"Mâm xôi con gà" mang tầm thế giới
“Mâm xôi con gà” nổi tiếng từ năm 2010, trong một triển lãm trưng bày sinh vật cảnh chào mừng 1.000 năm Thăng Long. Nghe nói người yêu hoa chen lấn, xô đẩy để được tận mắt mục sở thị “Mâm xôi con gà” giống hệt kiểu các bạn teen ngày nay vây quanh các ca sĩ thần tượng của họ.
Cách chủ nhân “Mâm xôi con gà” làm cũng không khác cách các ca sĩ thần tượng làm bao nhiêu: rửa sẵn ảnh tặng người hâm mộ. Được biết, số lượng ảnh ông Nam Thành mang tặng người yêu cây đã lên đến khoảng 700-800 triệu đồng, kỷ lục này chắc nhiều ca sĩ thần tượng Á, Âu phải chào thua.
Người ta mê mẩn cây đến mức lan truyền cho nhau nghe những câu chuyện có một không hai về các kiểu “yêu” mãnh liệt đối với “Mâm xôi con gà”. Nào là có ông ở tận Sài Gòn bay ra Hà Nội, thuê taxi chạy thẳng lên Việt Trì chỉ để ngắm cây một lần cho mãn nhãn. Rồi thì giới chơi cây ở nước nọ, nước kia cũng “không thể chịu nổi vì tò mò”, đã đáp máy bay sang xem cái cây đẹp ra sao. Rồi câu chuyện cả thành phố Việt Trì tắc nghẽn chỉ vì đám đông đổ xô ra đường ngắm cây trong một lần vận chuyển cây đi tham dự triển lãm trong nước...
Tuyệt tác siêu cây "Mâm xôi con gà" |
Sau rất nhiều đồn thổi, “Mâm xôi con gà” đàng hoàng bước lên bìa một tạp chí chuyên về bonsai ở đất Mỹ. Thế là tiếng tăm của “Mâm xôi con gà” đã không còn là giới hạn trong nước nữa. Nó chính thức trở thành một “ngôi sao truyền thông” mang tầm… thế giới!
Và đương nhiên, giống như các ngôi sao truyền thông khác, “Mâm xôi con gà” cũng không tránh được “con đường thị phi” khi tác phẩm này bị rải tờ rơi nói xấu khắp thành phố Việt Trì, rằng “Mâm xôi con gà” là hình ảnh “xôi thịt, phàm tục”, “chỉ là vật hiến tế chứ không phải là hình tượng nghệ thuật”…– một sự việc hiếm hoi có lẽ chưa có tiền lệ.
Được đối xử như một nhân vật của showbiz, ngay lập tức lịch sử ra đời của “Mâm xôi con gà” cũng được người ta bày ra trước mắt thiên hạ và rất nhiều dị bản về tư liệu này đã được lan đi với tốc độ chóng mặt.
Có người cho rằng cây này vốn dĩ xuất phát từ chùa Hương, không biết bằng cách nào mà trở thành sở hữu của người dân. Có người kể, cây này vốn “gốc” Hà Nội, lưu lạc vào Huế mấy chục năm lại quay ra với đất mẹ. Nhưng có lẽ câu chuyện gốc tích được kể sau đây có vẻ chân thực hơn cả bởi nó được một trong những người có “căn số” chăm cây từ thuở chưa nổi tiếng đồng tình.
Chuyện là cây sanh này thuộc sở hữu của dòng họ Phạm ở thôn Ngô Sài, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Tây cũ. Trước đó, cây mọc trên cổng làng Ngô Sài, vào khoảng giữa những năm đầu của thế kỷ trước, các bô lão trong làng đã hạ cây xuống. Cụ thân sinh ra ông Phạm Văn Tình, vốn là người yêu thích cây cảnh đã mang về trồng cạnh hòn non bộ trước nhà và chính cụ là người tạo thành dáng “Mâm xôi, con gà”, thể hiện mơ ước của những nông dân thời đó.
Khi ông cụ qua đời, cây sanh thuộc về các con ông, anh em nhà họ Phạm do ông Phạm Văn Tình là trưởng họ. Vì là tài sản chung và ai cũng thích chơi cây cảnh nên các con trai cụ đã chia thời gian để các nhà cùng chơi, mỗi người chơi 3-4 tháng rồi lại chuyển sang nhà khác.
Tháng 8/1996, ông Tình bỏ tiền ra xây cho người em trai căn nhà cấp 4, cây sanh mới thuộc quyền sở hữu hoàn toàn của ông. Đó cũng là lúc ông Cường, họa sĩ có duyên mua được cây này. Và từ đây, câu chuyện mua bán cây sanh quý mới bắt đầu có tiếng tăm bởi người đời “dệt” nên câu chuyện về việc ông Nam Thành đã bỏ ra tới 5,6 tỉ đồng (năm 2006) để có thể sở hữu được cây cảnh quý giá này. Sau khi về với chủ nhân mới chưa đầy 5 năm, cây sanh quý đã được đẩy lên tận trời xanh với “siêu giá” 6 triệu USD.
