“Văn hoá đánh giày” khiến 8x bỏ việc văn phòng
Sinh năm 1989, sống giữa Thủ đô Hà Nội náo nhiệt, học vấn loại ưu, từng làm nhân viên văn phòng ở những công ty lớn. Vậy tại sao chàng trai đó lại chọn công việc “đánh giày”? Chia sẻ về con đường của mình lựa chọn Vũ Trường Giang – Colin Lemale tâm sự: “Ngày đầu vì yêu thích giày, mình mới chỉ mua nhưng đôi giày giá 2 triệu, đến 5 triệu là thấy nhiều rồi, nhưng đi một thời gian giày bị hỏng, da giày bong, vỡ, hay đi bị đau chân do da cứng lại. Lúc đó mình có hỏi một ông bạn và ông ấy nói lấy kem dưỡng da tay chân đó bôi vào. Nghe ông bạn bôi vào mà nó vẫn cứng, ông ấy lại bảo bôi nhiều vào, mình cũng làm theo, cuối cùng chờ thêm vài ngày đều đặn bôi kem dưỡng da giày cũng mềm lại.
Sau này mình mày mò đi tìm hiểu cách chăm sóc giày, đánh giày đúng là không đơn giản là cứ lấy xi trát lên đánh là đẹp, mà còn phải xem đánh bao nhiêu xi thì vừa đủ, loại xi màu đó có đúng màu hay không. Từ đó mình đi tìm hiểu về văn hoá đánh bóng giày ở các nước như Pháp, Nhật để học hỏi về cách chăm sóc một đôi giày như thế nào. Quả thực nghề đánh giày ở các nước trên thế giới họ có một văn hoá rất khác nhau. Ở Pháp người thợ chăm sóc giày họ ăn mặc rất thoải mái, không giống những người thợ của Nhật họ mặc sui và rất cầu kỳ với trang phục khi làm việc. Một điều làm mình thích thú ở nghề đánh bóng giày này chính là cái không gian làm việc, không cần một cửa hàng hay biển hiệu mặt phố, bày trí sang trọng. Vì vậy mà mình quyết định chọn công việc đó”.
Không cạnh tranh, không giành giật, không nắng sương đường phố, vỉa hè. Một không gian làm việc của anh Giang nghe có vẻ sang trọng, song rất đơn thuần. Nơi làm việc chính là căn nhà của gia đình ở con phố Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Và nếu như bắt gặp Colin – Vũ Trường Giang trong bộ sui lịch lãm chúng ta không thể hình dung đây là một người đàn ông làm nghề đánh giày.
Rời bỏ công việc văn phòng nhàm chán tám tiếng về nhà mở tiệm đánh giày anh Giang chia sẻ: “Bố mẹ nói mãi rằng mình điên, dở hơi. Bạn bè hỏi ngạc nhiên hỏi ông bỏ việc về đánh giày à; anh làm nghề đánh giày thật sao... Bấy giờ mình có chút chạnh lòng đấy, không có ai ủng hộ cả, mọi người cho rằng nghề đánh giày là một nghề gì đó thấp kém trong xã hội. Nhưng thực tế nó không phải vậy. Và cái mình theo đuổi nó là nghề “đánh bóng giày” hay nói cách khác đúng nghĩa là chăm sóc giày chuyên sâu”.
Vui vì lựa chọn của mình
Điểm khác ở nghề đánh giày và đánh bóng giày ở chỗ đánh bóng giày chủ yếu là những khách hàng sử dụng giày da thuộc, họ rất am hiểu về da giày, hay những người thích giày nhưng không biết cách giữ cho đôi giày luôn được mới, bảo quản sao cho đúng. Nếu bỏ ra cả ngàn đô mua một đôi giày nhưng không chăm sóc giữ gìn nó thì nó cũng không khác những đôi giày được may gia công hàng loạt, chất da nhân tạo giá rẻ.
Tuy nhiên, một đôi giày giá từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đều cần được chăm sóc, đánh bóng. Nói cho dễ hình dung, một đôi giày cũng giống như các cô gái cần trang điểm, chỉ khác ở chỗ cô gái nào có làn da khoẻ sẽ không cần dùng nhiều lớp kem nền, phấn, còn cô gái da không khoẻ thì cần phải dưỡng rất nhiều trước khi trang điểm. Giải thích đến đây, anh Giang mỉm cười tiếp tục câu chuyện: “Nói vậy nhưng mình không từ chối chăm sóc bất kể đôi giày nào, dù nó có giá rẻ hay hàng hiệu. Niềm vui của mình là được chăm sóc đánh bóng những đôi giày, vậy thôi!”.
Trước sự phản đối của gia đình, người đàn ông đó vẫn quyết chọn cho mình niềm vui trong công việc tưởng như chẳng thể làm giàu. Anh Giang bày tỏ: “Vẫn thu nhập từ 10 -15 triệu một tháng nhưng Colin không phải ngồi trong văn phòng, không phải vừa lo nghĩ quá nhiều, không phải bon chen vậy tại sao không dám làm những gì mình muốn. Colin mở tiệm đánh bóng chăm sóc giày không đơn giản là đánh giày mà là đưa văn hoá đến với những người yêu thích những đôi giày. Bạn có thể cười vì thấy một người đánh giày mặc veston, nhưng tôi thấy vui vì điều đó”.
Với chi phí để mở một cửa tiệm đánh giày, xây dựng thương hiệu “Colin Lemale – đánh bóng, chăm sóc giày” con số không hề nhỏ, Anh Giang đã phải bán tất cả những đồ dùng có giá trị: “Riêng vật dụng, xi và những loại dưỡng đơn giản thôi cũng đến cả trăm triệu. Một bảng xi có đến cả trăm màu, dưỡng thì có đến cả trăm loại, vì mình không thể biết khách hàng sẽ mang đến đôi giày có chất liệu màu da như thế nào. Bắt đầu chỉ vài khách quen thân giờ thì Colin đã tự tin phục vụ tất cả khách hàng và sẽ luôn mặc veston dù là di chuyển hàng trả cho khách” - Trường Giang cười rạng rỡ.
Không phải ai cũng dám đánh đổi tất cả để chạy theo đam mê, chạy theo một công việc đã được nâng lên thành văn hoá, nhưng với Vũ Trường Giang, câu chuyện về đôi giày, câu chuyện về nghề đánh bóng, chăm sóc giày phía sau còn là cả một nét văn hoá đẹp được đưa đến với người Việt yêu thích giày.