Chuyển đổi số - “chìa khóa” để Bình Định bứt phá

PC Bình Định ứng dụng trung tâm điều khiển đã đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng. (Ảnh: Đình Phùng)
PC Bình Định ứng dụng trung tâm điều khiển đã đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng. (Ảnh: Đình Phùng)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hơn 2 năm qua, với sự đồng lòng của hệ thống chính quyền, các ngành, các cấp và người dân, tỉnh Bình Định đã có nhiều bước đi hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

“Trái ngọt” cho sự khởi đầu

Hiện nay, tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, lãnh đạo đơn vị, phòng, ban, chuyên viên đều được cấp các tài khoản xử lý văn bản 100% trên môi trường điện tử. Việc sử dụng công nghệ số và quá trình tự động hóa đã giúp Sở nâng cao hiệu suất làm việc, tiết kiệm thời gian. Hơn nữa, công việc có thể được thực hiện nhanh chóng hơn và dễ dàng hơn thông qua xử lý tự động, chia sẻ thông tin trên các nền tảng điện tử.

Ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết: “Hiện nay, với chuyển đổi số, Sở có từ 150 - 200 văn bản đến và đi trong một ngày. Các văn bản đó sẽ được chuyển tiếp trên hệ thống tới chính xác từng phòng, ban để bộ phận có trách nhiệm xử lý theo đúng thời hạn yêu cầu và làm việc không chỉ giới hạn trong giờ hành chính”.

Cũng theo ông Phúc, các công nghệ ứng dụng trong chuyển đổi số nông nghiệp như: Big Data, công nghệ sinh học đã giúp phân tích dữ liệu về môi trường, đất đai, ánh sáng và chất lượng các loại cây trồng. Từ đó, người nông dân có quyết định đúng đắn hơn về lượng phân bón, thời gian canh tác, phun thuốc bảo vệ thực vật…

“Với chuyển đổi số, việc cấp mã số vùng trồng không chỉ giúp tiêu thụ hàng hóa ổn định hơn, mà còn từng bước chuẩn hóa hoạt động trồng trọt, đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó, thúc đẩy các chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu, hạn chế rủi ro từ việc cung vượt cầu, được mùa, mất giá”, ông Phúc cho biết.

Nhân viên Điện lực PC Bình Định hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng app chăm sóc khách hàng của ngành điện. (Ảnh: Đình Phùng)

Nhân viên Điện lực PC Bình Định hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng app chăm sóc khách hàng của ngành điện. (Ảnh: Đình Phùng)

Trong khi đó, ông Thái Minh Châu - Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định (PC Bình Định) khẳng định, chuyển đổi số đã và đang mang lại một diện mạo khác biệt cho ngành. Chuyển đổi số đã cải cách dịch vụ của điện lực để PC Bình Định không thua gì các doanh nghiệp cạnh tranh, thậm chí làm tốt hơn họ.

Theo ông Châu, trước đây, mỗi trạm biến áp 110kV có khoảng 9 lao động trực, 15 trạm phải cần khoảng 150 lao động có mặt thường xuyên 24/24h tại vị trí trạm. Bây giờ, trung tâm điều khiển của PC Bình Định đã kết nối với tất cả trạm biến áp 110kV trên địa bàn. Với việc thiết lập kênh kết nối tự động, hướng đến lưới điện thông minh, toàn bộ trạm biến áp 110kV đã chuyển thành trạm không người trực. Hiện chỉ cần 2 người/ca thay thế toàn bộ lực lượng lao động trước đây, phục vụ công tác đi kiểm tra luân phiên.

Ngoài ra, công tơ điện tử kết nối hệ thống cũng đã thay thế toàn bộ nhân sự trực tiếp đi ghi chỉ số công tơ hằng tháng. Với gần 500.000 khách hàng, trước đây, PC Bình Định có 300 người chuyên đi ghi chỉ số công tơ hàng tháng. Chưa kể, sai số trong ghi chép bằng tay có thể xảy ra. Hiện tại, các chỉ số công tơ được gửi lên hệ thống nhanh chóng, chính xác, loại trừ rủi ro chênh lệch dữ liệu cho khách hàng.

“Nói một cách tổng thể, PC Bình Định hiện có khoảng 750 lao động. Nếu không có chuyển đổi số thì tổng số cán bộ, công nhân viên ngành điện phải gấp 3 lần con số hiện nay. Ở chiều ngược lại, cách đây 10 - 15 năm, chúng tôi từng có 900 người nhưng khối lượng quản lý khách hàng, sản lượng điện cung cấp chỉ bằng 1/3 hiện tại. Như vậy, lao động thì giảm nhưng khối lượng quản lý gấp 3 - 5 lần ngày trước. Đây là hiệu quả rõ nhất khi ứng dụng chuyển đổi số”, ông Châu chia sẻ.

Xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số ở Bình Định đã có bước phát triển đột phá. (Ảnh: Dũng Nhân)

Xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số ở Bình Định đã có bước phát triển đột phá. (Ảnh: Dũng Nhân)

PC Bình Định ứng dụng trung tâm điều khiển, chương trình tự động hóa lưới điện đã đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Ví như một khu vực bị sự cố mất điện, tín hiệu sẽ báo trên chương trình phần mềm. Hệ thống sẽ tự động tính toán phương án tối ưu để đóng đường dây, cô lập khu vực đó. Mục tiêu là trong thời gian chờ nhân viên điện lực tới hiện trường khắc phục sự cố, diện tích bị mất điện ít nhất.

