Làm thế nào để phân biệt giữa cúm A/H1N1 với cúm thông thường, những người nào dễ có nguy cơ mức bệnh này, cách phòng tránh ra sao...?. PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương giải đáp những câu hỏi này.
- Ông có thể cho biết, biểu hiện của cúm A/H1N1 như thế nào? Để phân biệt giữa cúm A/ H1N1 với các bệnh cúm thông thường, thường căn cứ vào các dấu hiệu gì ?
PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển |
Các biểu hiện đường hô hấp do vi rút cúm gây ra rất khó phân biệt với các bệnh do các tác nhân khác gây bệnh đường hô hấp. Tuy nhiên, trong vụ dịch cúm đã được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm thì đa số các trường hợp bệnh nhiễm trùng hô hấp trên là do vi rút cúm. Do đó, trong vụ dịch, phát hiện bệnh thường dựa vào đặc điểm dịch tễ học. Cách duy nhật để xác định căn nguyên của hội chứng cúm là xét nghiệm.
- Vậy cơ chế lây bệnh ra sao? Bệnh thường lây qua đường nào, thưa ông?
- Bệnh cúm là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh, có thể gây dịch và đại dịch. Bệnh lây lan qua đường hô hấp, qua không khí, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân... Vi rút vào cơ thể qua đường mũi họng. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đừơng hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh. Mọi người đều có khả năng cảm nhiễm cao với bệnh. Tỷ lệ cảm nhiễm với các chủng vi rút cúm mới rất cao, có thể lên tới 90% cả người lớn và trẻ em.
- Bệnh cúm A/H1N1 có thể tự khỏi hoặc có thể uống thuốc cảm cúm thông thường để chữa bệnh được không, thưa ông?
- Dựa trên các bằng chứng và kinh nghiệm trong thời gian qua, vi rút cúm A/H1N1 đại dịch 2009 đại đa số là thể nhẹ. Tỷ lệ tử vong của cúm A/H1N1 đại dịch tương tự như cúm mùa thông thường. Phần lớn những ca mắc cúm A/H1N1 đại dịch đều không biến chứng, bệnh có thể tự khỏi mà không cần phải điều trị. Sau khi bị bệnh sẽ có miễn dịch đặc hiệu với vi rút gây nhiễm. Tuy nhiên, thời gian miễn dịch thường không bền, phụ thuộc vào mức độ biến đổi kháng nguyên và số lần bị nhiễm trước đây và không có tác dụng bảo vệ đối với những típ vi rút mới.
Miễn dịch có được sau khi khỏi bệnh không bảo vệ được việc sau này khỏi mắc các biến chủng của vi rút cúm. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn biến nặng và gây tử vong ở nhóm người có nguy cơ cao.
- Bệnh cúm A/H1N1 có thể biến chứng nguy hiểm ra sao? Nhóm bệnh nhân nào dễ có nguy cơ biến chứng với dịch cúm này?
- Điểm khác biệt giữa cúm A/H1N1 đại dịch 2009 và cúm mùa thông thường là nó có thể gây bệnh nặng ở nhóm người trẻ tuổi, và nhóm người có nguy cơ cao (phụ nữ có thai, bệnh nhân mãn tính đường hô hấp, hen phế quản, tiểu đường…). Phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh ở nhóm người này là rất quan trọng.
- Thưa ông, năm nay, nguồn phát bệnh xuất phát từ đâu (cụ thể là 16 bệnh nhân bị cúm A/H1N1 vừa qua là do ăn phải thịt gia cầm bị bệnh hay lây từ nước ngoài về…?)
- Ở Việt Nam, cúm A/H1N1 đại dịch 2009 xuất hiện và lây lan thành dịch ở nhiều tỉnh, thành phố. Cúm A/H1N1 đại dịch 2009 là bệnh cúm của người, lây từ người sang người chứ không phải là lây từ gia cầm sang người. Thực chất vi rút cúm đã và đang tồn tại và lưu hành trong cộng đồng với các mức độ khác nhau theo thời gian.
PLVN