Chuyện chép bên dòng Nậm Khắt

Học trò Trường THCS Quy Hướng bên sông Đà
Học trò Trường THCS Quy Hướng bên sông Đà
(PLO) - Từ thị trấn Mộc Châu đi ngược sông Đà lên Quy Hướng, chúng tôi phải di chuyển bằng cả đường bộ và đường sông bởi đường rất xấu và lầy lội. Tới đây, chúng tôi đã gặp những thầy cô ở Mộc Châu, thế hệ thứ hai là người xuôi lên xây dựng kinh tế mới. 
Họ đã đến và ở lại, và để được sống đúng nghề mình đã chọn, dù gian nan, vất vả, dù các con phải gửi về ông bà nội, bà ngoại… 
Nơi thung sâu, gió quẩn
Cách thị trấn nông trường Mộc Châu khoảng 50km nhưng để đi nhanh, người dân thường phải đi 40km đường bộ và 30 phút đường sông. 40km đường bộ nếu đi ô tô với điều kiện thời tiết bình thường sẽ mất khoảng 3,5 giờ và cũng đủ để những ai sức yếu không thể kháng cự nổi với những trận say xe. 
Ngày chúng tôi ngược sông, tuy trời nắng ráo nhưng trận mưa vài hôm trước đã khiến tuyến đường rất lầy lội, có nhiều vũng nước sâu hoắm do những bánh xe tải tạo nên. Bởi lẽ  đường vào xã được làm từ năm 1983 phục vụ di chuyển dân vùng  thủy điện Hòa Bình nay đã xuống cấp. 
Cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân tới Trường THCS Quy Hướng, một trong 3 nơi được coi là khó khăn nhất của Mộc Châu nằm gần như lọt thỏm bên dòng Nậm Khắt, một nhánh sông hoà vào dòng chảy sông Đà. Là xã miền núi, đường sá đi lại của người dân và học sinh không chỉ cách núi mà còn bị ngăn sông. 
Thế nên, với học sinh Quy Hướng, rất nhiều em phải đi bộ từ rất sớm để đến trường. Cô Hà Thị Vân Anh, giáo viên của trường cho biết, có những em nhà cách trường 8km đường rừng núi, tuy xa nhưng vẫn chưa đủ điều kiện để được ở nội trú tại trường (để được ở nội trú, nhà phải cách trường từ 10km trở lên). 
Sáng ra, các em phải mang đèn đi học từ 4 giờ sáng và chiều thì 2 giờ cũng mới về được đến nhà. Có nhiều em, nhà ở bên kia lòng hồ thủy điện, dù khoảng cách đường chim bay chỉ 1km nhưng có nhiều hôm các em phải tự bơi thuyền qua lòng hồ để đi học. Những hôm trời mưa bão, học sinh có muốn đến trường, các cô cũng phải bảo nghỉ. Hoặc có em cố vượt sông sang tới trường cũng ướt nhoẹt và đành phải rét run trở về trong nỗi lo thắc thỏm của thầy cô…
Đường sá đi lại khó khăn đã là một chuyện nhưng cơ sở vật chất của trường cũng còn rất nhiều thiếu thốn. Trường hiện có 30 học sinh ở nội trú nhưng đều là nhà tạm, chỉ một cơn gió mạnh là đổ bất cứ lúc nào. Còn dãy nhà công vụ của 20 thầy cô, nói là công vụ cho “oai”, thực ra là một lớp học cấp 4 trước kia được các thầy cô lấy các tấm bạt ngăn ra thành các phòng. 
Với những tấm gỗ được ghép thành chiếc giường nhỏ, các thầy cô phải sinh hoạt trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn về mọi thứ. Nhưng vượt qua tất cả, vì đàn em thân yêu, hàng ngày, hàng giờ các thầy cô vẫn dồn hết tâm huyết, bám làng bám bản để truyền đạt kiến thức tới các em. Và mỗi khi có bão về, thầy trò lại thấp thỏm lo gió cuốn. Thế nên, hễ mưa to, gió lớn, cả thầy và trò hò nhau lên dãy nhà kiên cố là lớp học của trường. 
Cô Vân Anh cho hay, ở đây là vùng lòng hồ gió quẩn, chính vì vậy một loạt dãy nhà đã bị cuốn phăng nên trường mới thiếu phòng học. Và cũng chính vì thế, nỗi lo thường trực của thầy trò nơi này là những ngày mưa gió, học sinh nghỉ học và các thầy cô gần như bị cách biệt hoàn toàn…
Không những thế, phần lớn học sinh là người dân tộc, trình độ nhận thức còn rất hạn chế, đến mùa các em thường bỏ học ở nhà làm nương, phụ gia đình làm kinh tế coi nhẹ việc học tập tại trường…Tục tảo hôn vẫn còn diễn ra với đồng bào dân tộc ở đây, họ quan niệm lấy người về làm việc cho gia đình, rất nhiều học sinh đã lập gia đình từ năm lớp 8, lớp 9, hay có những tháng hàng chục học sinh bỏ học đi tìm vợ, bắt vợ ở những địa phương lân cận… khiến công tác giáo dục đặc biệt gặp khó khăn. 
Các thầy cô lâu năm tâm sự, có khi thầy cô đang giảng bài trên lớp, học sinh xin về nhà để làm việc, để đi kiếm vợ… mình phải vận động, thuyết phục các em, mong các em hiểu và nhận thức được phần nào ý nghĩa của việc học tập.
Vợ chồng cô Đoàn Thị Xuân tại khu nhà của thầy cô THCS Quy Hướng
Vợ chồng cô Đoàn Thị Xuân tại khu nhà của thầy cô THCS Quy Hướng 
Các cặp vợ chồng… Ngâu
Trường THCS Quy Hướng có 20 giáo viên thì có 19 người nhà ở thị trấn Mộc Châu, tức là cách trường 50km. Họ cũng giống như học sinh, đều là dân nội trú. Cô Hà Thị Vân Anh cho biết, cô dạy toán ở trường đã được 7 năm, lấy chồng đã 6 năm. Chồng cô cũng là giáo viên nhưng dạy ở Trường 19 Tháng 5 của thị trấn Mộc Châu. 
Vợ chồng cô có hai con nhưng đứa lớn ở với bố và ông bà ngoại, đứa nhỏ còn chưa dứt sữa ở với mẹ. Ưu tiên hai mẹ con nên cuối tuần chồng cô đi xe từ thị trấn Mộc Châu xuống thăm. Lúc nào không lên lớp thì dọn việc nhà, lúc lên lớp nếu con ngoan thì nhờ các em học sinh ở bán trú trông giúp, đồng thời nhờ người bế từ sáng đến trưa. Bài vở cô tranh thủ soạn buổi tối. 
Cô Nguyễn Khánh Duyên, dạy mỹ thuật đã gắn bó với trường 12 năm, nhà cô cũng ở thị trấn Mộc Châu. Hàng tuần, cô đi đi về về bằng xe máy. Cô Duyên quê gốc ở Thái Bình. Bố mẹ lên đây năm 1966 nên cô sinh ra và lớn lớn lên ở thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Lúc mới về đây cô cũng rất buồn bởi điện đóm không có, nhà ở chỉ là tấm bạt căng. Học sinh nói tiếng Kinh không sõi. 
Thế nhưng, vì yêu nghề nên cô đã vượt qua tất cả để động viên các em đến trường. Chồng cô Duyên cũng học trường nhạc họa Trung ương nhưng không theo nghề. Nhũng ngày xa nhà, đêm hôm mưa gió rét, cô chỉ mong ở gần gia đình chăm sóc  cho chồng, cho con, thương lũ trẻ thiếu bàn tay chăm chút của mẹ... Thế nhưng, chưa bao giờ cô Duyên có ý định bỏ nghề. 
“Em cũng là giáo viên chủ nhiệm, có nhiều em gia đinh rất nghèo, phương tiện đi lại không có, leo đồi núi rất vất vả, bố mẹ cũng mải đi làm nương nên không có điều kiện quan tâm đến con cái. Nhiều phụ huynh còn không biết nói tiếng Kinh nên việc chuyển tải thông tin, ngôn ngữ đến phụ huynh rất khó khăn. 
Do điều kiện gia đình khó khăn, việc đi lại  quá xa, đến tận 8-10 cây leo đồi núi, là nguyên nhân dẫn đến các em bỏ học, hiện tượng tảo hôn cũng còn rất nhiều. Hơn nữa, học sinh người dân tộc có quan niệm thoải mái về chuyện “người lớn” nên bọn em cũng phải đi tuần tra, kiểm tra phòng nam, phòng nữ xem có học sinh nam đến phòng nữ ngủ không để ngăn chặn hậu quả xảy ra”.
Còn thầy Hồ Lý Phúc (quê Hà Tĩnh, bố mẹ lên Tây Bắc từ năm 1958), giáo viên Văn - Sử - Địa. Suốt hơn 20 năm đi dạy, thầy đều nhận những điểm trường vùng 3 khó khăn. Có trường cách nhà 70km đường núi nên thầy thường ở trường biền biệt vài tháng mới có thể thu xếp về thăm nhà vài ngày.
Ở khu “nội trú” của giáo viên chỉ có cô Đoàn Thị Xuân, 33 tuổi quê  huyện Tiền Hải, Thái Bình, và thầy Truyền là cùng công tác một trường. Cô tâm sự: “Trường vùng 3 rất ít học sinh có nhận thức tốt về môn Toán nên bọn em phải tìm tòi nhiều phương pháp, dạy rất vất vả, nhưng khi về nhà làm quá nhiều việc, học sinh không có thời gian ôn bài, sáng ra chữ thầy lại gần như giả thầy… Và các cô lại tỷ mỉ giảng lại từ đầu…”.
Cô Vân Anh và bé thứ hai theo mẹ lên trường
Cô Vân Anh và bé thứ hai theo mẹ lên trường 
“Ai chẳng mong được gần nhà, nhưng…”
Ở Trường THCS Quy Hướng, không chỉ cô Duyên, cô Vân Anh mà 17 thầy cô khác đều sống trong cảnh xa nhà. Thậm chí có cô hai vợ chồng đều phải dạy cách nhà 40-50km. Con cái gửi ông bà, cuối tuần hai vợ chồng về mới gặp nhau và gặp con. Người nhiều nhất là 12-15 năm, người ít nhất cũng đã 3, 4 năm. 
Vất vả là thế, nhưng khi được hỏi thì mong ước đầu tiên của các thầy cô đó là đường sá được cải thiện để học sinh có thể đi lại đỡ vất vả, các em có thêm động lực để đến trường, các thầy cô đi xuống bản cũng đỡ mệt hơn. Các cô vẫn cho rằng  mình vẫn còn đỡ vất vả, chứ  học sinh miền núi nghèo, vất vả nên thương lắm.
Còn khi được hỏi về luân chuyển giáo viên, cô Hà Thị Vân Anh tâm sự: “Được học rồi thì phải đi làm, khó khăn phải khắc phục, nếu cứ bỏ nghề hết thì không biết ai sẽ ở đây? Các thầy cô ở Trường THCS Quy Hướng hầu như ai cũng có một nửa ở thị trấn Mộc Châu nên đều mong ngóng được ngày về công tác gần nhà. Nhưng xem ra, để làm được điều này cũng còn rất xa. Một chuyên viên phụ trách tổ chức cán bộ của Phòng Giáo dục huyện Mộc Châu cho biết, hiện Mộc Châu không thể luân chuyển được giáo viên mà chỉ có thể điều động. 
Thầy Hồ Lí  Phúc tâm sự: “Từ khi ra trường năm 1993, với 20 năm công tác thì tôi đã đi qua 3 trường đặc biệt khó khăn. Đây là trường khó khăn thứ 3 tôi được luân chuyển về đây. Thực hiện luân chuyển cũng rất xa, cách nhà 30km, mỗi tuần về một lần, tôi về đây dạy các môn xã hội: Văn, Sử, địa. Cũng có thể là cơ duyên cuộc đời mình có cái gì đó tự nhiên gắn bó với nó khó tách rời...”.
Dường như bằng tất cả trái tim mình, các thầy cô đã đến và ở lại. Dù cuộc sống còn tràn đầy gian khó, dù những người thầy phải xa con, xa mái nhà thân yêu của mình… bởi ở nơi đó, những đôi mắt học trò đen láy, vì những ước mơ tới trường mà các em phải trầy trật qua những lòng sông, qua những con đường lầy lội, qua những đèo cao, thung sâu để học hết lớp 9 sẽ được vào THPT Thảo Nguyên. 
Cháu Hoàng Văn Thủy, dân tộc Thái cho biết: “Nhà cháu ở ngoài kia, xa lắm. Hàng ngày cháu đi bộ 7 cây số mới đến được trường, rồi chiều lại đi bộ về. Nhiều khi cháu phải nghỉ học vì bị ốm hoặc dậy muộn, không  kịp đi học, nhiều lúc trời mưa đường trơn không đi được. Ước mơ của cháu là làm thầy giáo và dạy các em nhỏ học để sau này các em được như nhiều người khác." 
Lò Thị Thương, 11 tuổi, học lớp 6, nhà ở bản Nà Quyên tâm sự: “Nhà cháu cách trường hai cây số, bố mẹ cháu làm nương, cháu có em gái và cháu rất thích đi học. Cháu làm lớp trưởng, làm những việc thầy giao quản lớp. Cháu thích môn Văn, vì môn Văn giúp cháu hiểu nhiều thứ về cuộc sống con người. Cháu mơ ước làm cô giáo để dạy cho những trẻ em nghèo. Nếu được làm cô giáo cháu sẽ dạy môn Văn…”. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.