“Cách đây 5 năm, thời gian mất điện trung bình của một khách hàng tới 700 - 800 phút/năm mùa bão lụt. Hiện nay, con số này chỉ còn khoảng 100 phút, cải thiện rất nhiều. Thông qua phần mềm, người dân cũng có thể kiểm soát mức điện tiêu thụ hay sự minh bạch trong mua bán điện giữa ngành điện với khách hàng thông qua nội dung các hợp đồng điện tử… Rõ ràng, môi trường số giúp giao tiếp giữa khách hàng với ngành điện gần gũi, minh bạch, rõ ràng hơn”, ông Châu cho biết.

Chính quyền số có bước phát triển đột phá

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định khóa XX đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20/9/2021 về chuyển đổi số tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là văn bản quan trọng, định hướng để cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh chung sức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số với 3 trụ cột chính, gồm: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Thời gian qua, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch, với mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện việc chuyển đổi số như: tổ chức các hội nghị, tập huấn về chuyển đổi số nhằm đổi mới tư duy, nhận thức về chuyển đổi số; hoàn chỉnh cơ chế, chính sách; phát triển hạ tầng số, nền tảng số; đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng số cho người dân thông qua tổ công nghệ số cộng đồng…

Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, hiện nay, tỉnh đã và đang xây dựng 13 cơ sở chuyên ngành phục vụ chuyển đổi. Đồng thời, hạ tầng công nghệ thông tin cấp xã cơ bản ổn định, riêng một số địa phương có mạng máy tính nội bộ theo địa bàn ở mức trung bình như: TP Quy Nhơn, các huyện Phù Mỹ, Vân Canh, Vĩnh Thạnh.

Quá trình chuyển đổi số đã nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin; bước đầu triển khai các ứng dụng, xây dựng chính quyền điện tử và đã triển khai hiệu quả hệ thống phần mềm quản lý văn bản tại 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các Bộ, ngành Trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia…

Chuyển đổi số giúp nông dân Bình Định từng bước chuẩn hóa hoạt động trồng trọt, đáp ứng nhu cầu thị trường. (Ảnh: Đình Phùng)

Chuyển đổi số giúp nông dân Bình Định từng bước chuẩn hóa hoạt động trồng trọt, đáp ứng nhu cầu thị trường. (Ảnh: Đình Phùng)

Đến nay, cổng dịch vụ công của tỉnh Bình Định đã kết nối với 5 cơ sở dữ liệu chuyên ngành, gồm: cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp; cơ sở dữ liệu về bảo hiểm; hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch; hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách.

Bình Định cũng triển khai trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) với 8 dịch vụ, gồm: phản ánh hiện trường; giám sát, điều hành giao thông; an ninh trật tự đô thị; giám sát thông tin trên môi trường mạng; giám sát an toàn thông tin; bảng điều khiển tổng hợp giám sát, điều hành; hệ thống giám sát dịch vụ công; hệ thống thông tin kinh tế - xã hội. Hiện tại, các dịch vụ hoạt động ổn định, phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành; hệ thống hội nghị truyền hình của tỉnh và huyện đã kết nối liên thông phục vụ các phiên họp 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã.

“Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có bước phát triển đột phá, quan trọng. Lãnh đạo, cán bộ, công chức các cấp từ tỉnh đến xã cơ bản thay đổi nhận thức, tư duy, thói quen làm việc từ hành chính, giấy tờ sang chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử”, ông Phạm Anh Tuấn cho biết.

“Mục tiêu chung đến năm 2025, tỉnh cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn, đưa Bình Định trở thành địa phương thuộc nhóm khá trong cả nước về chuyển đổi số; xây dựng thành công chính quyền số; công nghệ số được ứng dụng toàn diện trong mọi lĩnh vực, thay đổi tích cực đến phương thức sống, cách làm việc của người dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết.

Đọc thêm

Tín dụng chính sách góp phần đưa Quảng Bình phát triển toàn diện

Tín dụng chính sách góp phần đưa Quảng Bình phát triển toàn diện
(PLVN) - Nhờ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), người dân nghèo tỉnh Quảng Bình có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế. Nguồn vốn tín dụng chính sách trở thành “đòn bẩy” giúp người dân phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững, từng bước làm giàu, bảo đảm an sinh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới.

Quảng Ninh phát huy tinh thần 'Kỷ luật - Đồng tâm' - Bài cuối: Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ tới

Ông Vũ Đại Thắng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh khóa XIV.
(PLVN) - Mới đây, tại Kỳ họp thứ 23 (Kỳ họp thường lệ cuối năm), HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV đã biểu quyết thông qua các Nghị quyết quan trọng để cụ thể hóa mục tiêu tổng quát đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định tại Nghị quyết số 31-NQ/TU ngày 02/12/2024 về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 với chủ đề công tác năm là “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới”.

Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai 'phát lệnh' tấn công trấn áp tội phạm dịp tết Ất Tỵ

Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai 'phát lệnh' tấn công trấn áp tội phạm dịp tết Ất Tỵ
(PLVN) - “Các đơn vị thuộc công an tỉnh huy động tối đa lực lượng, phương tiện, đồng loạt ra quân tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện dịp cuối năm phục vụ Nhân dân vui Xuân, đón Tết an toàn, bình yên”, Đại tá Nguyễn Hồng Phong – Giám đốc công an tỉnh Đồng Nai chỉ đạo trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm.

Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang trao nhà đại đoàn kết và tặng quà gia đình chính sách

Đoàn công tác bàn giao nhà đại đoàn kết tại huyện An Minh, Kiên Giang.
(PLVN) - Nằm trong chuỗi hoạt động nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2024); Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang vừa đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVT và bàn giao nhà đại đoàn kết trên địa bàn huyện An Minh và TP Rạch Giá (Kiên Giang).