Chuyện anh Tú con nuôi

Đặng Anh Tú hàng ngày bán hàng nơi má nuôi vẫn ngồi khi xưa.
Đặng Anh Tú hàng ngày bán hàng nơi má nuôi vẫn ngồi khi xưa.
(PLO) - Hai mười sáu năm ngồi chợ Tân Định, không ai biết Tú là con nuôi bà Bảy. Cái sạp chỉ rộng vỏn vẹn 1,6m2, nhưng với Tú nó thiêng liêng vô hạn. Nơi đó đã đỡ đẻ cuộc đời vợ chồng anh lần thứ hai, nơi đó có má nuôi dạy Tú từ lời chào, chữ tín, sự cần mẫn, chắt chiu của người tiểu thương: suốt ngày, suốt đời ngoài chợ.

Duyên – nghiệp

Năm 1974, khi Đặng Anh Tú được ba tuổi, người cha chết trận. Sau 1975, người mẹ bước thêm bước nữa, từ đó, Tú sống nhờ người thân đến 14 tuổi thì bước ra đường. Bắt đầu bằng giỏ bánh mỳ, trừ lúc đến trường, Tú bán dạo quanh công viên Lê Văn Tám, quận 1. Sau đó kiếm được cái tủ, dựng nhờ vỉa hè đường Võ Thị Sáu, bên cạnh một quán kem. Tối ngủ tại mái hiên, ông chủ đồng ý và nhờ trông dùm quán. Cứ 4 giờ sáng, Tú lội ra chợ Tân Định mua thịt, chả và ghé vô quầy bà Bảy mua đồ chua. 

Mua mãi thành quen, một lần, bà đưa chuyện: “Má đâu sao con đi chợ một mình?”. Nghe xong câu trả lời của thằng nhỏ, bà im lặng. Những lần tới, bà không lấy tiền nữa. Hôm khác, bà Bảy lại hỏi: “Nhà con ở đâu?”. Và, trong một đêm mưa lúc 9 giờ tối, bà kêu xích lô chạy đến gần quán kem. Hé qua tấm bạt che, nhìn đứa trẻ 15 tuổi ngồi co ro dưới mái hiên dột, bà quay về. Những hôm sau gặp Tú, bà nhỏ nhẹ: “Trưa con ra ăn cơm với cô rồi đi học”. Được nửa năm, trong bữa cơm ở chợ, bà Bảy nhìn Tú: “Con về ở với cô, không bán bánh nữa. Buổi không học, ra phụ bán hàng”. Sau hôm đó, Tú thành con nuôi bà Bảy. Đó là năm 1987. 

Cái nghiệp ngồi chợ đến với bà Bảy khi cả nhà nheo nhóc, túng quẫn. Bà tên Nguyễn Thị Tuyết, con thứ 6 trong một gia đình có tới 10 anh em. Cuối những năm 50, người cha bà dắt vợ con từ Mỹ Tho lên Sài Gòn kiếm sống. Được vài năm, người mẹ mất ngay khi sinh cô con gái út. Hai năm sau, bà mất luôn cha. Lúc ấy đang buổi loạn ly, mấy anh chị của bà, người chết trận, người chẳng rõ lưu lạc phương nào... bà thành chị lớn, thành mẹ của bốn đứa em. Bỏ việc điều dưỡng ở một bệnh viện, sáng sáng, bà ra đầu chợ Tân Định ngồi, bắt đầu bằng hũ dưa chua, hũ mắm cà. Đó là năm 1964, bà Bảy 19 tuổi. 

Gánh dưa cà mắm muối lề chợ nuôi được bầy em khôn lớn. Sau 1975, tiểu thương chợ Tân Định vào hợp tác xã, lúc đó, bà có chỗ ngồi trong lồng chợ khi người ta sắp lại sạp. Mười mấy năm ngồi chợ, các món chua, mắm và các loại nước chấm của bà đã nổi tiếng ngon. Hơn nữa, cái sạp đồ chua còn được khách mối để ý bởi cô bán hàng xinh đẹp, nết na và chiều khách vào bậc nhất chợ. 

