Báo chí Mỹ dẫn lời bà Sharon Molleur, con gái ông George Mendonsa, cho biết, cha của bà đã bị đột quỵ khi đang sống tại khu dưỡng lão ở Middletown, bang Rhode Island. Ông qua đời chỉ hai ngày trước sinh nhật lần thứ 96.
Bức ảnh nổi tiếng bậc nhất
Ngày 14/8/1945, thông tin phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh và cuộc Chiến tranh thế giới thứ II đầy đau thương mất mát chuẩn bị khép lại được công bố. Nghe được tin, người dân ở khắp nơi trên thế giới đã đổ ra đường ăn mừng, bao gồm ở Mỹ.
Quảng trường Thời đại ở thành phố New York ken đặc người. Ai cũng hân hoan trước niềm vui chiến thắng. Trong thời khắc đầy phấn khởi đó, nhiếp ảnh gia Alfred Eisenstaedt đã chớp được một khoảnh khắc quý giá: Một thủy thủ cao lớn choàng tay ôm ghì, uốn cong lưng và đắm đuối hôn một phụ nữ trong trang phục y tá.
“Ở Quảng trường Thời đại vào hôm đó, tôi thấy một thuỷ thủ vui sướng chạy khắp nơi, ôm tất cả những cô gái ở đó, già, trẻ, cao, thấp ai cũng ôm hết. Tôi đeo chiếc máy ảnh Lecia trên vai và chạy theo anh ta nhưng mãi không chụp được bức ảnh nào vừa ý. Đột nhiên, tôi thấy anh ta túm cái gì đó trắng trắng, tôi quay lại và chụp được khoảnh khắc anh ta ôm hôn cô y tá.
Nếu cô ấy mặc đồ tối màu hoặc người thuỷ thủ mặc đồ màu trắng thì có lẽ tôi đã không chụp lại. Trong vài giây đó, tôi đã chụp tất cả bốn bức ảnh nhưng chỉ có một tấm ảnh là chuẩn nhất về bố cục và màu sắc”, nhiếp ảnh gia Eisenstaedt kể về khoảnh khắc đáng nhớ trong một cuốn sách được xuất bản vào năm 1985. Bức ảnh sau đó được đăng trên tạp chí Life với dòng chú thích: “Ngày V-J tại Quảng trường Thời Đại”, hay còn được gọi là “Nụ hôn ở Quảng trường Thời đại”.
Bức ảnh “Nụ hôn ở Quảng trường Thời đại”. |
Điều mà cả ông Eisenstaedt và những nhân vật xuất hiện trong bức ảnh khi đó không thể ngờ được là bức ảnh về sau trở thành một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất của thế kỷ 20. Ngoài bức ảnh này, một số hình ảnh khác cũng được ghi nhận vào đúng ngày 14/8/1945, cũng ghi lại những nụ hôn ở Quảng trường Thời Đại nhưng không có bức ảnh nào vượt qua được bức ảnh của ông Eisenstaedt. Nó được xem như một biểu tượng của sự lãng mạn, của tình yêu và hòa bình. Nụ hôn trên Quảng trường Thời Đại cũng trở thành một trong những nụ hôn nổi tiếng nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, khi chụp bức ảnh đó, tác giả Eisenstaedt đã không hỏi tên những nhân vật trong ảnh. Chính vì vậy nên trong suốt một thời gian dài, dù bức ảnh vô cùng nổi tiếng nhưng không ai biết danh tính người thủy thủ và cô y tá. Rất nhiều câu hỏi như liệu chàng thanh niên trẻ và cô y tá có phải người yêu của nhau hay không, liệu họ có đến với nhau hay không, họ sống có hạnh phúc không… đã được đặt ra nhưng không có lời đáp.
Giải mã bức ảnh lịch sử
Khi bức ảnh trở nên nổi tiếng, nhiều người đã đứng ra nhận mình là nhân vật chính. Trong đó, ít nhất ba người phụ nữ khẳng định mình là cô gái trong bức ảnh nổi tiếng. Song, hầu hết những người nghiên cứu cho rằng người này là một phụ nữ tên Greta Friedman.
Năm 1960, bà Friedman từng liên lạc với Tạp chí Life nhưng tờ báo khi đó không quan tâm tới việc ai là nhân vật trong bức ảnh. Đến năm 1980, Life mới đặt vấn đề tìm những nhân vật trong bức ảnh nhưng đã từ bỏ ý định vì nhận được quá nhiều thông báo nhận là nhân vật chính. Về phía chàng thủy thủ cũng đã có hàng chục người khăng khăng rằng mình chính là người thủy thủ, trong đó có ít nhất 11 người đưa ra được một số bằng chứng thuyết phục chứng minh tuyên bố của mình.
