Hạt giống Việt xuất ngoại
Theo lời kể của anh Bùi Đức Thành - Giám đốc bệnh viện dã chiến 2 số 1 của Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc Việt Nam tại Nam Sudan, năm 2018, trong hành trang của 64 chiến sĩ xuất quân đi làm nhiệm vụ đều có các túi hạt giống mang theo để trồng. Kinh nghiệm này được truyền lại từ các sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp quốc ở mảnh đất khô cằn châu Phi. Những gói hạt giống này sẽ giúp cải thiện bữa ăn của các sĩ quan bởi thực phẩm của Liên Hợp quốc chỉ toàn đồ hộp và hàng đông lạnh.
Ngày đầu tiên khi đến Bentiu, chuyến hành quân xa cùng thời tiết chỉ nắng nóng và đất đai kho cằn khiến tâm trạng của các cán bộ và nhân viên bệnh viện bị ảnh hưởng không tốt. Nhận thấy điều đó, anh Thành đã tìm cách xốc lại tinh thần đồng đội bằng câu nói “Không có việc gì khó”.
Câu nói đó đã thôi thúc anh thành nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu ở Bentiu để quyết định gieo mầm gì trên mảnh đất như sa mạc này. Sau một thời gian, Trung tá Thành quyết định gieo hạt mướp vì khả năng sống sót cao, trường hợp cây không thể ra hoa kết trái thì giàn mướp cũng sẽ cho bóng mát, giảm nhiệt độ ngoài trời.
Tuy nhiên, mọi thứ chẳng suôn sẻ khi đất tại Bentiu rất cứng và cằn cỗi, thiếu nước, nên khi gieo hạt trực tiếp không thể tự nảy mầm. Bằng kinh nghiệm của con nhà nông, anh Thành thử nghiệm ngâm 7 hạt mướp vào nước ấm, sau 4 tiếng vớt ra ủ vào giấy vệ sinh đặt trong chiếc cốc. Mỗi ngày anh lại tưới một ít nước để giữ ẩm.
Không phụ lòng, sau 3 ngày mong ngóng, những mầm trắng đầu tiên từ hạt giống nhỏ đã nhú lên rồi dần mọc rễ. Nhưng để mầm cây có thể sống sót, không thể trồng chúng xuống nền đất khô của doanh trại. Anh Thành đào hố và nhờ sĩ quan ở các đơn vị bộ binh được phép ra ngoài doanh trại đi tuần tra thì lấy giúp đất tơi, mỗi ngày một túi nhỏ đổ vào hố.
Những mầm xanh đầu tiên được bộ đội Việt Nam gieo trên đất cằn Nam Sudan |
“Cứ như vậy dần dần hố cũng đầy đất. Sau giờ làm, tôi lại chăm lo, tưới tắm, che nắng che mưa cho cây, bảo vệ cây khỏi côn trùng, châu chấu, chăm bẵm như em bé”, anh Thành nhớ lại. Rồi bắt đầu những mầm cây xuất hiện các lá xanh, rồi dần cây bò lên cao, ra hoa và kết trái giữa thời tiết và đất đai khắc nghiệt của Nam Sudan.
Nhìn thấy sự thành công, sức sống mạnh mẽ của những cây mướp đầu tiên, các sĩ quan của ta được tiếp thêm cảm hứng và sau đó nhiều giàn mướp đã được dựng lên khắp doanh trại. Không chỉ dừng lại ở cây mướp, các sĩ quan Gìn giữ Hòa bìnhViệt Nam còn cuốc đất, kéo luống và trồng hàng loạt các giống rau, lương thực khác của Việt Nam. Phổ biến là các loại mồng tơi, rau đay, rau muống bởi sức sống mãnh liệt của chúng.
Sau 4 tháng, bệnh viện bắt đầu có mướp đủ để nấu ăn cho toàn đơn vị và duy trì đến khi kết thúc nhiệm kỳ. Mọi người ăn mướp nhiều đến ngán, vì nhà bếp nấu mướp ngày 2 bữa... suố 8 tháng liền. Vườn rau tăng gia của đơn vị được Đại úy Đinh Minh Kỳ (cán bộ ban hậu cần) đảm bảo chăm sóc chính.
Anh Kỳ cho hay: “Đất ở Bentiu tốt, hợp với mướp, mồng tơi nhưng thời tiết quá nắng nóng. Ngoài ra, cào cào, châu chấu nhiều vô số kể nên rau mới trồng phải giăng lưới 4 bên để hạn chế sự phá hoại”.
