ai sẽ chăm mẹ già và con nhỏ? Nghĩ vậy, tôi đều khước từ tái giá” - bà bộc bạch.
Sắm nhà cho con nuôi trước con đẻ
Năm 1979, có bé trai hơn một tháng tuổi bị bỏ rơi ở xã, bà nghĩ phận bé thật đáng thương nên đón về làm con. Có người bảo nhà đã khó khăn, nhận thêm con làm gì cho vất vả. Thế nhưng ai cùng hoàn cảnh mới thấm thía tình mẫu tử. Bà tâm niệm, dù khó khăn mấy bà cũng thương yêu, quyết tâm nuôi các con khôn lớn, trưởng thành.
Bà đặt tên con trai nuôi là Bắc. Mới về, Bắc quá non, khát sữa nên đêm khóc ngằn ngặt. Cái khổ của bà là cái khổ của một người mẹ nuôi con không có sữa. Bà bế con chạy khắp làng, nhà nào nuôi con mọn là bà vào xin sữa. Mò cua bắt ốc sớm khuya, được vài đồng bà dành hết mua sữa cho con. Thời ấy, nhà nghèo khó không có xe đạp. Có nhiều đêm Bắc sốt cao, bà Kim bế con chạy tới trạm xá cách nhà 7 cây số. Tới nơi, trao con cho y tá là bà ngất lả vì mệt.
Con trai đầu của bà là Bình lúc ấy hơn 10 tuổi. Thấy mẹ chăm sóc em, nghĩ mình bị bỏ rơi, đôi khi Bình phụng phịu. Những lúc ấy, bà nhẹ nhàng phân tích: “Con thiếu tình cảm của cha, em Bắc còn thiệt thòi hơn nhiều. Con còn được uống sữa của mẹ, còn em phải uống sữa đi xin. Mình là anh, thương em nhiều hơn con nhé”.
Đại gia đình bà Kim. |
Phân tích một vài lần, Bình dần hiểu ra và thương em, có món ăn, đồ chơi gì cũng nhường em. Mẹ chồng bà cũng coi Bắc là cháu nội ruột thịt trong gia đình. Thậm chí, cả nhà còn dành cho Bắc sự quan tâm đặc biệt hơn cả cháu đích tôn là Bình. Có lần Bắc bị trêu chọc là “con hoang” nên đã đánh bạn. Biết chuyện, bà bảo: “Nếu con chăm ngoan, học giỏi, không đánh nhau còn hơn những bạn đủ cha mẹ nhưng hư”. Bắc nghe lời, từ đó không bận tâm về điều này.
Dù khó khăn, bà vẫn cố gắng bằng mọi giá lo cho hai con ăn học bằng người. Bà Kim khuyên hai anh em chịu khó học để sau này có việc làm tốt, chăm lo cho gia đình và cống hiến cho xã hội. Khi Bình, Bắc học đại học, nhà hết tiền, bà vay làng xóm, rồi lại mò cua, bắt ốc, nuôi gà, vịt trả dần. Xoay tiền cho con ăn học, nhiều lúc bà tưởng như bị hụt hơi. Cũng may, Bình và Bắc thương mẹ, đi làm gia sư kiếm tiền đóng học phí. Cả hai con bà đều tốt nghiệp hệ chính quy Trường Đại học Lâm nghiệp.
“Bình rất nhường em. Khi Bắc lấy vợ, được cả nhà dành dụm làm cho ngôi nhà mới chắc chắn. Mãi sau này mới có tiền xây nhà cho Bình. Hàng xóm láng giềng cứ trêu tôi là “Thương con nuôi hơn con đẻ” - bà cười hiền hậu cho biết.
Bình và Bắc luôn coi nhau là ruột thịt, rất mực yêu thương nhau. Hiện Bình làm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Mai Sơn (Lục Nam), Bắc đã bảo vệ xong luận văn thạc sĩ, làm Phó Giám đốc Trung tâm Điều tra, quy hoạch Nông - Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Bước sang tuổi 70, bà Kim sống sum vầy với con cháu. Ngôi nhà bà có bốn thế hệ chung sống nhưng luôn giữ được nền nếp, gia phong. “Cuộc sống thường ngày không tránh khỏi những mâu thuẫn nhỏ, nhưng nếu mỗi thành viên biết cách ứng xử phù hợp, có lòng vị tha, biết nhường nhịn thì trở ngại nào cũng có thể vượt qua” - bà nhẹ nhàng đúc kết.