30 năm đất ở ổn định vẫn “khó” làm sổ đỏ
Đó là trường hợp của nhiều hộ dân ở thôn An Bình (xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội). Theo hồ sơ, ngày 15/10/1993, họ được Binh chủng thông tin thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam giao đất, nhà để ở khu Nhà máy M1 kho K92 tại thôn An Bình, diện tích mỗi hộ được giao từ gần 40m2 đến trên 50m2. Họ đã ăn ở ổn định từ năm 1993 đến nay, hàng năm đóng thuế đất đầy đủ, không xảy ra tranh chấp.
Thực hiện Luật Đất đai 2013, ngày 22/6/2018, Binh chủng Thông tin đã tiến hành lập biên bản bàn giao mốc giới trên thực địa và hồ sơ quản lý đất đai khu gia đình nhà máy M1 kho K92 thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc tại thôn An Bình, xã An Khánh cho đại diện bên nhận là Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.
Tại Văn bản số 10556 ngày 08/11/2016, UBND TP Hà Nội chỉ đạo: Sau khi tiếp nhận diện tích đất, nhà của các hộ gia đình khu Nhà máy M1 kho K92 thôn An Bình, giao UBND huyện Hoài Đức hướng dẫn cho các hộ dân kê khai, làm thủ tục cấp sổ đỏ.
Ngày 25/06/2019 và ngày 11/07/2019, các hộ dân tiến hành làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất theo hướng dẫn và nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa. Trong quá trình kê khai các thủ tục, họ phải làm lại các tờ khai, chỉnh sửa nhiều lần, thủ tục rất chặt chẽ, kỹ lưỡng thế nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ.
Theo tìm hiểu của PV, lý do đầu tiên khiến các hộ dân thôn An Bình chưa được cấp sổ đỏ là do khi tiến hành đo đạc thực địa thì đa phần diện tích đất hiện tại của các hộ dôi dư ra một ít so với diện tích đất được cấp ghi trong quyết định năm 1993. Thực tế, diện tích đất chênh lệch không nhiều, cụ thể có 3 trường hợp dư trên 4m2 so với quyết định cấp, còn đa số chỉ dư từ 0,1m2 - 0,7m2. Đáng nói, giữa các hộ liền kề nhau có đất dôi dư không hề phát sinh tranh chấp.
Các hộ dân đều được cấp đất ở hợp pháp, đã sinh sống ổn định trước 15/10/1993 đến nay và họ đồng ý đóng thêm tiền phần diện tích dôi dư để làm sổ đỏ. Tuy nhiên, phía chính quyền xã cho rằng các hộ dân phải diễn giải nguyên nhân diện tích đất dôi dư là do đâu, chẳng hạn nếu lấn chiếm thì lấn chiếm từ thời điểm nào, trong hoàn cảnh nào…
Chính vì lý do diện tích đo đạc thực tế không khớp với diện tích bàn giao ngày 22/6/2018 giữa Bộ quốc phòng với UBND huyện Hoài Đức nên trong số 44 trường hợp ở thôn An Bình đã hoàn thiện hồ sơ gửi đi từ gần một năm nay mà đến nay chỉ 9 hộ được cấp sổ đỏ.
Đáng chú ý, một số hộ trong 44 trường hợp ở thôn An Bình là người mua lại đất của các cán bộ được cấp đất từ Binh chủng thông tin cũng gặp vướng mắc khi xin cấp sổ đỏ. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức cũng là nguyên nhân khiến họ chưa được cấp sổ đỏ. Bởi trong Quyết định số 64/QĐ Tư lệnh Binh chủng thông tin ngày 12/10/1993 có quy định rằng: “Nghiêm cấm việc nhượng bán hoặc tự ý chuyển giao cho người khác dưới mọi hình thức”.
Thôn An Bình khang trang với các hộ dân được giao đất ở hợp pháp, sinh sống ổn định gần 30 năm, đã xây nhà ở kiên cố nhưng... vẫn chưa được cấp sổ đỏ! |
Do đó, việc mua bán của các hộ dân với các hộ được phân đất là vi phạm quyết định của Binh chủng thông tin. Bởi vậy, phòng Tài nguyên và môi trường huyện Hoài Đức “đang phải xin” ý kiến chỉ đạo của UBND huyện để giải quyết vướng mắc và cấp sổ đỏ cho các hộ dân.