Dạy người, dạy nghề

Tú về làm con nuôi bà Bảy được 3 năm thì hợp tác xã giải thể, trả chợ lại cho quận quản lý. Ngày đầu ra chợ, với Tú, đó là một thế giới đầy màu sắc. Người má nuôi giao ước với con, mỗi ngày sẽ trả “lương” cho Tú 30 ngàn đồng. Được ăn no mặc sạch, vẫn đi học và mỗi tháng còn được mẹ để dành cho 3 chỉ vàng tiền công, với thằng con trai 16 tuổi đầu, có nằm mơ cũng chẳng nghĩ ra. Nhưng, điều ấp ủ lớn lao hơn của người mẹ đã 42 tuổi, không chồng không con này là nắn sửa và dạy nghề đứa con nuôi, do phải vật lộn kiếm sống từ bé, đã manh nha cái chất ngang tàng, tuỳ tiện pha chút máu me. 

Ra sạp, bắt đầu từ lời chào, chia sẻ quan tâm thăm hỏi khách nhưng không đào sâu vào đời tư, chiều lòng nhưng không vồn vã. Bà Bảy thường bắt đầu dạy con bằng kể những câu chuyện mỗi khi thưa khách. Bao giờ cũng kết bằng một câu, như là nguyên tắc “nghề làm dâu trăm họ”, “khách hàng là người nuôi sống mình” hoặc “vì con muốn thắng nên mới thua”. Hồi đó, hàng phải tự đi lấy, nhà phân phối không giao tận sạp như bây giờ. Khách mối phải giao hàng tận nơi nên việc giao - nhận phải kỹ lưỡng về chất lượng, số lượng và giờ giấc. Mỗi dịp lễ, tết phải ước lượng khách để chuẩn bị hàng, sao cho không thiếu, không thừa. 

Thật ra, những điều dạy bảo của người mẹ chỉ sau này, khi ra sạp riêng, Tú mới thấm, còn lúc đó chẳng cảm được bao nhiêu. Bà Bảy biết điều này. Một hôm vào buổi trưa khi chợ vắng, lục trong giỏ ra cuốn tiểu thuyết “Con nhà nghèo” của Hồ Biểu Chánh, bà kêu Tú “đọc cho má nghe”. Việc đọc sách cho mẹ buổi trưa tại chợ là một công việc không dễ chịu với Tú. Nhưng chiều mẹ, anh đọc như trả nợ. Mất chừng tháng mới đánh vật xong cuốn sách, Tú tưởng thoát. Nhưng mẹ anh cắc cớ: “Cái đoạn cô Ba Nhơn, con gái bà cai tổng Hiếu xuống nhà cô Lựu đòi mua con là sao?”. “Con đọc má nghe bữa trước rồi!”, Tú thoái thác. “Nhưng má quên, con đọc lại để má nhớ”, bà Bảy giả tảng. 

Sau Hồ Biểu Chánh là Võ Đình Cường với “Thử hoà điệu sống”, “Ánh đạo vàng”… Con đọc đến đâu, mẹ hỏi đến đó, ban đầu Tú trả lời như bị cưỡng bức nhưng dần dà, nghiền lúc nào, mê lúc nào không biết. Mấy hôm vô lễ, tết, chợ đông, trưa không được nghỉ, Tú bỗng thấy thèm đọc, thỉnh thoảng anh hỏi vói mẹ chương này, đoạn nọ, bà Bảy vừa bán vừa nhẩn nha trả lời. 

Suốt ngày ngồi chợ, chiều tối về, bà Bảy lại cầm tay con chỉ cách lặt cọng cải, tỉa hoa, pha mắm muối dưa, làm hàng bán. Vừa làm, mẹ con vừa nghe nhạc, mỗi khi Tú mở nhạc to, bà Bảy đều nhỏ nhẹ: “Nghe nhạc phải lắng tai”. QUen dần, biết mẹ thích Phạm Đình Chương với những “Xóm đêm” “Đêm cuối cùng”, bà thường thẫn thờ khi nghe đến bài “Nửa hồn thương đau”. Thấy vậy, một lần Tú thắc mắc, bà nhìn con rồi lặng lẽ khóc. Ngày trước, khi nuôi lớn bầy em, bà đã lỡ thì. Một người đến với bà, sau tình yêu là những đề nghị làm ăn chung. Bà tin tưởng, trao tất cả. Một ngày, họ bỏ đi sau khi đã thu được nhiều lợi.  

