Tôi đã không thể đọc hết lá thư này vì nó mang lại cho người đọc cảm giác quá thật, quá đau đớn. Bất giác trong mắt tôi lại hiện lên hình ảnh của chú gấu mang tên Nhí Nhố mà tôi đã từng gặp trong một lần đến thăm “Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình”.
Nhí Nhố là một cá thể gấu ngựa cái, bị cụt cả hai bàn chân trước. Đằng sau đôi bàn chân cụt mà giờ đây đang khó nhọc cầm nắm thức ăn đó là cả một câu chuyện dài đẫm nước mắt của một giống loài động vật và cả về sự tàn ác của con người. Như mọi con gấu khác, Nhí Nhố cũng có gia đình, có cha gấu, mẹ gấu. Nhưng tuổi thơ thay vì tự do trong cánh rừng cùng cha mẹ, học cha cách leo cây lấy mật mà không bị ngã, học mẹ cách bới tìm củ quả để trưởng thành thì Nhí Nhố lại bị bắt phải rời xa khỏi môi trường sống. Từ khi còn rất nhỏ, Nhí Nhố đã bị bán cho một trại gấu ở Ninh Bình để nuôi lấy mật. 12 năm ròng bị nuôi nhốt trong chiếc chuồng sắt chật hẹp, Nhí Nhố trải qua những ngày tháng tối tăm trong cũi sắt chật hẹp và thường xuyên phải đối mặt với nỗi đau đớn vì bị lạm dụng chích hút mật. Đã thế, Nhí Nhố không thể đi lại bình thường bằng bốn chân như những đồng loại của mình vì chú đã mất hai bàn chân trước. Nhí Nhố mất chân vì do dính bẫy của thợ săn hay do bị con người nhẫn tâm cắt rời để bán cho người có nhu cầu chế biến món ăn hoặc ngâm rượu thuốc? Dù là nguyên nhân nào thì đó cũng là nỗi đau không thể nói được bằng lời của một chú gấu mang cái tên thật vui vẻ - Nhí Nhố. Hình ảnh chú gấu cụt hai chân trước khó nhọc cầm nắm thức ăn cứ ảm ảnh tôi mãi...
Và hôm nay, cảm giác ám ảnh đau đớn lại trở về khi tôi đọc lá thư “Linh hồn của gấu” em Nguyễn Thị Thuận học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Thị Định, TP Đà Nẵng viết để tham gia cuộc thi mang tên “Viết cho chủ gấu” do Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) phát động năm 2018 nhân Ngày Gấu Việt Nam.
Chân dung các em học sinh đạt giải cuộc thi |
Hơn 97.000 bức thư vì gấu
Con số chính xác là đã có 97.184 bức thư đến từ 910 trường THCS và THPT trên cả nước tham dự cuộc thi nhằm kêu gọi các chủ gấu chấm dứt việc nuôi nhốt gấu lấy mật và chuyển giao gấu đến các trung tâm cứu hộ. Bà Nguyễn Thị Phương Dung - Phó Giám đốc ENV cho biết: “ENV rất bất ngờ và vui mừng trước sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với công tác bảo vệ gấu. Những “tâm thư” được các em viết gửi đến chủ gấu với mong muốn cho gấu một cuộc sống tốt đẹp hơn tại các trung tâm cứu hộ rất đáng trân trọng”.
Những bức thư gửi cho các chủ gấu được thể hiện theo nhiều phong cách khác nhau; có bức thư là lời tâm sự của một cô con gái gửi bố là chủ nuôi gấu; có bức thư được thể hiện như một bản luận tội đanh thép mà gấu gửi đến kẻ giam cầm mình; có bức thư lại là những vần thơ chan chứa tình cảm của gấu con bị chia lìa khỏi gia đình; có bức thư tác giả gửi từ trong tương lai cho chính mình chứa đựng nhiều sự day dứt, ân hận…
Cũng theo bà Dung, năm 2005, Việt Nam có khoảng 4.300 cá thể gấu bị nuôi nhốt trên khắp cả nước. Từ thực tế này, cùng năm đó, Chính phủ Việt Nam triển khai chương trình đăng ký và gắn chíp điện tử cho gấu nuôi nhốt nhằm từng bước chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. Bất kỳ cá thể gấu mới nào phát sinh sau thời điểm đăng ký trên được coi là bất hợp pháp và cần phải bị tịch thu. Tổng số gấu nuôi nhốt ở Việt Nam hiện nay, không kể gấu ở các trung tâm cứu hộ là khoảng gần 700 cá thể. Tính đến nay, cả nước đã có 26 tỉnh, thành không còn gấu nuôi nhốt. Con số này là 34 nếu tính cả những tỉnh, thành chỉ còn gấu tại các cơ sở du lịch sinh thái hoặc vườn thú. Chỉ riêng trong năm 2019, 31 cá thể gấu đã được tịch thu hoặc tự nguyện chuyển giao đến các trung tâm cứu hộ. Theo một nghiên cứu của ENV công bố năm 2015, nhu cầu tiêu thụ mật gấu ở Việt Nam năm 2014 đã giảm trên 60% so với 5 năm trước đó…
Với bức thư “Linh hồn của gấu” em Nguyễn Thị Thuận đã đạt giải Nhì khối THCS. Em cho biết: “Em đã mong đợi một cuộc thi như thế này từ rất lâu rồi vì hàng ngày em rất thích tìm hiểu về động vật hoang dã (ĐVHD) và vô cùng bức xúc khi được xem cảnh gấu bị chích hút mật. Vì vậy, cuộc thi này chính là cơ hội để em trải lòng mình và nói thay nỗi niềm của gấu nói riêng và ĐVHD nói chúng”. Có thể thấy nỗi bức xúc khi được xem cảnh gấu bị chích hút mật đã được em Thuận trải lòng trên những dòng thư: “Từng giọt, từng giọt chảy ra. Toàn thân gỉ máu và các nội tạng bắt đầu chảy mủ. Tôi nằm vất vưởng với thân xác gày gò. Điều duy nhất tôi có thể làm là rú lên tiếng kêu tê dại. Ánh mắt mờ đi vì đau đớn, nó đã chết vì mòn mòi chờ đợi sự cứu giúp trong vô vọng. Ông cảm nhận được, ông chủ à! Trái tim lạnh giá của ông vẫn đập nhưng lạc đâu mất nhịp yêu thương. Lúc nào tôi cũng mong mình đừng có túi mật đó thì tốt biết bao. Tôi bất lực trước sự tàn nhẫn của loài người…”.
