Vượt qua lý lẽ thông thường
Nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện cảm động về bà Nguyễn Thị Thăng ở K7, Thụy Điền, Tân Lập, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, người mẹ nuôi 5 con chồng ăn học, thành đạt. Khi bà lấy chồng, ông đã có đến 5 người con riêng với vợ trước.
5 đứa san sát nhau ở độ tuổi tiểu học, trong đó có 3 trai, 2 gái. Khi bà quyết định lấy ông, cả gia đình, dòng họ đều phản đối, vì sợ bà không thể chịu nổi những khó khăn, vất vả phải đối mặt mà ai cũng có thể lường trước được.
Thế nhưng, bà vẫn kiên quyết lấy ông. Ông với bà nuôi cả thảy 6 đứa con, gồm 5 con riêng của ông và một con gái nuôi của bà. Đồng lương giáo viên ít ỏi, con thì đông, cuộc sống đầy khó khăn. Ngoài dạy học, bà còn làm thêm đủ nghề, từ dọn dẹp, giúp việc, đồng áng để cải thiện sinh hoạt, cho các con có bữa ăn no. Những người con bà sau này kể lại rằng, thời ấy bữa cơm nhà luôn phải độn khoai, độn sắn, mẹ nhường hết phần cơm cho các con, chỉ dám ăn vụn khoai, vụn sắn.
Rồi chồng bà qua đời, một mình bà tiếp tục gồng gánh, nuôi con. Các con đều được bà nuôi cho học hành. Trước tấm lòng của người mẹ, những người con của bà đều nỗ lực hết mình để ăn học thành tài. Khi con trưởng thành, bà lại dựng vợ, gả chồng cho chúng.
Không chỉ là người mẹ, bà còn là mẹ chồng, mẹ vợ hết sức hiền lành, hiểu chuyện, được dâu, rể thương yêu. Đến nay, sáu người con của bà đều đã có gia đình, có sự nghiệp vững vàng, có người thành đạt, có địa vị trong xã hội, bà sống chung với vợ chồng con trai út.
Những lúc rảnh, dịp cuối tuần, lễ, Tết, ngôi nhà bà luôn rộn rã tiếng cười của con, cháu, dâu, rể. Người dân trong khu vực đều bảo, gia đình bà hòa thuận, yêu thương nhau hơn cả những gia đình ruột rà.
Trong những câu chuyện cổ tích, phần nhiều người mẹ kế đều xuất hiện với sự độc ác, gian xảo, hãm hại con chồng, từ Tấm Cám, Lọ Lem đến cả Phạm Công Cúc Hoa. Nhưng, trong đời thực, nhiều câu chuyện còn cảm động và tuyệt vời vượt lên cả những câu chuyện cổ. Nghị lực và tình yêu thương phi thường của bà Thăng khó có thể tìm thấy ở cả những câu chuyện cổ lẫn đời thường.
Như câu chuyện của bà Phan Thị Hoa ở xã Thanh Thịnh, Thanh Chương, Nghệ An. Bà cũng là một người mẹ tuyệt vời khi nuôi nấng, dành tình yêu vô điều kiện với đứa con chồng tật nguyền. Bà Hoa lấy ông Trần Văn Đức (ở xóm 1, xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, Nghệ An) khi ông đã 50 tuổi, vợ mất vì tai biến và một nách… 8 đứa con.
Ngoài ba mươi, chưa lần đò, bỗng chốc bước chân vào một gia đình đông đúc như thế, nhưng bà vẫn vui vẻ chấp nhận. Lời đầu tiên bà nói với các con chồng, là “mẹ sẽ coi các con như con ruột của mình”.
Thời gian đầu là những ngại ngần, khó hòa nhập, thích nghi. Nhưng bà Hoa vốn là một người chân thành và nhiệt tình. Căn nhà dột nát, bà đi xin xác nhà gỗ của người cô để cùng chồng dựng lại nhà mới. Bà lao vào cùng chồng làm lụng vất vả, quần quật quanh năm, đến sút kí, ốm người, chỉ để gia đình no đủ, các con không phải chịu đói.
Nỗ lực của bà đã được đền đáp, gia đình đủ ăn, các con dần lớn lên, 5 người đã dựng vợ, gả chồng, ai cũng yêu thương, coi bà như mẹ đẻ. Nhưng số phận không êm đềm như thế với gia đình bà. Cậu con chồng 17 tuổi bị phát hiện ung thư. Thế là, để ông an tâm ở nhà làm lụng kiếm tiền chữa bệnh cho con, bà theo con trai chồng đến bệnh viện.
Cậu nhập viên xạ trị dài ngày, bà luôn túc trực cạnh bên, cứ thế mà nhiều năm trôi qua. Tấm lòng, sự săn sóc đầy tận tụy, thương yêu của bà khiến các con chồng đều cảm động, và các bác sĩ, bệnh nhân chung quanh cũng đều khâm phục một người mẹ như thế. Chồng bà bảo, ông không chỉ xúc động, mà biết ơn bà, biết ơn những gì bà đã làm, đã hy sinh vì cha con ông.
