Hàng triệu đô mỗi chuyến đi
Theo tổ chức phi chính phủ Mỹ National Taxpayers Union, khi Tổng thống Mỹ thăm chính thức một nước khác, chính phủ sẽ trả tiền cho tất cả các chi phí liên quan, bao gồm thức ăn, chỗ ở, đi lại, phí phát sinh cho cả Tổng thống và tất cả những người đi cùng. Máy bay: Trong các chuyến đi quốc tế, ông Obama di chuyển trên chuyên cơ Air Force One, tên gọi cho máy bay VC-25 được trang bị thiết bị quân sự cần thiết để đảm bảo an toàn cho Tổng thống, bao gồm cả hệ thống phòng thủ tên lửa, khả năng gây nhiễu radar và thiết bị đàm thoại có hình.
Chi phí hoạt động của Air Force One được đo bằng giờ, bao gồm nhiên liệu tiêu thụ, sửa chữa, bảo dưỡng máy bay và động cơ. Năm 2012, Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết, chi phí một giờ bay của Air Force One là hơn 179 ngàn USD. Tổ chức giám sát chính phủ Judicial Watch ước tính trong năm tài chính 2015, chi phí một giờ vận hành Air Force One là hơn 206 ngàn USD, giảm nhẹ từ mức 228 ngàn USD một giờ trong năm 2013. Sự suy giảm này có thể do giảm giá nhiên liệu.
Chỉ riêng chiếc chuyên cơ của Tổng thống đã có thể ngốn vài triệu USD bất cứ lúc nào ông ra nước ngoài. Ví dụ, trong chuyến đi của ông Obama về quê cha Kenya tháng 7/2015, cần gần 14 giờ để bay từ căn cứ không quân Andrews ở ngay ngoại ô Washington đến Nairobi, Kenya; rồi từ đó đến Addis Ababa, Ethiopia và trở lại Washington cần thêm 15 giờ. Điều đó có nghĩa là chi phí vận hành máy bay sẽ là gần 6 triệu USD.
Đặc biệt, khi Tổng thống công du nước ngoài, một số máy bay chở khách và vận tải cùng một chiếc VC-25 dự phòng cũng đi cùng ông. Các mật vụ thường đến nước bạn vài tuần trước Tổng thống để chuẩn bị công tác an ninh, cũng đòi hỏi phải có máy bay quân sự.
Trong chuyến đi kéo dài 11 ngày của Tổng thống Bill Clinton tới châu Phi năm 1998, Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ (GAO) báo cáo rằng máy bay chở hàng C-5 đã bay tổng cộng 1.975 giờ ở mức chi phí hơn 12.600 USD một giờ, với tổng chi phí gần 25 triệu USD để mang theo vật tư cần thiết. Tháng 4/2013, chi phí cho mỗi giờ bay của máy bay vận tải C-5B Galaxy đứng ở mức hơn 78.800 USD.
An ninh và tháp tùng: Khi ông Obama chuẩn bị đến châu Phi năm 2013, Washington Post đã thu được tài liệu mật từ nhân viên Nhà Trắng và mật vụ, hé lộ một số thông tin về công tác an ninh. Ít nhất 200 mật vụ phải bay đến nước bạn để đảm bảo an toàn cho Tổng thống 24/24.
Vì khu vực đến thăm ở châu Phi có bệnh viện không hiện đại và chất lượng chăm sóc y tế không cao, trong tài liệu, hải quân Mỹ lên kế hoạch gửi một con tàu có đầy đủ thiết bị y tế cùng đội ngũ nhân viên để đề phòng trường hợp khẩn cấp. Máy bay vận tải quân sự cũng được lên kế hoạch vận chuyển 56 xe hỗ trợ, trong đó có 14 xe limousine và ba xe tải được giao nhiệm vụ chở kính chống đạn để bảo vệ cửa sổ khách sạn của Tổng thống. Các chiến đấu cơ của Mỹ cũng hoạt động theo ca để bảo vệ trên không 24/24. Những công tác an ninh này được ước tính tiêu tốn 60 -100 triệu USD.
Các mật vụ thường thuê toàn bộ hoặc một phần khách sạn để kiểm soát an ninh tòa nhà kỹ càng hơn. Năm 2010, Tổng thống Obama cùng phu nhân đến Ấn Độ và ở lại khách sạn Taj Mahal ở Mumbai, nơi từng bị khủng bố tấn công năm 2008. Chính phủ Mỹ đã đặt tất cả 570 phòng ở khách sạn này. Với một đêm nghỉ của Tổng thống ở Brisbane, Australia cho Hội nghị thượng đỉnh G-20 năm 2014, phái đoàn Mỹ chi 1,7 triệu USD để thuê 4.000 phòng tại ba khách sạn khác nhau.
