Chuyện kỳ lạ về tộc người bí ẩn dưới chân đỉnh Yang Ly

Người T’Rin tắm giặt ở suối Lách.
Người T’Rin tắm giặt ở suối Lách.
(PLO) - Dù đã được nghiên cứu tìm hiểu nhưng đến nay, tộc người T’Rin sống ẩn mình dưới chân đỉnh Yang Ly (xã Yang Ly, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) vẫn còn nhiều bí ẩn. Một trong những điều thú vị ấy là luật tục phạt vạ độc đáo giữa chủ nhà và khách. Ở đây, không chỉ chủ nhà mới phạt vạ khách, mà nhiều lần chính chủ nhà bị khách phạt vạ bằng một đôi gà và một ché rượu cần.

Tộc người ẩn mình dưới chân đỉnh Yang Ly

Nhắc đến cái tên T’Rin sẽ không ít người thắc mắc, tò mò về nguồn gốc của đồng bào dân tộc thiểu số này. Cất công tìm hiểu nền văn hóa và phong tục của họ, nhiều nhà nghiên cứu cũng phải ngỡ ngàng trước nguồn gốc “không rõ ràng” với nhiều điều bí ẩn cần lời giải đáp. 

Theo đó, người T’Rin xuất hiện ở Khánh Hòa cách đây khoảng chừng vài trăm năm, là một nhánh rẽ của người K’Ho. Điều đặc biệt là người T’Rin có tiếng nói nhưng không có chữ viết riêng, ngôn ngữ của tộc người này thuộc hệ Môn Khơme.

Người T’Rin sống tập trung ở xã Yang Ly với gần 340 hộ và khoảng hơn 1.500 nhân khẩu. Điều đặc biệt, nếu người Raglay và một số dân tộc thiểu số khác ở đây sống theo chế độ mẫu hệ thì người T’Rin lại theo chế độ phụ quyền. Con trai được đặt tên theo họ cha, con gái được đặt tên theo họ mẹ. Người T’Rin chỉ có hai họ để phân biệt, con trai mang họ Hà và con gái mang họ Cà.

Dưới chân đỉnh Yang Ly là một dòng suối chảy dài theo hướng Đông - Tây có nhiều đoạn bị ngăn lại bởi những khối đá lớn. Con suối này có tên suối Lách, là nơi để dân làng tắm giặt sau một ngày đi rẫy mệt nhọc trở. 

Đồng bào T’Rin xem suối Lách như một dòng suối linh thiêng đã gắn liền bao đời nay. Không phân biệt già trẻ, gái trai, tất cả mọi người đều tắm ở con suối này. Đây là một nét văn hóa riêng của người đồng bào T’Rin.

Theo ông Xa Nga - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Yang Ly, suối Lách bắt nguồn từ trên đỉnh núi, chảy theo những triền đá, tạo nên thác Yang Ly hùng vĩ cao 60m. Về đến vùng đất này, suối Lách tách ra thành 7 nhánh nhỏ, len lỏi chảy qua những khe đá và những tán rừng nguyên sinh xanh ngắt, tạo nên một bức tranh phong cảnh đẹp kỳ lạ. 

“Dưới suối, nước trong vắt, soi rõ những viên sỏi đủ màu lấp lánh. Những cái hồ nhỏ, nước xâm xấp ngực, là nơi dành cho đồng bào T’Rin vùng vẫy, bơi lội thỏa thích”, ông Xa Nga tự hào nói về con suối đặc biệt này.

Trang phục của người T’Rin là kết hợp trang phục giữa người K’Ho và người Chăm. Điều đặc biệt, phụ nữ T’Rin nơi đây sinh sống trên độ cao cả nghìn mét lại mặc váy giống người Chăm nhưng họ không hề cảm giác lạnh. 

Tất cả những điều nói trên chỉ là những giả thiết và chưa có những cứ liệu khoa học xác đáng để chứng minh. Đó cũng chính là điều thú vị đã khiến nhiều nhà nghiên cứu vào cuộc tìm hiểu để làm rõ ngọn ngành.

Kỳ lạ chủ nhà phạt vạ khách

Gặp chúng tôi trước cửa nhà, bà Cà Dang (60 tuổi, ngụ làng Gia Cố) mời vào nhà trò chuyện. Khi khách vừa bước vào cửa nhà, bà Dang liền cười bảo: “Tôi mời thì mới được vào nhà, nếu tôi không mời mà tự động vào thì sẽ bị phạt đấy. Đó là luật tục của địa phương, người nơi khác tới cũng bị phạt như người dân ở đây”.

Bà Dang lớn lên ở nơi đây, do vậy những luật tục như thế này bà nắm rất rõ, nhưng không hiểu sao nhiều lần cũng vi phạm dù không cố ý. Những lúc như thế, bà bị phạt một con gà và một ché rượu cần. 

Bà Dang từng vi phạm luật tục của đồng bào mình.
Bà Dang từng vi phạm luật tục của đồng bào mình.

“Ở đây, người dân đều nghèo như nhau nên ít khi bị phạt nặng, chỉ người nào ngoan cố không chịu mức phạt nhẹ, làm cho gia chủ và già làng bực tức thì mức phạt sẽ được tăng lên. Lúc ấy, có ngoan cố đến đâu cũng phải nộp phạt, không nộp thì sẽ bị đuổi khỏi làng”, bà Dang cho biết.