Những liều thuốc tinh thần
Màu xanh của rau và hoa đã khiến cho cái nắng ban ngày ở châu Phi bớt khủng khiếp. Ở đây, nắng sớm bắt đầu từ 8h-10h còn dễ chịu, nhưng từ 10h-16h, những tia nắng chói chang khiến mồ hôi ướt đẫm lưng áo và ngột ngạt. Thời tiết nắng nóng như thiêu đốt, nhiệt độ ngoài trời từ 45-50oC khiến khu vực đóng quân của Phái bộ Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp quốc (UNMISS) ở đây lúc nào cũng bức bối.
Dần dần những giàn mướp, vườn hoa đã làm cho không gian Bệnh viện dã chiến của các sĩ quan Việt Nam trở nên dễ chịu hơn. Cảm giác nóng nực, ngột ngạt từ mặt đất, từ không khí và các nhà cửa, hạ tầng quân sự cũng được giảm bớt.
Thiếu úy Sa Minh Ngọc (phụ trách phòng tác chiến) thường chọn cách giải tỏa căng thẳng và áp lực sau một ngày áp lực bằng việc hỗ trợ chiến sĩ khối hậu cần trồng hoa quanh bệnh viện. Bên cạnh hướng dương, cúc, thược dược, loài hoa được trồng nhiều nhất là mười giờ vì dễ sống, mạnh mẽ, lớn nhanh và nở nhiều hoa.
Chiến sĩ Ngọc kể rằng, trồng hoa vào đỉnh điểm của mùa khô, nắng nóng nên vô cùng khó khăn. “Cuộc sống tại đây thiếu nước nên các anh hậu cần phải xếp hàng ngoài đơn vị cả ngày để có nước chăm vườn rau, hoa quanh bệnh viện”, Thiếu úy Ngọc chia sẻ.
Những vườn hoa nơi làm việc trở thành liều thuốc tinh thần cho các sĩ quan Việt Nam khi phải làm việc ở đất nước Nam Sudan. |
Còn Thiếu tá Nguyễn Thành Công (Phó Giám đốc chuyên môn), làm gì thì làm nhưng cứ sáng và chiều anh đều tưới khu vườn trước phòng mình. Mảnh đất nhỏ chừng hơn 2m2 có cả một cây chùm ngây đã vươn cao, gốc mướp, giàn mồng tơi, nhiều loại hoa và cả rau quế.
Không chỉ anh Công, nhiều cán bộ cũng trồng hoa, trồng rau và coi đây là niềm vui hàng ngày. Trước một căn phòng tại Bệnh viện dã chiến có một cây ớt trái dáng tròn nhưng vẹo vọ, rất lạ so với trái ớt thuôn, nhọn ở Việt Nam. Không cần phân công, 4 thành viên nữ trong phòng thường xuyên tưới cây, tỉa lá mà không biết chán.
Điện thoại nhiều người còn lưu giữ hình ảnh cây mình trồng lớn lên hằng ngày, hằng tuần. Với giàn mướp, ban đầu họ còn đếm trái, về sau lượng mướp lên đến hàng chục, hàng trăm trái, không ai còn đếm nổi nữa.
Sau khoảng 9 tháng, bệnh viện dã chiến của Việt Nam đã có 200 m2 đất được phủ xanh bằng những vườn rau, giàn mướp, giàn bầu... cung cấp rau xanh cho toàn đơn vị. Các chiến sĩ Việt Nam còn tặng rau củ quả cho các đơn vị bạn như Mông Cổ, Anh, Ghana và các cán bộ, nhân viên Liên Hợp Quốc.
Mô hình trồng rau xanh của Việt Nam được nhiều Phái bộ Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp quốc từ các nước bạn thăm quan |
Ruộng rau, vườn hoa của bệnh viện trở thành nơi ghé thăm, chụp ảnh lưu niệm của nhiều vị khách tới làm việc tại phái bộ Liên Hợp quốc. Ở sân chào cờ góc bệnh viện, những bông mười giờ khoe sắc, lan nhanh phủ xanh những mảng đất cằn cỗi.
Theo Giám đốc bệnh viện Bùi Đức Thành, mô hình tăng gia sản xuất, tự cung tự cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam đã lan rộng toàn UNMISS. Hiện nay, bệnh viện dã chiến không chỉ trồng rau cho đơn vị mà còn cử người sang hướng dẫn, cung cấp hạt giống cho các đơn vị nước khác ở phái bộ.
“Mô hình tăng gia sản xuất, tự cung tự cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam đã lan rộng toàn Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc. Họ ngưỡng mộ Việt Nam về khả năng tạo ra màu xanh trên đất châu Phi cằn cỗi và khắc nghiệt. Vườn rau như một khẳng định của Việt Nam, ở mảnh đất tưởng chỉ có đói nghèo và xung đột này cuối cùng cũng có thể nảy lên những mầm xanh hy vọng - hy vọng về một thế giới hòa bình cho tất cả người dân dù khác biệt về màu da, tiếng nói, sắc tộc”, Đại tá Bùi Đức Thành tự hào chia sẻ.