Khi công du nước ngoài, Tổng thống được tháp tùng bởi vài trăm nhân viên chính phủ. Guardian đưa tin rằng có 900 người tháp tùng ông Obama khi ông đến Bỉ năm 2014. Nhà Trắng nói rằng con số này là không chính xác, nhưng từ chối cung cấp số liệu cụ thể vì lý do an ninh.
Trong năm 2015, Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ báo cáo rằng các mật vụ được phân bổ 852 triệu USD để bảo vệ người và cơ sở vật chất và 31 triệu USD cho hoạt động quốc tế. Tuy nhiên, văn phòng không nêu cụ thể kinh phí dành riêng cho hoạt động an ninh liên quan đến công du nước ngoài là bao nhiêu.
Ba lớp bảo vệ an ninh
Theo ông Jeffrey Robinson, đồng tác giả cuốn sách "Standing Next to History: An Agent's Life Inside the Secret Service" viết về cuộc sống của những nhân viên mật vụ bảo vệ Tổng thống Mỹ, các đặc vụ cùng đội ngũ nhân viên Nhà Trắng thường tới địa điểm mà tổng tư lệnh nước Mỹ đến thăm trước ba tháng để thăm dò cũng như kết nối với lực lượng an ninh địa phương.
Họ phải giải quyết rất nhiều công việc, như đảm bảo không phận tại sân bay luôn thông thoáng vào thời điểm chuyên cơ Tổng thống hạ cánh, yêu cầu thành lập đội xe hộ tống, xác định vị trí các bệnh viện, đồng thời tìm những nơi ẩn náu an toàn đề phòng trường hợp Tổng thống bị tấn công.
Oregon Live dẫn lời ông Ronald Kessler, tác giả nhiều cuốn sách viết về mật vụ Mỹ, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Cục Điều tra Liên bang (FBI), cho hay lực lượng bảo vệ Tổng thống còn phải phối hợp hành động với cảnh sát địa phương để liệt kê tất cả các mối nguy hiểm tiềm ẩn và điểm mặt những thành phần có khả năng đe dọa tới Tổng thống. Sau đó, các mật vụ sẽ liên lạc với những người này để cảnh báo rằng họ đang bị giám sát rất chặt chẽ.
Chó nghiệp vụ cũng là một thành phần không thể thiếu trong đoàn bảo vệ Tổng thống Mỹ. Trước ngày chuyến công du diễn ra, các đặc vụ sẽ đưa những con chó có khả năng đánh hơi bom tới từng tuyến đường mà Tổng thống sẽ đi qua để kiểm tra.
Họ còn phải di dời mọi phương tiện đỗ tại các con phố xung quanh nơi Tổng thống ở nhằm chắc chắn rằng không ai có thể đặt được bom xe gần khách sạn của Tổng thống, ông Robinson cho hay. Bên cạnh đó, họ đôi khi phải bố trí cả những tấm màn chắn quanh chiếc xe chở Tổng thống để giúp ông không bị lộ diện.
Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng của nhân viên mật vụ là đảm bảo Tổng thống luôn ở gần các bệnh viện dã chiến, cách tối đa 10 phút đi xe. Họ sẽ cắt cử người túc trực tại các bệnh viện này để trợ giúp, phối hợp với đội ngũ y bác sĩ nếu cần cấp cứu.
Ngoài ra, để giữ an toàn tối đa cho Tổng thống, những tuyến đường mà đoàn xe của ông đi qua cũng sẽ bị cấm.
Khi Tổng thống tới khách sạn, các nhân viên mật vụ có thể sẽ không đưa ông vào theo lối cửa chính. Thay vào đó, họ dùng những cánh cửa phụ, thậm chí hộ tống Tổng thống về phòng nghỉ thông qua lối đi trong nhà bếp.
Nhân viên mật vụ còn phải kiểm tra nhân thân, hồ sơ lý lịch của tất cả nhân viên khách sạn nơi Tổng thống ở, Kessler cho biết thêm. Bất kỳ ai có tiền sử bạo lực, kể cả những hành vi rất nhỏ, đều được yêu cầu ở nhà trong suốt thời gian Tổng thống lưu trú. Thêm vào đó, mọi phòng khách sạn phía trên, phía dưới và xung quanh buồng của Tổng thống cũng bị phong tỏa.