Mãi đến năm 2012, tác giả Lawrence Verria trong cuốn sách có tên “Nụ hôn của chàng thủy thủ: Bí ẩn đằng sau bức ảnh kết thúc Chiến tranh thế giới II” chứng minh rằng bà Friedman và ông Mendonsa là cặp đôi trong bức ảnh. Theo Verria, các bằng chứng đã chứng minh hình xăm trên cánh tay phải của người thủy thủ trùng khớp với hình xăm của ông Mendonsa.
Đặc biệt, công nghệ phân tích khuôn mặt cho thấy ông Mendonsa chính là người thủy thủ trong ảnh. Chiều cao, kiểu tóc và dáng điệu của cô y tá trong khi đó trùng khớp với những hình ảnh của bà Friedman ở cùng thời điểm. Đến lúc này, những tranh cãi về hai nhân vật chính mới lắng xuống.
Thời gian bức ảnh được chụp cũng là vấn đề gây tranh cãi. Trong cuốn sách xác nhận Friedman và ông Mendonsa là cặp đôi trong bức ảnh, tác giả Lawrence Verria cho rằng bức ảnh được chụp vào khoảng 14h00 chiều. Một số thông tin khác thì khẳng định bức ảnh được chụp sau khi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Harry Truman thông báo việc quân Nhật đầu hàng.
Song, vào năm 2016, nhà vật lý học người Mỹ Donald Olson cùng các đồng nghiệp tại Đại học Texas thông báo họ đã tìm ra được lời giải cho bí ẩn thời khắc mà bức ảnh được ghi lại bằng các phân tích khoa học.
Theo ông Donald Olson, ông cùng hai người bạn là nhà vật lý thiên văn Steven Kawaler và nhà thiên văn Russell Doescher đã dựa trên chiều dài và hướng của phần bóng râm của một tòa nhà ở phía trên góc bên phải bức ảnh in dấu lên tòa nhà bên cạnh để xác định thời gian. Kết quả là, sau gần 5 năm nghiền ngẫm các tấm bản đồ cổ, những bức ảnh chụp từ trên không và các bản vẽ thiết kế, ba nhà khoa học đã tập hợp đủ thông tin để xây dựng lại một mô hình tỷ lệ các tòa nhà xuất hiện trong bức ảnh của Eisenstaedt.
Theo ông Olson, ông phát hiện rằng một tấm biển hiệu nằm trên nóc khách sạn Astor đã đổ bóng lên tòa nhà phía sau. Và để tạo ra một bóng râm như trong ảnh, mặt trời phải ở hướng chính tây và tạo thành một góc 270 độ với tấm biển hiện. Nhóm nghiên cứu khẳng định mặt trời chỉ có thể đạt vị trí này vào lúc 17h51 chiều trong ngày, theo giờ mùa hè ở miền Đông nước Mỹ.
“Đường ai nấy đi” sau cái ôm hôn thắm thiết
Ngoài ra, trong bức ảnh lịch sử nói trên cũng ẩn chứa nhiều sự thực thú vị khác. Đầu tiên phải kể đến là việc người thủy thủ và cô y tá thực chất là những người xa lạ, không hề biết nhau. Ở thời điểm bức ảnh được chụp, bà Greta Friedman đang là một y tá 21 tuổi, làm việc trong một phòng nha. Vào ngày tin thắng trận đổ về, bà đang được nghỉ phép nên đã ra Quảng trường Thời đại.
Bà Rita, vợ ông George Mendonsa, cũng là một trong những nhân chứng chứng kiến khoảnh khắc |
“Tôi không thấy anh ta đến gần. Và trước khi tôi kịp nhận biết thì tôi đã trong vòng tay anh ta”, bà Friedman kể lại với kênh CBS News năm 2012. Sau cái ôm và nụ hôn, bà và người thủy thủ ai đi đường nấy.
Điều điểm khác là trong bức ảnh cũng có cả bà Rita, khi đó là bạn gái, về sau trở thành vợ của ông Mendonsa. Bà Rita sau này kể lại rằng bà đã rất ngạc nhiên khi thấy chồng hôn một người phụ nữ khác, nhưng bà không hề giận ông. Còn ông Mendonsa năm 2012 thừa nhận đã uống rượu: “Sự hưng phấn vì chiến tranh kết thúc và men rượu đã dẫn đến việc tôi ôm chầm lấy cô ấy để hôn”.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Navy Times cùng năm, bà Friedman cũng cho biết bà không xem hành động của ông Mendonsa là hành vi quấy rối tình dục. Bởi theo bà, vào một ngày như ngày 14/8/1945, bà hiểu được sự háo hức, vui sướng của ông Mendonsa. “Tôi không nghĩ rằng có người nào lại có thể xem đó là một vụ tấn công tình dục. Đó là một sự kiện hạnh phúc”, bà nói.
Sau này, gia đình ông Mendonsa và bà Friedman duy trì quan hệ bạn bè thân thiết, thường xuyên gửi cho nhau những lời chúc mừng vào các dịp lễ. Năm 2016, bà Friedman qua đời, thọ 92 tuổi.