Nhận diện rào cản kinh tế
Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2020 - 2030: Suy thoái hay hưng thịnh” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Hiếu – Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Rồng Việt – cho rằng, nền kinh tế phát ra dấu hiệu khả quan phần lớn nhờ vào sự điều chỉnh các chỉ số của các nền kinh tế lớn: “Hầu hết các nền kinh tế lớn của thế giới đã giảm lãi suất xuống thấp nhất có thể, từ đó đẩy các chỉ số của Việt Nam lên cao. Tuy nhiên, đây cũng có thể coi là dấu hiệu mơ hồ cho những rủi ro. Vì các nhà chính sách đã thực sự phải dùng đến những công cụ cuối cùng để đối phó với sự suy giảm”- ông Hiếu nhìn nhận.
Tiến sĩ Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thì cho rằng: “Không chỉ riêng Việt Nam, nền kinh tế toàn cầu đang đứng trong giai đoạn quá độ”. Thách thức của nền kinh tế toàn cầu đến từ những xung đột chính trị, sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy và cả xu hướng chuyển đổi số, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo ông Thành, tại thời điểm hiện nay và trong những năm tới, thế giới có nhiều trăn trở biến động, rủi ro, vì thế tăng trưởng được dự báo vẫn đà đi xuống dù chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có tiếp tục hay ngừng.
Đối với Việt Nam, vị chuyên gia này nhận định: Bức tranh kinh tế Việt Nam hiện nay là sự chuyển động chính sách và cải cách với sự ổn định kinh tế vĩ mô cùng hồi phục tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tái cấu trúc nền kinh tế, hội nhập sâu rộng; tăng trưởng kinh tế kế hoạch 2016-2020 là trên 6,5%, ổn định kinh tế vĩ mô 5 năm gần đây tốt, dự trữ ngoại tệ trên 72 tỷ USD; thâm hụt ngân sách dưới 3,6%, lạm phát năm 2019 dưới 4%.
Tiến sĩ Thành cũng nhận định, hành trình phát triển kinh tế tiếp tục vướng phải những rào cản nhất định, điển hình như: Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế nhưng vẫn rất khó để phát triển lớn hơn; những vấn đề về môi trường, khoảng cách giàu nghèo tiếp tục đe dọa đến sự phát triển bền vững...
Doanh nghiệp cần đa dạng dòng vốn
Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng: Năm tới, kinh tế Việt Nam sẽ giảm tốc. Cuối năm 2020, đầu năm 2021, nếu khủng hoảng xảy ra cũng sẽ không lớn như giai đoạn 2008. Cũng theo chuyên gia này, 3 quý đầu năm 2019, tăng trưởng kinh tế Việt Nam là 6,8%, năm 2020, tất cả dự án Việt Nam tăng trưởng 6,6 đến 6,8%. Việt Nam vẫn có thể là điểm sáng nhưng để đạt được 7% là khó.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phụ thuộc tài chính lớn vào ngân hàng. Để đa dạng dòng vốn các doanh nghiệp có thể tìm đến các kênh huy động về trái phiếu và cổ phiếu: “Tăng trưởng toàn cầu chậm lại đang là rủi ro hàng đầu cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam và số liệu hàng tháng đang cho thấy tác động ngày một rõ ràng của rủi ro này. Dự báo năm 2020 tăng trưởng toàn cầu tiếp tục thấp và vì vậy xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ còn nhiều thách thức” – đại diện Công ty Chứng khoán SSI cho hay.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp không nên xây dựng chiến lược dài hạn mà nên làm ngắn và trung hạn, vì có quá nhiều rủi ro, biến động có thể xảy ra. Các doanh nghiệp nên thực hiện dự báo trong khoảng nhất định, có sự điều chỉnh thường xuyên.