Liên quan đến vấn đề này, luật gia Nguyễn Phan Hào, Văn phòng Luật Hoàng Huy, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, diện tích đất của 44 hộ dân nói trên đã được bàn giao từ đất quốc phòng sang đất ở theo biên bản bàn giao ngày 22/6/2018. “Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức nay đòi hỏi thực hiện theo đất quân đội là một điều vô lý trái với những quy định của Điều 82 Nghị định 43/CP năm 2014 được sửa đổi bổ sung theo Khoản 1, Điều 82, Nghị định 01/CP/2017 và trái với quy định tại Khoản 5 Điều 98 Luật đất đai 2013.
Theo đó: “Các giấy tờ chuyển nhượng ngày 1/1/2008 trở về trước phù hợp với quy hoạch và không có tranh chấp đều đủ điều kiện để cấp GCNQSDĐ”. Trên thực tế, người nhận chuyển nhượng cũng đã ăn ở ổn định và làm nghĩa vụ thuế đầy đủ, đơn vị giao đất không xử lý việc mua bán chuyển nhượng khi còn là quân nhân, nay lại yêu cầu xử lý việc mua bán chuyển nhượng là không đúng với quy định của pháp luật”.
12 năm chưa được cấp sổ đỏ tái định cư
Đó là hoàn cảnh của một số hộ dân ở thôn Phú Vinh (xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội). Trong đơn kêu cứu gửi tới Báo Pháp luật Việt Nam, 7 hộ dân thôn Phú Vinh gồm các công dân Hoàng Văn Hiển, Hoàng Tân, Hoàng Văn Thận, Hoàng Thực, Hoàng Văn Liêm, Đặng Văn Chiến và Nguyễn Thị Hòa bày tỏ mong mỏi và những bất cập trong việc cấp sổ đỏ của UBND huyện Hoài Đức (TP Hà Nội).
Trước đó, tháng 7/2008, 7 hộ dân nói trên bị thu hồi đất để thực hiện dự án mở rộng và hoàn thiện giai đoạn 2 đường Láng - Hòa Lạc.Các hộ dân đã tự nguyện chấp hành việc giao đất cho dự án. Ngày 20/6/2008, họ được UBND xã An Khánh ra phương án giao đất tái định cư. Ngày 14/7/2008 phương án giao đất tái định cư đã được phê duyệt. Số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng của các hộ dân được trừ vào toàn bộ các khoản tiền phải nộp khi làm sổ đỏ. Đồng thời, cả 7 hộ dân đã hoàn thiện thủ tục chờ được cấp sổ đỏ, tuy nhiên đến nay đã hơn 10 năm sổ đỏ ở các thửa đất tái định cư của họ vẫn chưa về tay.
Theo đơn trình bày, ngày 29/7/2019, UBND huyện Hoài Đức có Văn bản 426 chỉ đạo Phòng TN&MT huyện Hoài Đức và UBND xã An Khánh nhanh chóng giải quyết việc cấp sổ đỏ cho các hộ dân. Đến ngày 30/8/2019 UBND xã An Khánh có văn bản số 153/BC – UBND về việc đề nghị huyện và các cơ quan chuyên môn cấp sổ đỏ cho 7 hộ dân này.
Theo văn bản số 153 của UBND xã An Khánh: “Ngày 08/12/2014, UBND xã An Khánh đã lập tờ trình số 72/TT – UBND huyện Hoài Đức cấp GCNQSD đất đối với 25 hộ gia đình, cá nhân được giao đất Tái định cư, với tổng diện tích là 2883,7m2. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, UBND xã mới nhận được 16/25 GCNQSD đất. Theo nắm bắt của UBND xã thì 9 trường hợp này đã được cấp GCNQSD đất tuy nhiên có vướng mắc về vấn đề nghĩa vụ tài chính nên chưa hoàn tất thủ tục để được nhận GCNQSD đất”. Trong số 9 hộ nêu trong văn bản của UBND xã An Khánh có 7 hộ gửi đơn kêu cứu tới báo PLVN.
Điều đáng nói, những vướng mắc về nghĩa vụ tài chính của các hộ nói trên là sự thiếu, thừa của số tiền bồi thường so với số tiền phải nộp khi làm sổ đỏ của các hộ. Trong đó, số tiền nộp khi làm sổ đỏ của hộ ông Hoàng Văn Liêm thiếu 4,8 triệu đồng; ông Hoàng Thực thiếu 13,920 triệu đồng; ông Hoàng Văn Hiển thiếu 4,8 triệu đồng; Nguyễn Thị Hòa thiếu 6 triệu đồng; ông Đặng Văn Chiến thiếu 9,6 triệu đồng. Riêng gia đình ông Hoàng Tân còn thừa 1,2 triệu đồng.