Nối nghiệp

Một lần, sau khi về làm con nuôi bà Bảy, Tú gặp một người quen cũ đi chợ: Cô bé bán kem mướn ngoài Võ Thị Sáu, nơi ngày trước Tú ngủ trọ. Ít lâu, cô bé 15 tuổi trở thành khách mối của bà Bảy, nhìn cô lựa đồ, khi cô nói chuyện, cả cách cô trả tiền khiến bà để ý. Một hôm, bà đưa cho anh ba chỉ vàng, kêu đạp xe chở cô bé đó đi đóng tiền học may ở chợ Hoà Bình. Tú thấy khó hiểu và sau đó là khó chịu và ghét vì trưa nào bà Bảy cũng bắt anh mang cơm đến tiệm cho “con nhỏ”. Một cậu học sinh cấp ba, đang tơ tưởng đến những tà áo dài, còn “cô bé bán kem đâu can hệ gì”. 

Ba năm ròng rã đưa cơm, họ quyến luyến nhau lúc nào không biết. Lúc đó Tú mới hay, “cô bé” cùng hoàn cảnh, ở Củ Chi lưu lạc lên Sài Gòn với ước mơ làm cô thợ may áo dài. Năm 1992, họ nên vợ chồng, bà Bảy vui lắm. Bây giờ, sau hơn 21 năm, người vợ anh ngồi chợ kế nghiệp má nuôi, đứa con lớn của Tú sắp xong đại học, anh càng thấm thía điều người mẹ nuôi đã chọn cho mình hồi xưa.  

Lấy vợ xong, bà Bảy khuyên con nên ra riêng. Người bán ngay cạnh mẹ con Tú muốn sang sạp với giá 10 cây vàng. Tiền trả công cho Tú, bao năm để dành bây giờ bà mới đưa ra. Ngày ra riêng, bà Bảy nắm tay con dâu nhắc: “Có sạp ở chợ như nhà có sẵn lu gạo”. Tú thiếu vốn, bà không đưa tiền mà cho con mượn hàng, bán hết trả lại mẹ. Khách mối đến, bà chỉ sang hàng con, khoe: “Con tui mới ra riêng, qua đó mua giùm vợ chồng nó”. Vợ chồng trẻ “giành” được thêm nhiều mối hàng lớn của mẹ, sau nửa năm ngồi chợ, bắt đầu có của riêng để dành. 

Lúc này, bà dạy con dâu thêm một bài học: không giữ tiền, có đủ tiền mua nửa chỉ vàng, khi nào để dành đủ mua nửa chỉ nữa, mang nửa chỉ kia ra đổi thành một chỉ. Cứ vậy, ba năm sau, mẹ giúp thêm, hai vợ chồng đủ tiền mua một mảnh đất nhỏ, cất được căn nhà ở Gò Vấp. Có được nhà thì cạn vốn, Tú không dám nói mẹ, nhưng bà hiểu. Tiếp tục “chống lưng” cho con theo cách cũ: mượn hàng và thêm những câu chuyện ở trong “Con nhà nghèo”. Bây giờ bà kể cho con dâu khi rảnh.

Cho đến trước khi mất, cách đây 5 năm, bà không nghỉ buổi chợ nào, dù nắng hay mưa, khoẻ hay yếu. Lúc lâm chung, bà gọi hai đứa con nuôi, trao cái sạp, nơi bà đã ngồi đó cả đời, cho vợ chồng Tú. Bây giờ, hàng ngày hai vợ chồng vẫn ngồi bán trên sạp của mẹ, dù chợ truyền thống đã ế và khó hơn xưa. Ngày ngày, vẫn những mối khách của mẹ đến sạp, dù bây giờ họ mua ít hơn. Họ, có người đã mất, có người, con cháu đi chợ thay. 

Cái sạp chỉ rộng vỏn vẹn 1,6m2, nhưng với Tú nó thiêng liêng vô hạn. Nơi đó đã đỡ đẻ cuộc đời vợ chồng anh lần thứ hai, nơi đó có má nuôi dạy Tú từ lời chào, chữ tín, sự cần mẫn, chắt chiu của người tiểu thương: suốt ngày, suốt đời ngoài chợ. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.