Người mẹ kế Phan Thị Hoa tần tảo nuôi 8 con chồng, chăm con trai chồng bị ung thư. (Ảnh K.Hoan) |
Làm “mẹ ghẻ” còn khó hơn mẹ thật
Làm mẹ kế có khó không? Nếu đặt ra câu hỏi ấy cho tất cả các bà mẹ kế, ắt hẳn câu trả lời nhận được sẽ là “rất khó”, thậm chí còn khó hơn cả mẹ ruột. Vì sao? Bởi vì với mẹ ruột, tình yêu thương dành cho con là một bản năng, một tất yếu.
Nhưng là mẹ kế, thì đứa con chồng không hề có máu mủ, ruột rà với mình, thậm chí, đó còn là minh chứng của một tình yêu khác, một cuộc hôn nhân khác, sự hiện diện của một người phụ nữ khác trong cuộc đời của người đàn ông mà mình gọi là chồng.
Nhiều người phụ nữ đáng ra không hề ác độc, nhưng vì ghen tuông, vì ích kỉ, họ đã trút sự hờn ghen ấy lên đầu đứa con chồng cho hả giận. Và thế là, bi kịch mẹ kế - con chồng đã xảy ra.
Bởi thế, để một người mẹ ghẻ thương yêu, chăm sóc được cho con chồng một cách thật lòng thì người mẹ kế ấy ắt hẳn phải có một tình yêu thương rất lớn, một tấm lòng đầy bao dung, độ lượng và cả đức hy sinh. Vì cuộc sống của một người mẹ kế, nói cho cùng có rất nhiều áp lực.
Áp lực từ việc phải nuôi nấng một đứa trẻ không ruột rà, áp lực từ cả khoảnh cách vô hình ban đầu giữa hai mẹ con, áp lực từ cái nhìn soi mói của những người chung quanh. Là một người mẹ ruột, có thể thoải mái yêu thương, trách giận, la mắng, thậm chí lúc nổi nóng còn có thể đánh cả con. Nhưng người mẹ kế nếu cũng hành động như thế, dễ bị cho là “mẹ ghẻ ác độc”.
Chị Nguyễn Thanh Trân, ngụ quận 11, TP HCM chia sẻ: “Ngày lấy anh tôi mới 24 tuổi, còn rất nhiều mơ mộng cuộc sống màu hồng, nên chuyện anh hơn tôi 10 tuổi, đã có cậu con trai 8 tuổi với người vợ trước chẳng là chuyện gì to tát. Nhưng lấy nhau rồi mới hiểu muôn vàn khó khăn.
Đầu tiên là cậu nhóc không thích tôi, thậm chí là chống đối, nói hỗn, nhất quyết không chịu gọi tôi bằng mẹ. Rồi kế đó là cha mẹ chồng, sợ tôi đối xử tệ với cháu nội, nên luôn theo sát từng li, từng tí, luôn lén hỏi cháu xem tôi đối xử với cháu thế nào. Rồi hàng xóm xì xào, bàn tán. Đó là những áp lực vô hình mà tôi nghĩ, nếu người mẹ kế nào yếu tinh thần chắc khó vượt qua được, rồi cũng trở nên cáu bẳn, stress hoặc bỏ cuộc.
Nhưng tôi vốn là người lạc quan, mặc cho ai nói gì thì nói, tôi nghĩ miễn mình thật lòng yêu thương, rồi tình yêu ấy cũng sẽ thay đổi cái nhìn của mọi người với mình. Tôi không o ép cháu phải thương tôi, gọi tôi bằng mẹ. Tôi thuyết phục cháu bằng sự chăm sóc, yêu thương chân thành của mình đối với cháu.
Sợ cháu tự ti, buồn, tôi chưa sinh con vội. Cho đến khi dần dà cháu thực sự thương quý, tin cậy và mở lòng ra với tôi, tôi mới hỏi cháu có thích em không, rồi vợ chồng tôi mới sinh đứa thứ 2. Con trai tôi rất yêu thương em gái của mình. Giờ đây, cháu đã hơn 18 tuổi, đang du học tại Úc, thường xuyên gọi về nói nhớ nhà, nhớ em gái. Tôi cảm thấy may mắn vì dù không sinh, nhưng đã có được một đứa con trai thông minh, đáng yêu như thế”.
Nhiều người mẹ kế với đức hy sinh, tình yêu thương đã nuôi nấng con chồng nên người, thành đạt |
Có lẽ, với những người mẹ kế, chẳng có bí quyết hay cách thức nào khác để hóa giải mối quan hệ mẹ ghẻ - con chồng bằng tình thương yêu. Một tấm lòng chân thành sẽ giúp người mẹ kế vượt mọi rào cản, để biến đứa con chồng vốn đầy khoảng cách thành đứa con thực sự của mình.
Hành trình mẹ kế nuôi dạy con chồng thực sự gian nan, vất vả, áp lực và rào cản. Nhưng đó cũng là một hành trình đầy thú vị, hành trình của yêu thương. Để rồi, sau những tâm huyết và hy sinh, điều những người mẹ ấy nhận được sẽ là một gia đình đầm ấm, một tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý, sự trân trọng, tình yêu thương và biết ơn của những đứa trẻ không cùng máu mủ với mình.