20 năm mòn mỏi chờ chồng
Theo chân một người dân địa phương, chúng tôi đến nhà bà Lữ Thị Toán (sinh năm 1933, trú tại thôn 3, xã Bình Giang), nhân vật chính trong câu chuyện lạ này. Trò chuyện với khách, bà Toán thi thoảng ngước nhìn tấm ảnh của chồng như để nhớ thời thanh xuân của mình. Đó là những năm tháng vợ chồng bà ly biệt vì nghĩa lớn: “Ngày cưới của hai vợ chồng cũng chính là ngày chồng tôi nhận giấy báo điều động ra Bắc. Thương chồng bao nhiêu cũng đành chấp nhận xa”...
Sau ngày Hiệp định Giơ – ne - vơ ký kết, đất nước chia cắt làm 2 miền, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chồng bà - ông Phan Vinh (sinh năm 1929) tập kết ra Bắc. Bà luôn tự dặn lòng thủy chung chờ ngày thống nhất ông về. Ở quê nhà bà cũng tham gia nuôi giấu chiến sỹ cách mạng, trở thành nữ du kích vùng đông Thăng Bình kiên cường.
Cuộc chia ly đằng đẵng hơn 20 năm. Ngày hội ngộ, ông Vinh không còn nhận ra vợ mình. Bà Toán già đi rất nhiều. Thế nhưng, ông vẫn hết mực yêu thương bà. Dường như chồng bà muốn bù đắp sự chờ đợi mỏi mòn của vợ…
Hy sinh hạnh phúc cá nhân
Chồng trở về nhưng bà Toán không còn khả năng sinh con, làm mẹ. Vợ chồng già ngày đêm trăn trở, thèm nghe tiếng con trẻ, kèm theo đó là áp lực từ dòng tộc và gia đình chồng không có người nối dõi tông đường… Bà Toán chạy khắp nơi tìm thầy thuốc nhưng mọi nỗ lực đều vô vọng. Cuối cùng, bà bàn với chồng đi kiếm… “vợ bé”. Mới nghe, chồng bà quyết liệt từ chối.
Kể lại chuyện này, bà Toán rưng rưng nước mắt, thẫn thờ nhìn ảnh chồng: “Tôi sao quên được những câu nói của ổng (ông ấy) lúc ấy. Ổng nói: “Hai vợ chồng trước giờ tuy có xa cách thật, nhưng được ông trời thương nên mới trở về đây, vừa sum họp sao lại tính chuyện chia ly?”. Ổng rất yêu thương tôi dù tôi không thể sinh được con cho ổng. Ổng sống rất thủy chung…”.
Ông Vinh không đồng ý nhưng bà Toán vẫn lén lên huyện làm thủ tục xin cưới vợ cho chồng. Để lấy vợ lần 2, theo quy định, ông Vinh phải ly dị, cắt mọi quan hệ vợ chồng với người vợ trước. Bà Toán đã tự viết đơn ly dị và cam tâm ký trước vào đơn đưa cho chồng… Người vợ mà bà Toán tìm cho ông Vinh là người làm cùng cơ quan với ông, còn trẻ và hiền thục. Giữa năm 1976, bà đứng ra tổ chức đám cưới cho chồng trong sự ngỡ ngàng của gia đình và bà con chòm xóm.
Nhưng cũng sau khi bà Toán tìm được “vợ” cho chồng, mỗi đêm muốn “động phòng” cùng người vợ thứ 2, ông Vinh lại ái ngại, sợ bà buồn nên không dám. Bà Toán biết ông Vinh vẫn còn yêu thương mình. Sau nhiều đêm suy nghĩ, bà quyết định dọn ra ở riêng, dành “không gian” cho chồng và “vợ bé”.
Một thời gian, chồng bà và vợ thứ hai dọn lên trung tâm huyện Thăng Bình, xây một ngôi nhà khang trang gần UBND huyện để ở. Ông và người vợ này sinh được hai người con, một trai, một gái. Đến năm 71 tuổi, ông qua đời vì bạo bệnh.
Còn bà Toán, sau khi hoàn thành “sứ mệnh” cưới vợ cho chồng, chấp nhận về quê sống một mình trong căn nhà nhỏ. Cũng từ đó, bà Toán ít liên lạc với ông Vinh. Những đứa con riêng của chồng thi thoảng đến thăm và xem bà như mẹ của mình. Bà Toán coi đây là niềm an ủi của đời mình.
Tuổi già hiu quạnh…
Bà Toán đã hy sinh hạnh phúc cá nhân, hy sinh người đàn ông duy nhất của mình... Năm tháng trôi đi, gánh nặng mưu sinh và những nỗi niềm khó chia sẻ trong cuộc đời đơn chiếc khiến bà yếu hơn tuổi, cơ thể mang nhiều bệnh tật.
Bà Toán được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, mỗi tháng hưởng chế độ phụ cấp 1,4 triệu đồng. Số tiền đó cũng đủ cho bà lo bữa ăn hàng ngày. Bà được mẹ con chị Lê Thị Được (người cùng thôn) nấu cơm giúp và mang sang tận nhà. Những ngày trái gió trở trời, một mình thui thủi với cơn đau ê ẩm khắp người, bà Toán không thể tự ngồi ăn được, phải nhờ mẹ con chị Được bón từng thìa cơm, muỗng cháo…
Ông Nguyễn Trúc (67 tuổi), một bác sĩ đã về hưu, đồng thời là hàng xóm với bà Toán, đang chữa trị cho bà, cho biết: “Bà Toán dạo này yếu đi nhiều, chân tay húp tròn vì không đi lại được, da dẻ trắng bệch, mắt mờ... Ngoài cái bệnh tuổi già, bà còn bị thêm huyết áp, phù thận, thoái hóa cột sống. Giá có người chăm sóc thường xuyên, bà sẽ khỏe hơn”…