Mỗi giờ cắt tỉa “siêu cây” có giá khoảng…20 triệu đồng
Ông Thành vốn là một người kinh doanh vàng nhưng khi “bập” vào nghiệp cây cảnh thì ông dành rất nhiều tâm sức cho nó. Một khu vườn rộng tới hơn chục héc ta được ông mua về chỉ để đặt những “đứa con tinh thần” quý giá của ông.
Tuy nhiên, chúng tôi không ngờ đến việc, sau rất nhiều đồn thổi về “siêu cây” được đăng tải, ông Thành lại “khép cửa” với báo chí. Phải mất rất nhiều kênh thông tin, chúng tôi mới gặp được người thường xuyên diện kiến “Mâm xôi con gà” ở Mộc Hoa Trang. Anh T, một người chuyên làm cây cảnh ở thị xã Sơn Tây. Vì nhiều lý do khách quan, người này mong muốn được giấu hình ảnh, địa chỉ của mình mới đồng ý kể cho chúng tôi nghe về bí ẩn kia.
Ngôi nhà và đường ray cho cây mâm xôi |
Anh T cho biết, “Mâm xôi con gà” được chủ nhân của nó làm riêng cho một “ngôi nhà” bằng thép vuông 10, sơn màu xanh lá cây với chiều dài 3,5m; chiều rộng 5m; chiều cao 4,5m. “Ngôi nhà” này được khóa bằng cả hệ thống khóa điện lẫn khóa cơ, xung quanh được lắp hệ thống cảm biến hồng ngoại chống trộm (chúng tôi cũng từng nghe được lời đoán, có thể ông ấy còn gắn cả chip định vị lên cây. Về lời đồn đoán này, anh T nói “không dám bàn đến”).
Ngoài ra, ông Thành còn làm một đường ray dài 15m chỉ dùng để đưa khối “siêu cây” nặng khoảng 4-5 tấn của ông ra “hóng” nắng vào ban ngày và “đi ngủ” vào buổi tối bằng một hệ thống mô tơ tự vận hành. Toàn bộ khu vườn có 4 nhân viên bảo vệ, một người chuyên trực cả ngày, 3 người còn lại luân phiên thay ca. Ngoài nhân viên bảo vệ, ông Thành còn nuôi khoảng 13-14 chú chó “canh gác” các góc vườn.
Ông Thành luôn tự tay nhặt cỏ, bắt sâu cho báu vật của mình, ngoài việc định kỳ có thợ giỏi, chuyên nghiệp đến chỉnh sửa phom dáng cho chuẩn, tất nhiên cắt chỉnh dưới sự giám sát của chủ nhân. Mỗi giờ “đụng dao kéo” này có giá trị khoảng 20 triệu đồng!
Trước đây, mỗi lần “sửa chữa” ông Thành luôn phải chở cây về Mỹ Đình để đích thân “cha đẻ” của “Mâm xôi con gà” - họa sĩ Đặng Xuân Cường - tạo dáng. Chỉ từ sau năm 2010, “siêu cây” mới chính thức ở lại Việt Trì và được ông đích thân tuyển lựa các thợ giỏi về làm (sau khi các thợ giỏi này phải thể hiện “màn trình diễn cắt tỉa” khiến ông chủ hài lòng).
Khi được hỏi về những lời đồn đại giá trị 6 triệu USD, anh T mỉm cười bí ẩn cho rằng, lời đồn thì mãi chỉ là lời đồn đại thôi. Không biết ông Tây, ông Nhật, ông Tàu nào đánh giá như vậy nhưng cái giá “120 tỷ đô” lần đầu tiên tôi được nghe là từ... bảo vệ của “Mâm xôi con gà” ở sân Bảo tàng Hà Nội.
Anh T cũng cho biết: “Mâm xôi con gà” không phải là cây sanh đẹp nhất, nó chỉ là may mắn khi về được với người chủ biết làm thương hiệu thôi”. Nói rồi anh T vẫn “rào buộc”: “Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, nếu có người trả 6 triệu USD thật thì chưa chắc ông Thành đã bán. Bởi ông đã coi là báu vật gia truyền, là vật truyền đời cho con, cháu ông thì đúng là vô giá.
Ông vẫn luôn nói với các con ông rằng, mua được cây sanh quý này là phúc của nhà ông. Đây chính là lý do mà hầu như ngày nào sau giờ làm việc ông Thành đều đánh xe lên Đền Hùng thăm báu vật của mình”./.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu