Theo vị chuyên gia, những tên lửa Zircon của Nga có tầm bắn cần thiết và có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ của NATO để tấn công các mục tiêu sâu ở Romania và Ba Lan.
Vị chuyên gia cũng bày tỏ hoài nghi về tuyên bố của Ukraine cho rằng nước có khả năng đánh chặn thành công tên lửa Zircon.
Ông Alexander Merkouris cũng cho rằng cả NATO lẫn Lực lượng vũ trang Ukraine đều không có khả năng giám sát các vụ phóng tên lửa Zircon.
Tên lửa siêu thanh Zircon do Hiệp hội Nghiên cứu và sản xuất chế tạo máy Reutov, một công ty con của Tập đoàn Tên lửa Chiến thuật của Nga thiết kế và sản xuất.
Truyền thông Nga trước đó từng dẫn tuyên bố từ đơn vị sản xuất khẳng định, hệ thống phòng thủ tên lửa của đối thủ có thể phát hiện ra tên lửa này khi nó đang bay nhưng không thể đánh chặn.
Lý do là bởi trong phần lớn quãng đường di chuyển, tên lửa Zircon sẽ bay ở độ cao vài chục km, đồng thời liên tục thay đổi quỹ đạo và cơ động.
Đầu đạn của tên lửa này tương đối nhỏ, chỉ khoảng 200 kg nhưng riêng động năng khổng lồ của nó đã đủ để phá hủy một con tàu mặt nước cỡ lớn, chưa kể đến sức mạnh của chất nổ thông thường hoặc hạt nhân.
Năm 2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bài phát biểu thường niên trước Quốc hội Nga khẳng định, tên lửa Zircon có khả năng di chuyển với tốc độ khoảng Mach 9, tức gấp 9 lần vận tốc âm thanh và có thể tấn công mục tiêu ở cự ly 1.000 km.
Tên lửa Zircon cũng được cho là có thể được sử dụng để chống lại bất kỳ tàu nổi nào, từ tàu khu trục nhỏ đến tàu sân bay, và bất kỳ mục tiêu trên bộ nào.
Đầu tháng 3 vừa qua, Tổng thống Nga Putin tuyên bố các lực lượng vũ trang Nga đã triển khai hệ thống tấn công trên biển mới nhất trong điều kiện chiến đấu.