Chuyển đổi số ngành ngân hàng: Cần có sự kết nối với các ngành, lĩnh vực khác

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu tham quan các gian trưng bày CĐS ngành Ngân hàng. (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu tham quan các gian trưng bày CĐS ngành Ngân hàng. (Ảnh: VGP)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Khẳng định ngành Ngân hàng là một trong các ngành tiên phong về chuyển đổi số, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý, ngành cần có sự kết nối, liên kết với các ngành, lĩnh vực khác để phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn.

25 triệu thông tin khách hàng được làm sạch

Với chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư (DLDC) trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS)”, hôm qua - 18/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức sự kiện Ngày CĐS ngành Ngân hàng năm 2023.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, thời gian qua, bám sát định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, nhờ sự phối hợp, hỗ trợ từ các bộ, ban, ngành liên quan cùng với sự chủ động tích cực của toàn ngành, phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục tinh thần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo với phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm, ngành Ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ sau 2 năm triển khai Kế hoạch CĐS (Quyết định 810/QĐ-NHNN) trên nhiều mặt.

NHNN đã quán triệt chỉ đạo triển khai tích cực Đề án 06, ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai số 01/KHPH-NHNN-BCA với Bộ Công an gồm 11 nhóm nhiệm vụ lớn và 35 nhiệm vụ cụ thể hướng tới việc ứng dụng DLDC để đem lại các tiện ích, lợi ích mới cho khách hàng.

Thống đốc cũng cho biết, hiện NHNN đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm sạch 25 triệu khách hàng thông tin tín dụng và phục vụ cho nhiều hoạt động nghiệp vụ khác. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các công nghệ số tiên tiến như dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo/học máy... nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm - dịch vụ mang tính cá nhân hóa cao, phù hợp với nhu cầu, hành trình khách hàng.

Nhiều TCTD đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực DLDC; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; làm sạch thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng DLDC…

Những kết quả này đã được minh chứng qua những thông tin nổi bật như: Nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; nhiều TCTD có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực CĐS, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang CĐS nỗ lực hướng tới; Khoảng 74,63% người trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng; 3,71 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở, trong đó hơn 70% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Bên cạnh đó, một số chỉ số đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra tại Kế hoạch CĐS ngành Ngân hàng như tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, tỷ lệ dịch vụ công của NHNN đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4,…

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chuyển đổi số

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của ngành Ngân hàng trong tiên phong thực hiện CĐS. “Ngành Ngân hàng là huyết mạch nền kinh tế, ngành Ngân hàng CĐS nhanh thì cả nước cũng CĐS nhanh” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời chia sẻ đây là lần thứ hai Phó Thủ tướng tham dự Sự kiện CĐS ngành Ngân hàng: “Qua 2 lần trải nghiệm, trực tiếp chứng kiến các sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng, tôi thật sự ấn tượng về những thành quả mà Ngành đã đạt được. Chỉ trong thời gian chưa đến 1 năm, từ tháng 8/2022 đến nay, các đồng chí đã có thêm rất nhiều sản phẩm, dịch vụ mới…” - Phó Thủ tướng chia sẻ.

Trong phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại sự kiện CĐS ngành Ngân hàng năm 2022. Đó là CĐS cần chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động, triển khai rộng khắp nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; làm thực chất, hiệu quả, tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí; CĐS phải lấy người dân, DN làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn, không phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ phiền hà cho người dân, DN.

Phó Thủ tướng đề nghị, phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng tiếp tục quán triệt, thống nhất, quyết liệt tổ chức triển khai tốt những nội dung như: Xây dựng, cải cách thể chế; Đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng số; Bảo đảm về an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, CĐS lấy người dân là trung tâm, là chủ thể nên cần có sự kết nối, liên kết giữa ngành Ngân hàng - cụ thể là các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán với các ngành, lĩnh vực khác, nhất là kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy người dân, DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt.

“Do vậy, NHNN cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu, thiết lập hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thống nhất nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy kết nối liên thông, mang lợi ích tổng thể cho người dân, DN…” - Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ. Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp với NHNN thúc đẩy kết nối, trao đổi dữ liệu để phát triển hệ sinh thái số các dịch vụ ngân hàng và ngoài ngân hàng, mang lại giá trị mới và lợi ích thiết thực cho người dân, DN.

Trong khuôn khổ sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2022, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) đã giới thiệu thí điểm ứng dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chip trong giao dịch với ngân hàng và tiếp tục giới thiệu mô hình Ngân hàng số (Agribank Digital).

Bên cạnh mô hình Agribank Digital đang triển khai, hiện Agribank đang thử nghiệm và sẽ triển khai theo lộ trình ứng dụng CCCD gắn chip vào hoạt động giao dịch. Với hình thức này, khách hàng đến Agribank giao dịch chỉ cần chọn dịch vụ và ký duy nhất 1 chữ ký mà không cần viết hay điền bất kỳ thông tin gì bằng tay. Việc mở tài khoản, phát hành thẻ, đăng ký dịch vụ Agribank E-Mobile banking, cho đến vay vốn hay nộp tiền vào tài khoản… đều được thực hiện rất nhanh chóng, an toàn với độ chính xác cao do thông tin khách hàng được hệ thống “đọc” qua chip và được xác thực trực tiếp với cơ sở dữ liệu công dân của Bộ Công an. Trước đây, với phương thức giao dịch truyền thống, thời gian thực hiện trung bình khoảng 20 - 25 phút, nay khách hàng chỉ mất từ 4 - 5 phút để hoàn tất giao dịch.

Với hơn 20 triệu khách hàng sử dụng tài khoản tiền gửi thanh toán, hơn 15 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ điện tử và 4 triệu khách hàng vay vốn, Agribank luôn tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình kinh doanh mới, nâng cao trải nghiệm của khách hàng trên cơ sở hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ ngân hàng số đột phá.

Đọc thêm

Thay đổi nhân sự ngành Thuế

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận trao quyết định và chúc mừng ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng
(PLVN) - 2 vị trí Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) và Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) đã được hoán đổi giữa ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng.

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?
(PLVN) - Các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa thông qua phiên livestream thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo nguyên tắc: tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm và xuất hóa đơn đầy đủ khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Hoàn thuế GTGT: Nhận diện khó khăn, thách thức

Thời gian qua nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ gặp khó trong hoàn thuế GTGT vì phải truy xuất đến F0, F1...
(PLVN) - Mặc dù từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế (CQT) đã giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho hơn 15 nghìn hồ sơ với tổng số tiền hơn 115 nghìn tỷ đồng, bằng 112% so với số hoàn cùng kỳ năm 2023, song công tác hoàn thuế vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức…