Bên lề Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, trao đổi với báo chí, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) cho rằng, việc tổ chức tiêm vaccine cho người trẻ dưới 18 tuổi, chúng ta phải dựa vào cả khoa học cũng như điều kiện của xã hội. Khi chúng ta đủ vaccine tiêm cho các đối tượng ưu tiên như theo hướng dẫn thì lúc đó chúng ta sẽ tổ chức tiêm cho người trẻ.
Đối tượng đầu tiên nên chọn tiêm là từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi - độ tuổi học sinh cấp III. Những người này cơ thể phát triển hoàn chỉnh, nguy cơ mắc bệnh và khả năng tăng nặng tương đương với những người trên 18 tuổi. Do vậy, nên ưu tiên tiêm cho học sinh cấp III trước để các em được đi học, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng của cuộc đời.
Các học sinh cấp II (từ 12 tuổi trở lên), chúng ta nên tiêm những đối tượng có yếu tố nguy cơ. Các em mà bị béo phì, có bệnh nền thì nên tiêm vaccine. Còn các em khác thì tùy vào nguyện vọng của gia đình.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này vẫn tiếp tục duy trì học trực tuyến đối với cấp I, cấp II. Khi tiêm vaccine cho học sinh cấp III xong thì trường học nên mở cửa trở lại. Học sinh cấp 2 thì tùy theo tình hình, gia đình được tiêm 60 - 70% thì chúng ta mở cửa lại toàn bộ trường.
Đối với trẻ từ 0 đến dưới 3 tuổi, Đại biểu Hiếu cho rằng chưa nên tiêm. Vì trên thế giới đã thống nhất rồi, trẻ từ 12 - 18 tuổi rất rõ ràng độ an toàn và sự hiệu quả của vaccine. Nhưng dưới 12 tuổi thì vẫn còn đang nghiên cứu, chúng ta cũng chưa vội.
Theo Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, các nghiên cứu đang được tiến hành về tần suất và nguy cơ mắc COVID-19 ở trẻ em và thanh thiếu niên. Chúng ta biết rằng, trẻ em và thanh thiếu niên ở mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm và truyền virus. Tuy nhiên, bằng chứng đang phát triển cho thấy trẻ nhỏ hơn thì ít có khả năng bị mắc hơn và trẻ em nói chung ít bị bệnh nặng, ít tử vong sau khi mắc COVID-19 hơn so với các nhóm tuổi khác.
Chiến lược Tiêm chủng Toàn cầu được công bố gần đây có nêu, thanh thiếu niên (trẻ em trên 12 tuổi) cũng là nhóm chính để đạt được tỷ lệ bao phủ tiêm chủng 70%. Do đó, một khi tất cả các nhóm nguy cơ cao được tiêm chủng đầy đủ thì có thể thực hiện tiêm chủng cho trẻ vị thành niên (từ 12 tuổi trở lên) để giảm gánh nặng bệnh tật và nguy cơ xuất hiện biến thể mới.
Nhìn từ góc độ quyền học tập của trẻ em, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, điều này đã được quy định trong Hiến pháp và Luật Trẻ em. Quyền được đến trường không phụ thuộc hoàn toàn vào tình trạng tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.
Trong khi chưa tiêm vaccine đại trà cho các em thì địa phương có thể tổ chức lớp học chia ca, chia nhỏ, ngồi giãn cách, ra chơi không tiếp xúc gần, kết hợp với xét nghiệm hợp lý để phát hiện và xử lý kịp thời nếu có em bị F0. Điều quan trọng nhất hiện nay là độ phủ vaccine tăng lên thì giảm bớt việc giãn cách.
Tuy nhiên, cũng phải luôn trong tình trạng phòng COVID-19: Đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và theo dõi triệu chứng của các em. Trong lúc học, nên kết hợp giáo dục ý thức tự giác tuân thủ quy định phòng chống dịch, để các em biết tự giữ gìn và đề phòng lây nhiễm.