Em Phan Huy Chiến – giải Nhất – THCS |
Em Nguyễn Lan Phương – giải Nhất - THPT |
Ai đã biến chúng ta thành những người hiểm ác?
Em Nguyễn Lan Phương - học sinh lớp 10 Văn Trường THPT chuyên Sơn La đã đặt câu hỏi như thế trong bức thư viết cho chính bố mình - một ông chủ nuôi gấu. Em cho biết mặc dù ngoài đời bố em không nuôi gấu nhưng bằng trí tưởng tượng của một học sinh chuyên văn, em đã đặt mình vào tình huống đó để viết thư thuyết phục bố. Vì hơn ai hết em hiểu rằng chính thế hệ các em sẽ đặt dấu chấm hết cho hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật trong tương lai bằng những hành động từ hôm nay.
“Nếu ngày bố và con chào đời, nhưng đã có kẻ quyết định cuộc sống, ngày hành hình trước cho mình thì ta sẽ thấy sao? Con và bố hãy cho “tình thương” thêm một cơ hội nữa. Loài người đã xây nhà khắp nơi, chiếm đi nơi ở, ngôi nhà của chúng, làm ô nhiễm môi trường, phá hủy môi trường sống động vật. Vậy còn lý do nào để chúng ta khiến chúng đau đớn thêm bội phần nữa không?” - Nguyễn Lan Phương đặt câu hỏi cho ông bố tưởng tượng trong bức thư đạt giải Nhất khối THPT của em, nhưng cũng chính là những câu hỏi đau đáu thức tỉnh lương tri cộng đồng trước thực tế nuôi nhốt gấu hiện nay ở Việt Nam.
Hơn 97.000 lời kêu gọi chấm dứt nuôi nhốt gấu |
Cũng đưa gia đình của mình vào nội dung bức thư, nhưng em Phan Huy Chiến, học sinh lớp 7 Trường THCS thị trấn Nhã Nam, Bắc Giang lại chia sẻ một thực tế là đã và đang có những người bà, người bố, cô giáo và nhiều người lớn khác có được nhận thức đúng đắn về việc bảo vệ gấu. “Đầu tiên cháu hỏi bà, bà cháu bảo: Bà sống từng này tuổi rồi mà vẫn chưa biết mặt mũi cái mật gấu nó như thế nào. Nghe nói nó tốt lắm. Nhưng theo đông y, một số thảo dược khác có giá trị chữa bệnh tương đương, có thể thay thế mật gấu, cớ gì họ phải khai thác tận diệt như vậy. Lấy mật từ con gấu đang còn sống thì nhẫn tâm quá, tội lỗi lắm cháu à” - Phan Huy Chiến kể lại trong thư đạt giải Nhất khối THCS những lời nói của bà mình như thế…
…Được biết, lễ trao giải cuộc thi “Viết cho chủ gấu” sẽ không phải là điểm cuối cùng của chiến dịch “Hãy cho gấu một cuộc sống tốt đẹp hơn” mà chỉ là sự khởi đầu chuỗi những hoạt động có ý nghĩa tiếp theo để thúc đẩy chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. ENV sẽ tiếp tục sử dụng những thông điệp trong các bức thư trong các chiến dịch truyền thông nhằm khuyến khích cộng đồng giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ mật gấu cũng như cùng tham gia vận động chủ gấu tự nguyện chuyển giao gấu đến các trung tâm cứu hộ.
Hiện Việt Nam có 3 trung tâm cứu hộ gấu chuyên biệt, theo tiêu chuẩn quốc tế bao gồm Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại Tam Đảo được vận hành bởi Tổ chức Động vật châu Á, Trạm cứu hộ gấu Cát Tiên do tổ chức Free The Bears quản lý và Cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình của Tổ chức Four Paws. Ngoài ra, một số trung tâm cứu hộ khác do Nhà nước quản lý cũng tiếp nhận và chăm sóc gấu được chuyển giao.