Nên trả điều hành giá cho thị trường quyết định?
Theo văn bản lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các vấn đề đưa ra rà soát bao gồm chu kỳ điều hành giá, quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu; quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối xăng dầu, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu…
Liên quan đến chu kỳ điều hành giá, ban đầu, theo quy định cũ, chu kỳ điều chỉnh là 15 ngày. Từ năm 2022, chu kỳ điều chỉnh được rút ngắn còn 10 ngày (điều chỉnh vào các ngày 1, 11, 21 của tháng). Tuy nhiên, thời gian vừa qua nhiều vấn đề phát sinh với thị trường xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã từng phát biểu trước Quốc hội rằng, chắc chắn sẽ thay đổi chu kỳ điều hành giá, thậm chí là điều hành hàng ngày.
Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Bùi Ngọc Năm khẳng định, điều hành hàng ngày thì khó, nhất là đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Bởi với DNNN, mỗi một lần điều chỉnh giá là phải dừng bán hàng để kiểm kê. Trong khi Petrolimex có 2.700 cửa hàng mà cứ dừng bán hàng để kiểm kê thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến việc mua bán. Nhưng không kiểm kê thì việc kiểm soát, giám sát sẽ gặp khó khăn. Quan trọng nữa là điều hành giá theo ngày trong điều kiện thị trường xăng dầu như hiện nay cũng rất rủi ro, vì có ngày biến động 5 - 10 USD/thùng.
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, hiện có nhiều ý kiến cho rằng nên điều chỉnh 3 ngày hoặc 5 ngày “nhưng không ai làm được, chúng ta phải nhớ thế. Chỉ có DN mới điều hành được việc đó. Nhà nước không thể nào làm thay DN được. Bởi cơ sở nào để điều chỉnh? Vấn đề là phải trả lại đúng quy luật thị trường, quy luật cung - cầu” - ông Bảo nói.
Ông Bảo cũng đưa ra ý kiến, rằng, Nhà nước chỉ quản lý ở mức chịu đựng khung giá, mức chịu đựng của nền kinh tế. Thời gian vừa qua, các bộ, ngành đã thực hiện tròn vai trách nhiệm của mình nhưng thị trường không thể theo điều hành, vì không có cơ chế nào phủ được dị biệt của thị trường. Liên quan đến vấn đề này, một chuyên gia trong ngành cũng cho rằng “nên trả lại việc điều hành giá cho thị trường, để thị trường tự điều tiết theo quy luật cung - cầu”.
Cần cơ chế điều tiết các mắt xích trong hệ thống
Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn chỉ còn khoảng 1,5 tháng nữa sẽ hết hiệu lực. Lúc đó, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu bắt đầu trở lại như trước đây (tức là không thực hiện việc giảm thuế mà xăng dầu trở lại với việc chịu mức thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng/lít đối với xăng, 2.000 đồng/lít đối với dầu), do đó, theo ông Bảo, nếu không bàn đến việc này sớm thì việc tăng trở lại sẽ càng khó cho DN. Tuy nhiên, trước mắt, nguyện vọng của DN là được tính đúng, tính đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu.
Theo Luật Giá, xăng dầu là một mặt hàng trong danh mục bình ổn. Nhưng Luật Giá quy định, kể cả nằm trong danh mục Nhà nước định giá thì cũng vẫn phải định giá để đảm bảo chi phí, lợi nhuận hợp lý cho DN. Đấy là nguyên tắc đầu tiên của Luật Giá nhưng trong bối cảnh hiện nay cần phải tìm ra phương thức hợp lý để vừa ổn định được chính sách vĩ mô vừa giúp DN có điều kiện kinh doanh hợp lý, có lãi.
“Chúng tôi có kiến nghị, để đảm bảo các DN nhập khẩu về không lỗ thì sử dụng quỹ bình ổn để bù đắp cho khoản lỗ. Đấy là biện pháp vừa dung hoà được giá bán cho người dùng và cũng là biện pháp cam kết với DN. Tuy nhiên, điều băn khoăn là cơ chế xử lý như thế liệu có đúng khi chưa có quy định” - ông Bảo nêu ý kiến.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, để các DN hoạt động kinh doanh xăng dầu có thể có được chi phí hợp lý, thì ngoài việc Bộ Tài chính xem xét sửa đổi định mức chi phí kinh doanh xăng dầu, các bộ, ngành cũng nên có kế hoạch dài hạn. Từ đó đưa ra quá trình điều chỉnh các định hướng phù hợp theo thời gian để đảm bảo DN có chi phí kinh doanh phù hợp với thực tiễn.
Ngoài ra, theo ông Thịnh cần phải có bài toán khác nữa. Đó là xem xét lại mối quan hệ giữa các chủ thể trong hệ thống kinh doanh xăng dầu hiện nay. Cần phải điều chỉnh như thế nào để đảm bảo tính công bằng đối với những DN được mua từ các DN và sản xuất trong nước với DN nhập khẩu, đảm bảo chi phí hợp lý nhất cho hai bên. Nếu cần thiết thì phải có điều chỉnh để giá nhập về phải tương xứng với giá mua trong nước để các DN bình đẳng với nhau. Ngoài ra, cũng cần phải có cơ chế cụ thể giữa DN đầu mối và DN cung ứng, bán lẻ để đảm bảo lợi nhuận cũng như hệ thống.
Tuy nhiên, ông Thịnh khẳng định, về lâu dài phải hướng đến kinh tế thị trường, ở đó Nhà nước chỉ định ra khung giá. DN cần được dần dần nới rộng việc quản lý để họ có quyền hoạt động độc lập, quyền quyết định về giá, quyền quyết định về chi phí. “Nếu ông nào tiết kiệm được chi phí thì ông đó được hưởng. Và chúng ta sẽ phải xây dựng thị trường xăng dầu từng bước, từng bước một” - ông Thịnh nói.