Việc tổng thống Đức Christian Wulff từ chức không gây bắt ngờ nhưng lại không khỏi khiến dư luận có phần ngỡ ngàng. Sau tất cả những gì đã xảy ra thì dường như ai cũng cho rằng chuyện ông Wulff từ chức chỉ là vấn đề thời gian. Ông Wulff không phải là tổng thống Đức đầu tiên từ chức, nhưng là người đứng đầu nhà nước Đức đầu tiên bị một viện công tố cấp bang đề nghị Quốc hội liên bang tước bỏ quyền miễn trừ để tiến hành điều tra về tham nhũng và lợi dụng chức quyền để trục lợi.
Cựu tổng thống Đức Christian Wulff . |
Từ chức là một trong những nội hàm đặc thù nhất của văn hoá và đạo đức chính trị. Ông Wulff từ chức để tránh nguy cơ bị tước bỏ quyền miễn trừ, bị tiến hành điều tra và rồi bị đẩy vào tình thế từ chức mà chẳng khác gì bị phế truất.
Tiến hành điều tra đối với cả đương kim tổng thống là chuyện tày đình ở mọi nền dân chủ chứ không chỉ riêng ở nước Đức. Về phương diện chính trị và pháp lý, việc đó biểu hiện nguyên tắc chung là tất cả đều bình đẳng trước pháp luật. Về phương diện tư pháp, việc đó cho thấy quyền uy và bản lĩnh của cơ quan tư pháp.
Một khi đi tới quyết định với tác động chính trị và luật pháp đến mức như vậy thì phía tư pháp rõ ràng đã phải chắc chắn như thế nào. Một khi đã đối đầu trực diện và không khoan nhượng đến vậy với tổng thống, cơ quan tư pháp này phải ý thức được rằng kết quả cuối cùng sẽ chỉ có kẻ thắng, người thua chứ không thể có hoà cả làng hoặc cả hai bên cùng thắng.
Những nghi ngờ chắc chắn phải có cơ sở. Mọi chứng cớ chắc phải rất rõ ràng và thuyết phục. Sự tự tin chắc chắn rất mạnh mẽ. Nếu không thì cơ quan tư pháp này đã không dám đối đầu theo kiểu được ăn cả, ngã về không với tổng thống như thế.
Nhưng cũng chắc vì mọi cái đều đã quá rõ ràng, dư luận quá quan tâm và giới thông tin đại chúng đã khai thác quá triệt để nên cái kết cục xem ra không thể khác. Cả cơ quan tư pháp lẫn tổng thống Christian Wulff không còn có sự lựa chọn nào khác. Một bên đứng trước nguy cơ bị mang tiếng bao che cho người quyền cao chức trọng.
Còn bên kia phải đương đầu với khả năng tình cảnh có thể trở nên còn tồi tệ hơn. Qua đó đủ để thấy cái gọi là tam quyền phân lập ở các xã hội như nước Đức trong thực chất khác so với trên danh nghĩa. Ở đó chẳng có gì độc lập với chính trị cả!
Thiên Lang