“Phất”lên nhờ đất
Ông Lê Phát Đạt trước đây có tên khai sinh là Lê Nhứt Sỹ(1841-1900), sinh ra trong một gia đình theo đạo Công giáo tại khu vực Cầu Kho(Sài Gòn) nhưng quê quán ông ở Bình Lập, (Tân An, Long An) lấy tên thánh là Philípphê.Vì gia đình khó khăn nên Lê Nhứt Sỹ đi làm nghề lái đò chở lương thực thuê cho dân làng. Về sau, có một linh mục (cố đạo) người Pháp tên là Moulin biết gia cảnh của Lê Nhứt Sỹ nên đã nhận Sỹ làm con đỡ đầu để nuôi cho ăn học. Gia đình Sỹ đồng ý cho theo vị linh mục này để nhập học trường dòng.
Lê Nhứt Sỹ học hết bậc tiểu học ở Sài Gòn rồi được linh mục Moulin gửi sang học ở trường dòng Penang, Mã Lai - nơi đào tạo những tu sĩ Công giáo cho xứ Đông Dương và các nước vùng Đông Nam Á. Vì thế sau này, ông rất thông thạo tiếng Latinh, tiếng Pháp, tiếng Hoa và chữ Quốc ngữ (khi ấy còn rất sơ khai).
Do trùng tên với một người thầy dạy nên người thầy đã đổi tên Lê Nhứt Sỹ thành Lê Phát Đạt. Sau khi về nước với vốn ngoại ngữ thông thạo, ông được chính quyền Nam Kỳ thuộc Pháp bổ nhiệm làm thông ngôn (phiên dịch viên), rồi làm Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ (từ năm 1880), phong huyện hàm nên ông bắt đầu được gọi là Huyện Sỹ.
Mặc dù đã đổi tên nhưng bà con lối xóm vẫn gọi ông bằng cái tên cúng cơm là Sỹ. Cũng bởi vậy, cái tên Huyện Sỹ Lê Phát Đạt đã gắn bó với số phận của ông. Mặc dù xuất thân trong một gia đình không quá giàu có nhưng đến đời của Lê Phát Đạt thì ông đã nhanh chóng trở thành người giàu có bậc nhất đất Sài Gòn.
Nhà thờ Chợ Đũi những năm đầu mới xây dựng (ảnh tư liệu). |
Tương truyền vào thời đó, dân cư bỏ ruộng đất đi tản mát khắp nơi tránh Pháp, chính quyền cho đấu giá rẻ mạt mà cũng không có người mua. Vì làm việc cho chính quyền nên bất đắc dĩ ông phải chạy chọt tiền bạc để mua liều, nào ngờ gặp may, ruộng đất ông mua trúng mùa liên tiếp mấy năm liền, ông trở nên giàu có.
Trong cuốn sách “Sài Gòn năm xưa”, học giả Vương Hồng Sển cho rằng, việc phất lên nhanh chóng của ông Lê Phát Đạt có không ít yếu tố may mắn: “Tương truyền buổi đầu, Tây mới qua, dân cư tản mác. Pháp phát mãi ruộng đất vô thừa nhận, giá bán rẻ mạt mà vẫn không có người đấu giá…Thế rồi, nài ép Lê Phát Đạt, ông bất đắc dĩ phải chạy bạc mua liều”.
Nào ngờ vận đỏ, ruộng trúng mùa liên tiếp mấy năm liền. Ông trở nên giàu có nhanh chóng. Mặc dù giàu có như vậy nhưng trong nhà ông Lê Phát Đạt có treo câu đối dạy đời: “Cần dữ kiệm, trị gia thượng sách/Nhẫn nhi hòa, xử thế lương đồ”.
Bên cạnh đó, cũng có những lời đồn rằng ngôi nhà lầu đồ sộ của Huyện Sỹ tại Tân An, nằm gần ngã ba sông Tân An và Bảo Định đã được cất trên thế đất hàm rồng nên gia đình ông trở nên giàu có, danh vọng bậc nhất thời đó.Tuy nhiên về sau, ông lại dành phần lớn gia sản cho hoạt động phát triển nông nghiệp và truyền bá đạo Công giáo.Bằng chứng là lúc sinh thời, ông đã bỏ tiền để xây hai ngôi nhà thờ ngay trên đất của mình là nhà thờ Chợ Đũi (ngày nay gọi là Nhà thờ Huyện Sỹ) ở quận 1 và Nhà thờ Chí Hòaở Gò Vấp.
Gia tộc giàu hơn cả Vua Bảo Đại
Sự giàu có của ông Huyện Sỹ được mô tả rằng: khi đang xây Nhà thờ Chợ Đũi, chính là Nhà thờ Huyện Sỹ theo yêu cầu của giáo dân vùng Bảy Hiền, người ta đã cắt bớt một gian giữa của nhà thờ này để lấy tiền đó xây Nhà thờ Chí Hòa.
