Sinh ra trong thời kỳ hòa nhập, tôi lớn lên bằng những bộ phim kiếm hiệp được chiếu trên kênh VTV3 mỗi buổi tối, còn vào cuối tuần tôi “hóng” từng tập phim Âu Mỹ ở VTV1. Tôi nghe truyện cổ tích từ giọng đọc của bà và các cô giáo mầm non, nhưng lại nhìn mặt chữ lần đầu tiên qua những tập truyện tranh thần thoại Hy Lạp. Tôi thuộc từng vị thần của nền văn hóa phương Tây, Trung Hoa còn hơn là các vị thần của quê hương mình.
Mỗi giờ ra chơi, tôi và bạn bè lại soi mình trước cửa sổ vấn tóc, cầm thước kẻ, mơ ước lớn lên làm đại hiệp. Trong quyển sổ dán đầy ảnh của đám nhóc chúng tôi, tràn ngập hình nàng Tiểu Long Nữ, Triệu Mẫn, Quách Tĩnh, Hoàng Dung. Và cứ tới buổi chiều ở sân chơi trong xóm, đứa nào, đứa nấy lại khoác áo mưa “hóa thành” các thiếu nữ trong phim cổ trang. Áo hồng làm công chúa, áo tím làm Thánh cô, áo đen là ác nữ.
Cứ như vậy, ngay từ thời tiểu học, tôi đã có thể kể vanh vách chi tiết của các tác phẩm kinh điển như “Thần điêu đại hiệp”, “Anh hùng xạ điêu”, “Cuốn theo chiều gió”, “Hội chợ phù hoa”,… Nhưng mãi đến khi lên lớp 10, tôi mới biết Nguyễn Du còn có nhiều bài thơ khác ngoài “Truyện Kiều”.
Lên cấp hai, tôi trưởng thành với những bộ phim của Disney, HBO và Star Movies. Tôi sống trong những mùa hè rực rỡ bên hồ bơi, cùng bạn bè tổ chức tiệc coca, mà chẳng hề hay đó không phải là văn hóa của đất nước mình. Tôi ngủ gật trong khi học “Bình Ngô đại cáo”, nhưng lại phân tích đến vài trang truyện cổ tích “Cô bé bán diêm”. Tôi cũng có thể đạp xe gần chục cây số, từ nhà ra phố Đinh Lễ để mua tiểu thuyết “Đồi gió hú” mà ngó lơ đi dãy dài những tập truyện mang tên “Văn học Việt Nam”.
Lên cấp III, khi tiểu thuyết, phim ảnh Trung Quốc bùng nổ tại thị trường Việt. Chúng tôi ngây ngất trong văn hóa uống trà, đàm đạo. Thậm chí còn cùng nhau ngồi chơi cờ tướng, nhìn những chữ Hán in trên các quân cờ. Giờ học lịch sử Việt Nam, mọi người đều ngáp sái quai hàm, nhưng cứ đến giờ lịch sử Trung Quốc, phương Tây, ai cũng rầm rộ thảo luận. Mọi người bàn về Tần Thủy Hoàng, Võ Tắc Thiên, Elizabeth Đệ Nhất, Ferrnando xứ Aragon và Isabel của Castilla,… Nhưng lại thấy “hoảng sợ” khi trả bài thầy cô về các mốc sự kiện trong các cuộc chiến tranh đẫm máu và nước mắt của dân tộc Việt Nam vào thế kỷ XX.
Chỉ đến năm lớp 12, khi tôi và mấy người bạn tự thành lập một nhóm nhỏ để viết truyện. Cả đám mới ngơ ngác nhìn nhau, tự hỏi: “Chúng ta viết gì bây giờ”. Hóa ra, trong suốt bao năm nay, chúng tôi như đi trong mộng ảo. Chúng tôi ngại ngùng viết từng cái tên Linh, Nam, Tùng vào câu truyện. Nhưng lại cảm thấy “mượt” bút khi dùng những tên gọi đậm chất nước ngoài như Triệu Phi Yến, Đạm Tiểu Nguyệt hay Helen, Peter vào trong trang giấy của mình. Chúng tôi tụm năm, tụm ba, bàn đi bàn lại các tiểu tiết, rồi thế nào viết ra lại có tuyết, sông Trường Giang, thành Đại Lý, Khải Hoàn Môn, Đấu trường La Mã.
