Chánh Tín hạnh phúc bên Thủy Trúc. |
10 năm vực dậy
Nguyễn Chánh Tín, sinh năm 1987 ở Tam Quan, Hoài Nhơn, Bình Định. Tôi “gặp” Tín lần đầu trên trang facebook cá nhân, khi chàng trai liệt tứ chi sau một tai nạn giao thông năm 20 tuổi chuẩn bị ra hồi ký “Tôi chọn sống”, kể về 10 năm Tín tự giành lại sự sống cho mình. Tín “ trò chuyện” qua khung “chát” bằng ngón tay duy nhất có thể cử động được, nhưng tốc độ không khác người bình thường.
Đã hơn 10 năm trôi qua, từ ngày Nguyễn Chánh Tín gặp biến cố cuộc đời. “Có những đêm, tôi thầm ước rằng, sáng mai tỉnh dậy sẽ có một đôi tay lành lặn như bao người. Nhưng đó là cuộc đời mỗi người. Ai cũng cần thích nghi, biết chấp nhận mọi rào cản. Một khi đã vượt qua nỗi đau, sự sợ hãi, học được cách nhìn về phía trước, tập trung vào những điều tích cực, chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy giải pháp, mở ra con đường riêng cho bản thân. Dù chưa thể thành công như mong đợi, nhưng tôi luôn tự hào về những gì mình đã, đang và sẽ làm. Kể từ khi gặp tai nạn, tôi vẫn luôn tự chủ về tài chính. Thân xác tôi có thể phải nằm trong bốn bức tường, nhưng tâm hồn và tinh thần tôi thì không”, Tín chia sẻ.
Thời điểm trước tai nạn, Tín đã vực dậy thành công một doanh nghiệp từ phá sản đến làm ăn khấm khá, kiếm thêm được nhiều dự án mới. Tín miệt mài làm ngày, làm đêm với mong muốn về một cuộc sống đổi đời, có thể đón được cha mẹ từ miền quê nghèo vào TP HCM sinh sống. Nhưng rồi, tai nạn bất ngờ xảy đến, khiến Tín bị liệt tứ chi...
Một đêm tháng 10 năm 2010, trên đường từ nơi làm việc về nhà, mưa lớn khó quan sát, xe máy của Tín va vào rào chắn thi công, cả người và xe văng xa. Khi tỉnh lại, Tín mới biết đã nằm bất động ở đó chừng 1 tiếng đồng hồ đến khi có công an tuần tra phát hiện đưa đi cấp cứu.
Sau 3 tháng gặp biến cố, gia đình đưa Tín về quê, cũng là vào 27 Tết năm 2011, cái Tết đầu tiên ngồi xe lăn. Và cũng là lần đầu tiên, Tín thấy tay chân của mình bỗng thừa thãi khi không thể cử động được. Những đồng tiền cuối cùng đã cạn kiệt, phải vay mượn ngân hàng cho việc chữa bệnh, Tín bắt đầu lại suy tính hướng làm ăn.
Ở quê nhà, Tín bắt đầu lại với công việc mua bán điện thoại. Đến cuối năm 2011, biết đến Facebook, Tín bắt đầu bán đặc sản Bình Định online. Sau khi dồn được một khoản tiền kha khá, Tín lại đầu tư vào kinh doanh điện thoại...
Tưởng rằng ông trời không lấy đi của ai tất cả khi thời điểm ấy Tín vẫn còn một người bạn gái chung thủy. Thời điểm Tín gặp sự cố, cô vẫn ở lại bên anh, động viên anh về một tương lai tươi sáng. Tín cứ ngỡ người đó sẽ trở thành bạn đời của mình, nhưng sau đó hai người chia tay. Vài tháng sau, cửa hàng của Tín còn bị mất toàn bộ hàng hóa cùng số tiền anh dành dụm được. Thương hoàn cảnh của anh, bà con hàng xóm đã quyên góp khoảng 7 triệu đồng để anh có thể bắt đầu kinh doanh lại.
Thủy Trúc bên mẹ của Chánh Tín. |
“Tôi chọn sống”
Lần cuối cuốn sách, Tín dành riêng 1 chương viết về mối tình đặc biệt của anh với người con gái dũng cảm Nguyễn Thủy Trúc. Suốt một năm, Nguyễn Thủy Trúc, 31 tuổi, hàng chục lần vượt 700km từ TP HCM về Bình Định thăm bạn trai. Quãng đường đi về mỗi lần mất gần 30 giờ.
Lần đầu tiên một mình về Bình Định, Thủy Trúc bước thật chậm và dừng trước cổng nhà Nguyễn Chánh Tín, người bạn trai cô mới chỉ biết qua mạng. Trúc bước vào nhà, đi tới chiếc giường nơi Tín đang nằm: “Em về thăm anh rồi nè”. Cảm nhận ngón tay còn cử động được của Tín run rẩy khi chạm vào mình, Trúc vừa buồn cười, vừa thương. “Lần đầu gặp mặt anh nhưng tôi thấy thân thuộc như gặp người thân”, Trúc nhớ lại…
Trúc và Tín biết nhau năm 2018 khi cô mua hàng online của Tín trên mạng. Ban đầu, cô không biết tình trạng sức khỏe của anh. Vài ngày sau, Tín nhắn tin hỏi khách hàng sản phẩm sử dụng tốt hay không rồi câu chuyện giữa hai người cứ thế không dứt. Cô gái mở lòng kể về những tổn thương trong tình yêu. Tín cũng kể với cô về cuộc đời bão tố và tình trạng hiện tại của mình. Dẫu vậy, lần đầu Trúc gọi video nói chuyện, anh tránh xuất hiện trên màn hình.