Các nhân viên mật vụ sẽ rà soát toàn bộ phòng nghỉ của Tổng thống trước khi ông bước chân vào. Họ kiểm tra xem có dấu vết của thiết bị nghe lén hay vật liệu nổ hay không. Sau đó, họ tháo rời tất cả những bức tranh treo trên tường để đảm báo không có thứ gì được giấu đằng sau chúng hay bên trong các khung hình. Họ cũng lắp đặt vật liệu chống đạn che kín các ô cửa sổ hay tháo bỏ điện thoại và tivi bố trí sẵn trong phòng để thay thế bằng những vật dụng bảo mật hơn.
Robinson tiết lộ, nhân viên mật vụ sẽ dựng vành đai an ninh ba lớp xung quanh Tổng thống. Cảnh sát trấn giữ vòng ngoài cùng, nhân viên mật vụ xếp ở lớp giữa và cuối cùng, các đặc vụ thuộc Đơn vị Bảo vệ Tổng thống trấn thủ lớp trong cùng, gần với ông chủ Nhà Trắng nhất.
Các đặc vụ thuộc Đơn vị Bảo vệ Tổng thống trấn thủ lớp an ninh trong cùng, gần Tổng thống nhất. |
Đội cảnh khuyển tinh nhuệ
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người đứng đầu Nhà Trắng, bên cạnh các nhân viên an ninh, mật vụ tinh nhuệ, những đội chó nghiệp vụ cũng là thành phần không thể thiếu.
Ở các nước phương Tây, người ta thường gọi chung đội chó nghiệp vụ là Đơn vị K9. Những con chó thường được tuyển chọn rất kỹ lưỡng và phải trải qua quá trình huấn luyện gắt gao nếu muốn làm thành viên của lực lượng này.
Đầu năm ngoái, trước chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Barack Obama, các nhân viên mật vụ Mỹ cũng đưa tới thủ đô New Delhi một Đơn vị K9 vô cùng thiện chiến. Theo tờ Express Tribune, cơ quan an ninh đã triển khai tới 40 chó nghiệp vụ để bảo vệ ông Obama.
Đội chó nghiệp vụ là một lực lượng chủ chốt trong đoàn hộ tống tổng tư lệnh nước Mỹ. Chúng thường đảm nhận nhiệm vụ phát hiện những dấu hiệu khả nghi, tìm kiếm các đầu mối tiềm ẩn nguy hiểm ở phạm vi khoảng 100m xung quanh Tổng thống.
Đơn vị K9 của mật vụ Mỹ thành lập từ năm 1977 và sử dụng ngân sách liên bang để duy trì hoạt động. Lực lượng này sở hữu khoảng 75 con chó, mỗi con có giá khoảng 9.000 USD. Các chuyên gia sẽ huấn luyện chúng tầm năm tháng tại một cơ sở rộng hơn một triệu mét vuông, đặt ở bang Maryland, trước khi cho gia nhập lực lượng.
Chó nghiệp vụ thuộc Đơn vị K9 của Mỹ chủ yếu thuộc giống bec-giê Đức và Bỉ. Ngoài ra, K9 cũng chỉ chấp nhận những con chó trưởng thành. Kỹ năng nổi bật của chúng là đánh hơi, can thiệp và xử lỷ nhanh chóng những kẻ tấn công.
Chó nghiệp vụ bảo vệ Tổng thống Mỹ có thể ngửi thấy cả các dấu vết chất nổ đã cũ, ví dụ như RDX, thuốc nổ đen hay thiết bị nổ cải tiến (IED). Khả năng phản ứng của chúng cũng rất nhanh nhạy và linh hoạt. Ngay khi nhận hiệu lệnh, chúng sẽ lập tức khống chế mục tiêu chỉ trong chớp mắt. Vận tốc chạy trung bình của chó nghiệp vụ K9 Mỹ đạt khoảng 40 - 50 km/h. Cú đớp của chúng được đánh giá là rất nguy hiểm. Một khi đã cắn mục tiêu, chúng chỉ nhả ra nếu có chỉ thị từ người điều khiển.
Theo như lời miêu tả của các mật vụ Mỹ, những con chó nghiệp vụ thường tỏ ra thân thiện, gần gũi khi ở bên cạnh trẻ em nhưng sẽ trở nên hung dữ và hành động quyết đoán lúc đối mặt với các đối tượng gây nguy hiểm. Mắt chúng có phạm vi quan sát lên tới 270 độ và chúng "lao nhanh như một viên đạn". Chính vì thế, ngay cả các binh sĩ quân đội cũng ưa dùng chó nghiệp vụ. Một con chó K9 giống Malinois thậm chí từng tham gia sứ mệnh tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden hồi năm 2011.
