Với mục tiêu tiệm cận chuẩn khu vực và quốc tế, gần 860 tỉ đồng ngân sách Nhà nước được hỗ trợ cho 23 trường ĐH để đào tạo hơn 2.000 sinh viên theo chương trình tiên tiến. Song thực tế, các trường gặp không ít vướng mắc trong tuyển sinh, khó khăn mời giảng viên nước ngoài giảng dạy và vấn đề kinh phí…
Không hấp dẫn thí sinh giỏi
Chương trình tiên tiến (CTTT) được triển khai trong một số trường ĐH ở Việt Nam từ năm 2006 với chất lượng cao, đào tạo bằng tiếng Anh và sử dụng toàn bộ giáo trình, tài liệu của các trường đối tác có uy tín trên thế giới…Đây được coi như một hình thức đào tạo không chỉ dành cho sinh viên giỏi trong nước mà còn là điểm đến của sinh viên nước ngoài. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, không ít ngành đang đứng trước tình trạng cạn nguồn tuyển, dẫn tới chất lượng đầu vào thấp, ảnh hưởng đến yêu cầu của CTTT.
Theo ông Trương Chí Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, với mức học phí cao khi theo học các CTTT (nếu không có nguồn tiền từ dự án), việc tuyển sinh, thu hút sinh viên giỏi càng khó khăn do các em có khả năng xin học bổng từ nhiều chương trình khác nhau.
Ông Bùi Văn Cam, Hiệu trưởng Trường KHTN (ĐHQG) triển khai 3 CTTT chia sẻ: “Để thực hiện CTTT, việc tuyển được sinh viên giỏi là rất quan trọng, bởi vì sinh viên chất lượng kém sẽ rất khó mời giảng viên nước ngoài. Việc học bằng tiếng Anh sẽ rất khó, nên sinh viên chưa mặn mà với CTTT. Hơn nữa, sau khi tốt nghiệp sinh viên cũng chỉ được cấp bằng của Việt Nam”.
Đại diện ĐH Sư phạm Huế nêu thêm, muốn thu hút được sinh viên theo học CTTT thì đầu ra phải chất lượng tốt để sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm. Nhiều ý kiến còn cho rằng, hiện nay, các trường triển khai CTTT chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, trao đổi giảng viên, sử dụng chung phòng thí nghiệm, thực hành giáo trình, tài liệu tham khảo của nhau để phát triển…
Vẫn lúng túng
Thực tế, theo ông Tôn Thất Dung - Trưởng phòng đào tạo ĐH Sư phạm-ĐH Huế, đến thời điểm này, trường đã tuyển sinh 5 khóa theo CTTT nhưng chưa khóa nào tuyển đủ chỉ tiêu. Hiện có 95 sinh viên, trung bình 1 khóa 25 sinh viên.
Cá biệt khóa 4, trường có 21 sinh viên trúng tuyển vào CTTT nhưng chỉ có 7 sinh viên nhập học. Với đầu vào chất lượng không cao, đặc biệt là trình độ tiếng Anh, nhà trường phải dành 600 tiết học kỳ đầu để trang bị tiếng Anh thì sinh viên mới có thể học các môn bằng ngoại ngữ.
Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT đã thống kê, chỉ có các ngành thuộc khối kinh tế có số lượng sinh viên cao, từ 60-80 sinh viên/khóa. CTTT ở các ngành khối kỹ thuật có số lượng sinh viên ở mức trung bình, từ 30-45 sinh viên/khóa. Một số ngành có số lượng sinh viên theo học CTTT thấp, như ngành Vật lý của trường ĐH Huế hoặc như ngành Khoa học vật liệu của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ngành Hệ thống năng lượng của trường ĐH Bách khoa TP.HCM...
Số lượng giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy các CTTT khóa tuyển sinh 2006 chỉ đạt dưới 50% so với kế hoạch của các trường, thậm chí có trường chỉ đạt 30%. PGS. Quang Vinh, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Đà Nẵng dẫn chứng thực tế của trường, chi phí cho việc mời giảng viên nước ngoài là rất cao, ví dụ như mời một giáo sư sang thỉnh giảng một đợt phải chi từ 120-180 triệu đồng. Hơn nữa, thời gian giảng dạy của một số giảng viên chỉ ngắn từ 2-3 tuần nên sinh viên phải chịu áp lực lớn về khối lượng học tập, không đủ thời gian chuẩn bị bài trước khi lên lớp.
Có thể nói, ngay từ đầu, khi chương trình được triển khai, nhiều chuyên gia giáo dục đã hoài nghi về hiệu quả và tính khả thi của chương trình. Và như vậy, sau 5 năm- những khó khăn và hiệu quả vẫn còn bề bộn dù những kỳ vọng vẫn còn ở phía trước. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh, thời gian tới các trường cần tập trung nâng cao năng lực tiếng Anh và chuyên môn cho cán bộ quản lý, giảng viên Việt Nam, tăng cường thu hút giảng viên nước ngoài, giảng viên Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy...
Uyên Na