Một lần, Tín nửa đùa, nửa thật: “Nếu anh lành lặn, em có thương anh không?”. Cô gái quê Bến Tre đáp: “Có”. Sau hai ngày trằn trọc, Tín nhắn thêm: “Anh thế này em có thương không?”. Câu trả lời của cô gái vẫn không đổi. Chàng trai khựng lại. “Nếu thế mình dừng ở đây đi. Anh không muốn cả hai phải khổ”, Nguyễn Chánh Tín nói với cô gái.
Nghe câu nói chứa đầy mặc cảm của Tín, Trúc khóc, đòi về quê gặp anh rồi mới quyết định. Về nhà Tín, sau ngày đầu quan sát, Thủy Trúc bắt đầu phụ mẹ Tín chăm sóc anh. Lúc mặc áo cho anh, một tay Tín giơ lên được, tay kia phải phụ đỡ lên khiến Trúc bối rối. Hai lần cởi ra mặc vào, cô vẫn mặc ngược cho anh. “Cô ấy cười rồi mặc lại chứ chẳng có chút gì bực dọc. Nhiều bạn bè tới thăm tôi vẫn giữ khoảng cách, còn Trúc thì khác. Cách quan tâm của cô ấy giúp tôi tin đó là một tình yêu thật lòng”, Tín nói.
Con trai vui, nhưng bà Bích Thư, mẹ anh thì lo sợ. Bà lo cô gái không đủ kiên nhẫn sẽ bỏ rơi Tín giữa chừng, khiến con trai bà một lần nữa suy sụp. “Tại sao con lại chọn con trai bác? Đến trở mình nó cũng không làm được, liệu con có chăm sóc được cho nó không?”, người mẹ hỏi. “Có lẽ kiếp trước con nợ anh Tín nên kiếp này con mới thương anh nhiều vậy”, cô gái đáp.
Trúc về TP HCM, hứa một tháng sẽ trở lại thăm anh. Nhưng 20 ngày sau đã có mặt ở Bình Định. Lần này, cô tự tay chăm sóc anh như một người đã quen việc từ lâu. Bà Bích Thư vẫn nhớ vài lần đầu Trúc về, bà còn ở bên phụ, nhưng sau đó Trúc bảo “Má cứ để tụi con tự lo”. “Con bé hiền dịu, hay nói, hay cười. Nó là cái phước của thằng con tui”, người mẹ nói.
Tín cũng xin gặp gia đình Trúc, nhưng người nhà cô im lặng. Em gái Thủy Trúc cũng không nói chuyện khi biết chị yêu một chàng trai khiếm khuyết. Biết gia đình bạn gái im lặng nghĩa là cự tuyệt mình, Tín tủi thân, còn Trúc khóc nhiều vì cảm giác có lỗi với cha mẹ. Nghĩ rằng mình không thể vượt qua được sức cản của gia đình, hai người đành nói lời chia tay. “Chưa đầy một ngày, chúng tôi đã thấy thiếu nhau. Tôi nói với anh Tín thay vì cố gắng thuyết phục ba mẹ, hãy im lặng. Khi gia đình thấy tôi hạnh phúc, họ sẽ đón nhận anh”, cô gái kể.
Chánh Tín khi chưa bị tai nạn. |
Tháng 7/2020, Thủy Trúc đón bạn trai lên TP HCM, bắt đầu cùng nhau tự lập. Cũng từ đây, cô gái là nhân viên văn phòng chính thức nghỉ việc, thay mẹ Tín chăm sóc anh toàn thời gian. Nơi đầu tiên họ đặt chân đến không phải một tổ ấm như các đôi tình nhân khác, mà là bệnh viện. “Chúng tôi xác định nếu đi cùng nhau, Trúc phải học cách chăm sóc một người bệnh nên dành ba tháng để cùng làm quen. Còn nếu Trúc không chịu được mà buông tay, tôi cũng không trách mà từ viện bắt xe khách về thẳng quê”, Tín nói. Anh gọi đây là “khóa học” cho cả hai người.
Kết thúc ba tháng, Nguyễn Thủy Trúc “tốt nghiệp xuất sắc”. Cô cùng bạn trai dọn về căn hộ cho thuê ở quận 7. Ở đó, hàng ngày, cô gái trẻ chăm sóc Tín, còn anh tập trung viết sách, bán hàng online, tư vấn tâm lý và truyền cảm hứng sống cho mọi người.
Năm 2021, anh hoàn thành cuốn tự truyện mang tên: “Tôi chọn sống” gồm 29 chương, ghi lại biến cố và những cột mốc trong cuộc đời của anh. Nghẹn ngào nói trong nước mắt, Tín gửi gắm đôi lời đến bố mẹ Trúc: “Con cầu mong bố mẹ biết tụi con rất thương nhau, mong bố mẹ hãy chấp nhận tình yêu của chúng con để chúng con có cuộc sống trọn vẹn hơn. Con đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều, dù là một người khuyết tật nhưng tâm trí con lúc nào cũng là một người bình thường. Con tự tin sẽ cho Trúc cuộc sống không quá thua thiệt với những người phụ nữ khác. Mong bố mẹ hãy đón nhận con. Con tự tin sẽ trở thành một người đàn ông mà Trúc có thể tựa vào những lúc cô ấy cảm thấy mệt mỏi”…
Tưởng rằng tương lai của Tín sẽ khép lại nhưng sau 10 năm chiến đấu với bệnh tật và không từ bỏ khát vọng làm giàu, Nguyễn Chánh Tín hôm nay đã làm chủ một cửa hàng. Tín đã viết lên câu chuyện về cuộc đời mình với mong muốn truyền động lực cho người khuyết tật khác. 50% lợi nhuận từ cuốn sách, Tín dùng để làm thiện nguyện.