Hai người con trai của Huyện Sỹ là kỹ sư Lê Phát Thanh cũng bỏ tiền ra xây Nhà thờ Hạnh Thông Tây, nằm ở góc Quang Trung – Lê Văn Thọ, Gò Vấp. Tất cả những ngôi nhà thờ này đều xây trên đất của Huyện Sỹ.Ngày nay, nếu đi bằng xe máy từ Nhà thờ Huyện Sỹ đến Nhà thờ Hạnh Thông Tây phải mất gần một tiếng, đủ thấy vùng đất của Huyện Sỹ mênh mông chừng nào.
Vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài, các con gồm có: Lê Thị Bính (mẹ của Nam Phương Hoàng hậu), Lê Phát An, Lê Phát Thanh, Lê Phát Vĩnh, Lê Phát Tân… đều kế nghiệp trở thành những đại điền chủ, có rất nhiều đất đai ở Tân An, Đức Hòa, Đức Huệ và Đồng Tháp Mười…Riêng trưởng nam của Huyện Sỹ là Lê Phát An được vua Bảo Đại phong tước An Định Vương. Ông Lê Phát An là người duy nhất trong lịch sử Nam Kỳ thuộc hàng dân dã, không là “hoàng thân, quốc thích” được lên ngôi vị cao quý nhất của triều đình.
Mức độ giàu có của gia đình Huyện Sỹ còn được đồn thổi là lớn hơn rất nhiều lần so với Vua Bảo Đại. Vậy nên mới có câu chuyện là vào năm 1934, nhân dịp gả cô cháu gái Nguyễn Hữu Thị Lan, tức Nam Phương Hoàng hậu về Huế, Lê Phát An đã tặng cho Nguyễn Hữu Thị Lan một triệu đồng tiền mặt để làm của hồi môn.Nếu quy đổi thì 1 triệu đồng lúc bấy giờ có giá vàng khoảng 50 đồng/lượng thì món quà này tương đương 20.000 lượng vàng. Gia đình Nguyễn Hữu Hào, cha của Nam Phương hoàng hậu, rể của Huyện Sỹ cũng được cho là giàu có hơn Bảo Đại. Bảo Đại lúc còn làm Vua luôn bị cho là tiêu tiền của nhà vợ.
Trước đây có một con đường ở phường 7, quận Tân Bình, TP HCM mang tên Lê Phát Đạt, gần nhà thờ Chí Hòa. Khoảng năm 2000, con đường này đổi tên thành đường Đặng Lộ. Sau có nhiều ý kiến phản đối nên chính quyền chia lại đường Đặng Lộ thành 2, cách nhau tại ngã tư đường Nghĩa Hòa (thường gọi là ngã tư Quốc tế) - 1 bên là Đặng Lộ từ Chử Đồng Tử đến Nghĩa Phát, bên kia từ Nghĩa Phát đến Dân Trí là Lê Phát Đạt.
Huyện Sỹ qua đời năm 1900, khi đó Nhà thờ Chợ Đũi vẫn chưa xây dựng xong. Còn vợ ông qua đời năm 1920. Sau đó, người ta đưa phần mộ hai ông bà an táng ở gian chái sau cung thánh của Nhà thờ Chợ Đũi.Nhà thờ này thể hiện một cách rõ nét sự giàu có của Huyện Sỹ Lê Phát Đạt, tính theo thời giá lúc bấy giờ là khoảng trên 30 nghìn đồng bạc Đông Dương.
Nhà thờ được khởi công xây dựng năm 1902 theo thiết kế của linh mục Bouttier, đến năm 1905 thì nhà thờ được khánh thành. Nhà thờ tọa lạc trên một khu đất cao và rộng hơn một mẫu, nằm ở góc đường Frère Louis (nay là đường Nguyễn Trãi) và Frère Guilleraut (nay là đường Tôn Thất Tùng).
Nhà thờ Huyện Sỹ dùng đá granite Biên Hòa để ốp mặt tiền và các cột chính điện, theo phong cách kiến trúc Gothic. Chính điện nhà thờ có vòm chịu lực dạng cung nhọn, tường có nhiều cửa sổ dạng vòm đỉnh nhọn và được trang trí bằng lớp kính màu ghép hình mua từ Ý. Nhà thờ Huyện Sỹ được đánh giá là có khuôn viên rộng rãi khoáng đãng nhất ở Sài Gòn, có chiều dài 40 m, chia làm 4 gian, rộng 18 m…
Ban đầu, Nhà thờ có tên là Nhà thờ Chợ Đũi do thuộc họ đạo Chợ Đũi. Mặt khác, do Thánh Philípphê tông đồ là bổn mạng của Huyện Sỹ nên còn được gọi là Nhà thờ Thánh Philípphê. Tuy vậy, dân gian vẫn gọi là Nhà thờ Huyện Sỹ và dần dần trở thành tên chính thức của Nhà thờ này.Cho đến nay, công trình này vẫn được xem là một điểm đến thu hút khách du lịch muốn tìm hiểu về cuộc đời của đại gia giàu có bậc nhất đất Sài Gòn xưa.