Đó là lần đầu tiên, cả đám học sinh tập tọe viết truyện tạm dừng mơ ước lại. Bởi đấy không phải là câu chuyện của đất nước, của không gian mà 17 năm nay chúng tôi từng sống. Thời gian ấy, cũng là lần đầu cả đám “trẻ trâu” tự đặt chân đến Hoàng Thành Thăng Long, đi tới các ngôi chùa cổ tại Hà Nội. Đó là lúc, tôi cảm nhận được hơi thở của văn hóa Việt. Tôi hiểu rằng, hóa ra “họ” vẫn ở quanh chúng tôi, nhưng tôi mãi chẳng thể nắm bắt được. Tôi ngơ ngác ngắm nhìn Điện Kính Thiên, Đoan Môn, Cột cờ Hà Nội xuyên qua các thế kỷ, và cố gắng níu giữ. Càng trưởng thành, tôi càng đi tìm “ông cha” của mình. Như một đứa trẻ đói khát, tôi bấu víu vào từng tư liệu ảnh còn rơi rớt do người Pháp để lại. Tôi đọc “Đại Việt Sử Ký” được viết bằng ngôn ngữ đôi khi thật khó hiểu. Tôi “ngấu nghiến” từng quyển sách sử của các nhà nghiên cứu dù có khô khan đến đâu. Tất cả, để cảm nhận phần “hồn” nào đó của ông cha đang sống ở ngoài kia.
Vì tôi không muốn trở thành những kẻ “biến dị”, mất đi bản thân ngay trên chính quê hương mình. Tôi nhìn những bộ phim, bài hát, bức tranh mang đậm “mác” văn hóa của phương Tây, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,.. Nghe những giai điệu hí kịch được thổi hồn vào âm nhạc hiện đại của họ, thưởng thức những bản thánh ca được cho vào các bộ phim bom tấn, chiêm ngưỡng các âm hưởng đậm chất thơ Haiku sống dậy trong anime Nhật Bản.
Đôi khi, chính tôi hoang mang khi nghe nhạc trẻ Việt Nam, những luyến láy, giai điệu đều Tây hóa, Hàn hóa quá! Có những thời khắc, tôi hoảng loạn ngay khi nhìn những chồng sách ở bên cạnh. Những tập truyện, giáo trình, bộ tài liệu nghiên cứu, tạp chí với chữ tiếng Anh, tiếng Trung nhiều hơn tiếng Việt.
Trong những khi bối rối, tôi “trốn” vào các bản làng dân tộc thiểu số, nơi họ còn giữ được bản sắc truyền thống của dân tộc mình.
Và tôi lại quay về với nguồn gốc của mình, chiêm bái từng di tích ở Cố đô Huế, Hoàng Thành Thăng Long, Cố đô Hoa Lư, dãy Trường Sơn - nơi mùi đạn khói vẫn còn phảng phất. Nhiều khi, tôi ngỡ tưởng mình đã xê dịch được thời gian, không gian. Tôi ảo mộng rằng mình cảm nhận được cuộc sống của con người từng sinh sống hàng trăm năm, hàng nghìn năm trước kia. Nhưng rồi, cơn sóng của thời đại lại ập tới, kéo lôi tôi trôi giạt ra ngoài khơi. Khiến tôi biến thành kẻ mộng du trong chính dòng sông quê hương của mình. Rồi tôi lại nỗ lực bơi vào bờ, giống như một vòng lập thời gian chẳng bao giờ dứt….