Chó nghiệp vụ Mỹ cũng hưởng lương và được thăng chức trong quá trình làm việc. Chúng sẽ nghỉ hưu sau khoảng 10 năm cống hiến. Khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống, một số con còn có thể lưu trú cùng chủ của chúng tại các phòng khách sạn hạng sang.
Đội ngũ y tế ngoài “vùng chết”
Đơn vị Y tế Nhà Trắng (WHMU) là một bộ phận của Văn phòng Quân sự Nhà Trắng, chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho Tổng thống, Phó tổng thống, và các quan chức đến thăm.
Một y tá thuộc Đơn vị Y tế Nhà Trắng tiêm cho Tổng thống Obama. |
Theo LA Times, trong các chuyến công du nước ngoài, hai đội y tế thường đi cùng Tổng thống. Một đội bay cùng Tổng thống vào ngày đến thăm, còn một đội đã đến nước bạn từ trước để thiết lập các thiết bị y tế. Với cách này, Tổng thống sẽ luôn có một đội bác sĩ và y tá đã được nghỉ ngơi và sẵn sàng làm nhiệm vụ. Khi ông Obama thăm Anh năm 2011, có sáu bác sĩ tháp tùng ông, theo Telegraph.
Để chuẩn bị cho chuyến công du nước ngoài, một đội ngũ Nhà Trắng sẽ khảo sát trước thành phố Tổng thống đến thăm và môi trường xung quanh, đánh giá các cơ sở y tế và gặp gỡ các bác sĩ nước chủ nhà. "Trong khi mật vụ rà soát, tìm kiếm bom đạn thì chúng tôi rà soát xem liệu có những con bọ không và kiểm tra điều kiện môi trường", bác sĩ Connie Mariano, từng chăm sóc sức khỏe cho các ông Bill Clinton và George Bush, viết.
Chuyên cơ Air Force One của Tổng thống Mỹ có các thiết bị y tế để được biến thành phòng phẫu thuật nếu cần. Nó mang theo các loại thuốc và máu dự trữ cho Tổng thống và đệ nhất phu nhân. Theo Telegraph, đội ngũ y tế luôn mang sẵn máu AB - nhóm máu của ông Obama để đề phòng trường hợp bị ám sát hoặc tai nạn nghiêm trọng.
Năm 1994, khi ông Bill Clinton lên kế hoạch cho một chuyến đi nước ngoài, bác sĩ Mariano cho biết Bob Ramsey, một đại tá và chuyên gia về máu, đã gửi cho các bác sĩ tại bệnh viện nước chủ nhà nhóm máu sai - lỗi y tế có khả năng gây tử vong. Ramsey sau đó bị sa thải.
Vào thời chính quyền Clinton, một bác sĩ và y tá Nhà Trắng thường tháp tùng đệ nhất phu nhân khi bà công du nước ngoài mà không đi cùng Tổng thống. Tuy nhiên, bà không có một đội ngũ y tế tháp tùng trong hoạt động bình thường hàng ngày, Rob Darling, từng là bác sĩ cho cựu tổng thống Clinton, cho biết.
Năm 2009, khi được đặt câu hỏi về sự sắp xếp dành cho bà Michelle Obama, phát ngôn viên Nhà Trắng từ chối trả lời.
Tất cả bác sĩ của Nhà Trắng đều là quân y từng được huấn luyện chiến đấu. Họ cũng trải qua thêm một năm huấn luyện khi gia nhập đơn vị y tế của Nhà Trắng.
Các bác sĩ coi vai trò của họ giống như mật vụ trong việc "đảm bảo chính quyền luôn được điều hành", bảo vệ lãnh đạo đất nước không chỉ trước nguy cơ ám sát mà còn các căn bệnh như đau tim, ung thư, theo Darling.
Khi đi cùng đoàn xe của Tổng thống, các bác sĩ và y tá được sắp xếp vị trí ở ngay bên ngoài "vùng chết" - tức là càng gần Tổng thống càng tốt nhưng phải đủ xa để có khả năng sống sót khi bị bắn trúng do đạn lạc hay xe limousine chở Tổng thống bị đánh bom. Các nhân viên y tế thường mặc quần áo dân sự, vì những người mặc quân phục thường là mục tiêu dễ bị tấn công hơn./.