Với tình hình thực tế của các hộ dân, trong văn bản số 153, UBND xã An Khánh đã kiến nghị “UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo Phòng TN & MT huyện Hoài Đức, Chi cục thuế huyện Hoài Đức, Văn phòng ĐKĐĐ đất Hà Nội chi nhánh huyện Hoài Đức và các phòng ban có liên quan xem xét hướng dẫn công dân hoàn tất các thủ tục cần thiết để nhận được GCNQSD đất”.
Danh sách các hộ trong đó có 7 hộ dân thôn Phú Vinh (được đánh dấu tên) có đất bị thu hồi và được bố trí tái định cư từ năm 2008 |
Trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Hiển bày tỏ bức xúc: “Các hộ dân chúng tôi ở đây luôn chấp hành đầy đủ chủ trương của nhà nước về việc thu hồi đất để làm dự án. Khi chúng tôi biết được những vấn đề sổ đỏ của gia đình chỉ là chuyện thừa thiếu những số tiền không hề lớn thì tha thiết được đóng đầy đủ, thừa thì lấy lại để được nhận sổ đỏ.
Tuy nhiên, suốt hơn 10 năm qua các hộ gia đình chúng tôi đã đi lại nhiều lần, UBND huyện Hoài Đức cũng đã đối thoại, thanh kiểm tra nhưng vẫn không thể đưa ra một quyết định cho các hộ gia đình chúng tôi được hoàn thành nghĩa vụ tài chính để nhận lại sổ đỏ”.
Tới ngày 10/1/2020, các hộ dân mới chính thức nhận được giấy mời của Phòng TN&MT huyện Hoài Đức. “Chúng tôi tưởng chỉ việc lên nhận sổ đỏ cầm tay, không ngờ cán bộ tiếp tục yêu cầu cung cấp giấy tờ, tài liệu liên quan mặc dù gần chục năm qua, trong tất cả các đơn từ chúng tôi đều đã gửi kèm các giấy tờ tài liệu này”, người dân trình bày.
Đến nay việc yêu cầu cấp sổ đỏ cho thửa đất tái định cư của 7 hộ gia đình vẫn đang tiếp tục bị treo gác, bản thân những “khổ chủ” dù đã nghiên cứu đến thuộc làu các quy định, hướng dẫn của pháp luật nhưng không thể hiểu vì sao họ không được cấp sổ đỏ vì những căn cứ đó không có trong luật?
"Điệp khúc" thanh tra
Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, vấn đề cấp sổ đỏ của 7 hộ dân tại thôn Phú Vinh và 44 hộ dân tại thôn An Bình, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức đã nắm rõ và đang tìm mọi cách tháo gỡ, giải quyết nhanh chóng cho người dân. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại UBND huyện Hoài Đức đã giao cho đơn vị thanh tra của huyện rà soát lại tất cả các vấn đề liên quan đến việc cấp sổ đỏ của các hộ dân nói trên để đưa ra hướng giải quyết.
Đứng trước câu trả lời của vị đại diện Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức, một trong các hộ dân tại xã An Khánh bức xúc: “Suốt hàng chục năm qua chúng tôi đã phải chờ đợi rất nhiều đợt thanh tra nhưng rồi kết quả vẫn không có gì khác. Rà soát, kiểm tra lại rất nhiều lần nhưng không giải quyết được vấn đề thì không hiểu UBND huyện Hoài Đức có đang thực sự muốn giải quyết nhanh chóng những tồn đọng, vướng mắc của người dân chúng tôi? Nếu việc thanh kiểm tra không có hiệu quả như vậy thì tổ chức làm gì?”.
Cho rằng, những khó khăn trên là biểu hiện gây phiền hà, nhũng nhiễu, làm cản trở việc thực hiện cải cách hành chính trong việc cấp sổ đỏ, xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của công dân, người được ủy quyền đại diện cho các hộ dân thôn An Bình đã có đơn yêu cầu cấp có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện các thủ tục cấp sổ đỏ cho các hộ gia đình theo quy định của pháp luật hiện hành, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ.