Đó là thông tin mà PLVN nhận được và kiểm chứng sau nhiều ngày mục kích trên các tuyến đường như QL9B, Phan Đình Phùng nối dài, đường mòn Hồ Chí Minh, đường tránh TP.Đồng Hới….
Xe quá tải của Trường Thịnh “chống chế” thanh tra
Có mặt trên QL 9B khoảng 15h chiều 28/7, chúng tôi ngạc nhiên trước tình hình “yên ắng” lạ. Xe quá tải không ồ ạt như thường lệ mà thay vào đó có khoảng 5 xe tải chở vật liệu phục vụ thi công QL1 “án binh bất động” rải rác dọc tuyến. Lời giải có ngay sau đó khi gần cầu Trung Trinh (người dân địa phương quen gọi là cầu Nạng Hai), một tổ kiểm soát của Thanh tra giao thông (TTGT), Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Bình đang chốt tại đây.
Theo một cán bộ TTGT, cứ khi họ lập chốt trên QL9B thì cánh tài xế gọi điện báo nhau dừng chạy ngay. “Không ít lần chúng tôi ra chặn kiểm tra, tài xế không chấp hành mà còn lái xe đâm thẳng, rất manh động. Đó là chưa kể việc các đơn vị có xe quá tải chạy qua đường này còn cử cả người theo dõi TTGT từ đầu đến cuối tuyến… ” – cán bộ này nói.
10 phút sau, khi đang tiếp xúc với tổ TTGT này, chúng tôi chứng kiến chiếc xe tải FAW chở đá BKS 73L - 9905 của Tập đoàn Trường Thịnh (trụ sở tại số 50 đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) đang lưu hành đến cách chốt của TTGT khoảng 200m liền dừng xe. Tài xế mở cửa nhảy xuống, đứng “thám thính” một lúc rồi ung dung lùi xe, bỏ trốn. Nhìn vào số trục bánh, thùng xe chở đầy đá ước chừng xe này không dưới 30 tấn, trong khi ở cầu Trung Trinh cắm biển quy định trọng tải 13 tấn rất rõ ràng.
Được biết, Tập đoàn Trường Thịnh đang thi công 33km QL1 đi qua 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình. Để phục vụ cho đại công trình này, mỗi ngày có đến hàng chục xe tải (đa phần là quá tải) thay nhau quần thảo, cày nát con đường chiến lược của tỉnh Quảng Bình. Trong chiều 28/7, dọc theo QL9B lên đường Hồ Chí Minh, chúng tôi bắt gặp nhiều xe tải khác (nhiều xe loại “hổ vồ” 25 tấn do Trung Quốc sản xuất) của Tập đoàn Trường Thịnh chở đầy đất đá, phủ kín bạt nằm im bên lề đường tránh TTGT.
Đến hơn 17h, khi lực lượng TTGT rút về, các xe quá tải nằm tránh suốt buổi chiều bung ra, rồng rắn nối nhau phóng như bay trên QL9B hướng về các công trình. Chưa đầy 10 phút, chúng tôi đếm được 13 xe chở đầy vật liệu chạy về mà trong số đó đa phần là xe của Tập đoàn Trường Thịnh.
Các xe quá tải bung ra, nối nhau ùn ùn chạy trên QL9B khi Thanh tra giao thông rút về |
Sáng 29/8, chúng tôi tiếp tục có mặt trên đường Hồ Chí Minh, đường tránh TP.Đồng Hới và đường Phan Đình Phùng nối dài (đoạn từ đường tránh lên đường Hồ Chí Minh, dài khoảng 3km) và tiếp tục ghi nhận tình trạng xe “khủng”, xe quá tải ngang nhiên “đày ải” các tuyến đường huyết mạch này để chở vật liệu nâng cấp xây dựng QL1.
Riêng ở đoạn đường Phan Đình Phùng nối dài (còn gọi là đường Trại Gà) thuộc địa phận xã Thuận Đức, TP.Đồng Hới, lực lượng Cảnh sát giao thông – Công an TP.Đồng Hới cho biết, trước đây đường này có cắm biển quy định trọng tải gần cầu Trại Gà là 10 tấn. Nhưng thời gian gần đây, không hiểu sao biển biến mất. Và ngày ngày, hàng chục lượt xe tải chở vật liệu của Tập đoàn Sơn Hải (trụ sở tại đường Hữu Nghị, TP.Đồng Hới) tải trọng trên 20 tấn vẫn tấp nập xuôi ngược qua tuyến này. Chỉ riêng trong sáng 29/8, chúng tôi đếm được hơn 10 chiếc xe tải của Tập đoàn này “cày ải” đoạn này.