Theo già làng Hà A Yá (ngụ làng Gia Cố), khách đến nhà phải được đồng ý của chủ. Sau đó, chính người chủ nhà phải mở cửa tiếp đón khách một cách chu đáo. Nếu người nào vô tình xâm phạm đến nhà người khác, hoặc tự tiện tháo chốt, tháo cửa xuống để vào nhà thì bị xem là vi phạm luật tục.

“Phạt gà và ché rượu cần là mức nhẹ nhất. Nếu gia chủ nghi ngờ trong nhà mình bị mất những đồ vật nào đó thì có quyền phạt người vi phạm nặng hơn, có khi là bò hoặc trâu. Người vi phạm luật tục dù nghèo khó cũng phải nộp phạt, nếu không sẽ bị đuổi khỏi làng”, già Yá cho biết.

Già Yá nhớ mãi chuyện xử phạt một vị khách ở miền xuôi lên và vi phạm luật tục. Cách đây hơn 5 năm, vị khách này lên đây tham quan rồi khi thăm nhà người dân, khách tự ý bước vào nhà. Hôm ấy nhà chỉ có trẻ con nhưng vị khách cũng không thoát được “án phạt”. 

“Lúc đầu, anh ấy chỉ nghĩ là trẻ con nói đùa nên cho chúng mấy chục nghìn. Nhưng bọn trẻ không chịu, bắt anh ấy phải chịu phạt một con gà và một ché rượu cần. Anh ấy lớ ngớ không hiểu chuyện gì xảy ra nên bọn trẻ chạy đến nhà gọi tôi đến xử. Tôi giải thích cho anh ấy hiểu rồi mời những người lớn tuổi ở làng đến xử phạt. Anh ấy vui vẻ gửi tiền cho chúng tôi mua gà và rượu để chịu phạt.

Tối đêm đó anh ấy ở lại vui chơi với chúng tôi. Rồi thích quá nên anh ấy qua ở nhà tôi mấy ngày liên tiếp. Trẻ con trong làng lúc đó thích anh ấy lắm. Đó là một kỷ niệm khó quên với chúng tôi”, già Yá vui vẻ kể.

Độc đáo khách phạt vạ chủ nhà

Đi đôi với luật tục phạt vạ khách, người T’Rin nơi này còn có thêm luật tục khách phạt vạ chủ nhà. Khi khách đến chơi nhà thì chủ phải tiếp đãi cẩn thận là lẽ dĩ nhiên, nhưng nếu trong lúc đang tiếp chuyện với khách mà vô tình con, cháu của chủ nhà đi ngang qua trước mặt hoặc phía sau lưng khách thì chủ nhà bị phạt một đôi gà, có trống có mái và một ché rượu cần. 

Sau đó, chủ nhà sẽ làm gà đãi khách cùng với rượu cần. Đó là mức phạt nhẹ nhất. Còn nếu hôm đó có đông khách, chủ nhà phải tự động thêm gà và rượu để khách được ấm cái bụng khi ra về.

Khi chúng tôi đang trò chuyện, một đứa trẻ định đi vào nhà thì bà Dang liền bảo đi ra ngoài. Nói rồi, bà cười bảo: “Nhà tôi bữa nay hết gà rồi, chỉ còn rượu cần thôi nhưng nếu cháu tôi vi phạm mà khách yêu cầu thì tôi cũng đi vay gà về chịu phạt. Có điều, lúc nãy cháu tôi chưa vào nhà nên tôi chưa chịu phạt. Cháu tôi định vào nhà nên tôi phải bảo nó đi, khi nào khách đi rồi nó mới được vào nhà. Tôi chỉ cần xua tay là nó hiểu, vì nhiều lần nó làm tôi mất gà rồi”.

Theo già làng Yá, đây là luật tục của người đồng bào T’Rin từ xưa truyền lại nên già cũng không giải thích được nguyên do. Nhưng có một điều ẩn sau luật tục này đó chính là bài học về sự giáo dục con cái phải biết phép tắc và cách ứng xử đối với người khác. 

Với luật tục này, người làng ít khi bị vi phạm, chỉ những gia đình có trẻ em còn nhỏ mới bị vì chúng vô ý, chứ khi đã lớn rồi thì chúng đều có ý thức. Tất nhiên, những người như già Yá không bao giờ vi phạm luật tục, nếu phải nộp phạt là vì cháu nhỏ trong gia đình lỡ vi phạm. 

“Trường hợp khách nơi xa tới mà yêu cầu phạt vạ thì chủ nhà cũng rất vui vẻ, còn không yêu cầu thì thôi. Và dù khách không yêu cầu phạt vạ nhưng chủ nhà cũng phải giải bày rõ ràng là đã vi phạm luật tục, nếu khách có yêu cầu thì sẽ chịu phạt. Đồng bào chúng tôi quý cái tình lắm. Đặc biệt khách phương xa đến thì càng quý”, già Yá cho biết.

Theo ông Xa Nga, những năm gần đây, thấy những luật tục này có nhiều bất cập, đặc biệt là gây khó khăn về kinh tế cho người dân nên nhiều lần chính quyền địa phương động viên họ bỏ dần, để tiếp thu những văn minh mới tiến bộ hơn. Tuy nhiên, những luật tục này đã ăn sâu vào máu thịt của người đồT’Rin nên việc loại bỏ là rất khó khăn. 

“Vì rất khó loại bỏ luật tục này nên chính quyền cũng khuyên người dân chuyển đổi sang hình thức khác, chẳng hạn như vi phạm một lần thì nhắc nhở, hai lần thì kiểm điểm trước làng, đến lần ba thì mới phạt gà. Làm như thế, những người không may vi phạm cũng đỡ khó khăn về kinh tế hơn”, ông Xa Nga nói.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.