Được biết, Tập đoàn Sơn Hải đang thi công hai gói thầu số 10 và 14 trên QL1 qua Quảng Bình dài 15km. Để phục vụ công trình này, cần có hàng chục nghìn khối đất đá, hỗn hợp thảm bê tông nhựa từ các vùng vật liệu phía Tây 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Hàng ngày, xe của Tập đoàn này cứ rồng rắn nối nhau ùn ùn qua đường Hồ Chí Minh, Phan Đình Phùng nối dài và đường tránh TP.Đồng Hới. Nhiều người dân bên các tuyến đường trên bức xúc phản ánh rằng, xe chở vật liệu của Sơn Hải thường chạy với tốc độ rất nhanh, tung bụi mù mịt vào những ngày nắng nóng.
Cuối giờ sáng, chúng tôi bám theo chiếc xe tải BKS 73L – 8175 trên hành trình từ khu mỏ vật liệu về công trình QL1. Qua mắt thường có thể thấy rõ ràng xe này là loại xe tải 3 chân, trọng tải không dưới 20 tấn và chở thảm bê thông nhựa vun cao hơn mặt trên thùng xe. Không những thế, khi về đến đường tránh TP.Đồng Hới, xe này nhấn ga, tăng tốc vượt nhiều xe khác trên đường.
Hình ảnh quay lại bằng video đối chiếu từ công-tơ-mét của xe chúng tôi với hình ảnh xe này chạy trên đường có thể khẳng định hầu như cả đoạn đường này, xe 73L – 8175 giữ tốc độ 80km/h, có nhiều đoạn vượt đến 90km/h. Trong khi đó, theo lực lượng Cảnh sát giao thông, quy định trên đường tránh này xe tải loại trên 3,5 tấn chỉ được lưu thông tốc độ tối đa 60km/h.
Xe quá tải của Tập đoàn Sơn Hải chạy trên đường Phan Đình Phùng nối dài trước đây chỉ cắm biển quy định 10 tấn |
Trên hành trình xe quá tải trọng từ các mỏ đất đá, vật liệu phía Tây 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy về các công trình QL1, không chỉ có QL9B, đường Phan Đình Phùng, đường tránh TP. Đồng Hới là nạn nhân mà cả hàng chục kilômét đường Hồ Chí Minh cũng trong cảnh bị hư hỏng tương tự. Ngay cả ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Bình khi tiếp xúc với PLVN cũng từng thừa nhận, để xây dựng đường lớn QL1, tình trạng xe quá tải đi qua các tuyến đường nhỏ gây hư hỏng là có.
Khi dự án xây dựng và mở rộng QL1 bắt đầu đấu thầu, các đơn vị khi bỏ hồ sơ dự thầu chắc chắn phải có phương án thi công, vận chuyển vật liệu trên tuyến đường nào, bằng xe loại gì để đảm bảo an toàn cho các tuyến đường đi qua. Trình dự thầu một đằng, khi thi công lại làm một nẻo vì các đơn vị thi công ưu tiên thu lại lợi nhuận cao nhất.
Tình cảnh những đoàn xe “khủng”, xe quá tải của các tập đoàn như Trường Thịnh, Sơn Hải và một số đơn vị thi công khác đã gây ra cho các tuyến đường nhỏ bây giờ ra sao, chắc hẳn lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, Sở GTVT, Ban An toàn giao thông cùng các lực lượng liên quan không thể không biết, nhưng sao chưa thấy ai có động tĩnh gì? Hay họ đang cố tình “nhắm mắt làm ngơ” để các tuyến đường huyết mạch của tỉnh nhà phải hàng ngày, hàng giờ bị băm nát vì xe quá tải và phải lâm cảnh tự “hy sinh” để phục vụ cho đại công trình QL1?
Còn dư luận thì đặt câu hỏi rằng: QL1 làm xong, nhà thầu còn thu được phí. Mấy tuyến đường nơi xe quá tải chạy qua làm từ tiền thuế của dân, là tài sản quốc gia, mà doanh nghiệp lại ngang nhiên cho xe “khủng” cày nát. Không lẽ xây dựng đường sá cứ luẩn quẩn, phá đường nhỏ để làm đường to? Đường to làm xong lại đau đầu tìm nguồn chi làm đường nhỏ?