“Mẹ đỡ đầu” - bình an qua bão giông
Cách đây một năm, tháng 6/2022, tại Chương trình “Mẹ đỡ đầu - Yêu thương và sẻ chia” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Dương tổ chức ở Bình Dương - địa phương trước đó vừa là tâm điểm của đại dịch COVID-19, câu chuyện của chị Lâm Quỳnh Hoa, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 5 (P 14, Q 10, TP HCM) cùng 5 người con nhận đỡ đầu đã khiến nhiều người rơi nước mắt.
Chị Hoa cho biết, cả 5 người con trên đều là hàng xóm của chị. Trước đây, các bé luôn được sống hạnh phúc khi có đầy đủ ba mẹ chăm sóc, nhưng đại dịch quét qua đã khiến ba của các bé không may qua đời. Chị Hoa tưởng tượng một ngày nào đó gia đình chị, các con của chị cũng rơi vào hoàn cảnh như vậy thì sẽ rất đau lòng, chính vì vậy chị hiểu và thương các bé. Đặc biệt, nhờ có sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương và chồng chị làm bên ngành Y tế cũng giúp đỡ chị Hoa rất nhiều trong việc nuôi dạy, chăm sóc các con. “Một đặc điểm chung của các bé mồ côi ở xóm mình là đều mất đi trụ cột trong gia đình. Mẹ của các bé chỉ ở nhà làm nội trợ, chăm sóc con cái. Khi mất đi người thân, mất đi nguồn thu nhập chính, họ rất hoang mang, chơi vơi. Cũng may mắn là từ sau khi dịch bệnh được kiểm soát, đã có nhiều mạnh thường quân cùng chính quyền địa phương quan tâm, góp sức cùng tôi chăm lo cho các con. Tôi tin tưởng vào những điều tử tế trong cuộc sống”, chị Hoa chia sẻ.
Cũng tháng 6/2022, trong triển lãm “Mẹ đỡ đầu - Bình an sau bão giông” tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương, dòng tâm sự của em Bùi Thị Hảo (Bình Sơn, Triệu Sơn, Thanh Hóa) là một trong rất nhiều chia sẻ đầy xúc động: “Bố ơi, con có mẹ rồi, còn có rất nhiều mẹ nữa. Mẹ Hiền mua cho con váy, mẹ Hương mua cho con búp bê, mẹ Trang cho con màu vẽ…”. Bùi Thị Hảo cũng như nhiều em nhỏ khác trên khắp đất nước, sau biến cố vì đại dịch đã nhận được sự chở che, bao bọc và yêu thương từ những trái tim nhân hậu từ chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Các em đã và đang dần tìm lại được nụ cười bởi “Mẹ đỡ đầu” đã dang rộng vòng tay bao dung ôm trọn các em vào lòng.
Thông tin từ Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đại dịch COVID-19 đã làm 4.461 trẻ em Việt Nam rơi vào cảnh mồ côi, trong đó có 193 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Từ thực tế này, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã quyết định phát động chương trình “Mẹ đỡ đầu” từ tháng 10/2021.
“Tính đến nay, chương trình đã vận động được tổng số tiền trên 115 tỷ đồng, hỗ trợ, đỡ đầu cho 19.760 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có trên 3.000 trẻ mồ côi do COVID-19... Cuộc sống của nhiều trẻ thiếu may mắn đã có những đổi thay. Điều đặc biệt hơn cả là sức lan toả của chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Chương trình đã được sự ủng hộ, đồng hành cùng tổ chức Hội của nhiều đơn vị, cá nhân trong việc hỗ trợ tư vấn tâm lý và người chăm sóc, nuôi dưỡng các con; tư vấn định hướng nghề nghiệp… Trong quá trình triển khai Chương trình, các cấp Hội luôn chủ động quán triệt, xây dựng kế hoạch, cụ thể hoá các nội dung hướng dẫn của Trung ương để phù hợp với thực tiễn địa phương. Nhiều tỉnh, thành đã phát huy được mạng lưới câu lạc bộ hưu trí, hội đồng hương xa quê, Việt kiều... kết nối hiệu quả mẹ đỡ đầu ở xa với mẹ đỡ đầu trực tiếp và trẻ mồ côi” - thông tin được Phó Chủ tịch Tôn Ngọc Hạnh đưa ra Gala tổng kết Trại hè Hoa hướng dương cho trẻ mồ côi năm 2023 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức trung tuần tháng 6/2023.
Thêm 7.910 trẻ mồ côi khó khăn được đỡ đầu
Trong khuôn khổ của trại hè, nhiều hoạt động bổ ích, ý nghĩa đã diễn ra như lớp dạy các con kỹ năng sống, phòng, chống xâm hại, định hướng nghề nghiệp; hướng dẫn các mẹ kỹ năng làm công tác xã hội, hỗ trợ quá trình làm mẹ đỡ đầu của trẻ mồ côi. Mồ côi mẹ do dịch COVID-19 từ lúc mới lên 9 tuổi, bé Trần Ngọc Lan Anh, sinh năm 2012, ở tỉnh Vĩnh Long đã phải tự chăm sóc bản thân mình khi cha còn làm ăn xa, không ở bên cạnh. Cũng vì thế, con cũng chưa có cơ hội tiếp cận những kiến thức về phòng, chống xâm hại, cũng chưa có ai chỉ dạy tỉ mỉ cho con.
Qua sự giảng dạy tận tình của các thầy cô tại trại hè, Lan Anh rất thích thú: “Con có cảm giác rất vui khi được tham gia và học những động tác phòng ngừa, phòng chống, mình tự bảo vệ bản thân mình”. Tại nhiều địa phương, việc mở các lớp dạy kỹ năng sống xâm hại cho trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn, đó cũng là trăn trở lớn nhất của chị Võ Thị Bình Minh, Hội LHPN tỉnh Quảng Bình. Cùng các con tham gia lớp học, chị đã tự trang bị thêm cho mình được các kiến thức để về truyền đạt lại cho các con đỡ đầu của mình.
Một trong những hoạt động ý nghĩa của chương trình Trại hè Hoa hướng dương là buổi chia sẻ cảm xúc của các cặp mẹ con tham gia chương trình. Hàng trăm bức thư với tất cả những lời biết ơn, những nỗi niềm yêu thương được các con viết ra gửi đến cha/mẹ đỡ đầu của mình. Cả cha và mẹ của con Trần Khoa Đăng Trường sinh năm 2011 ở TP HCM đã bị COVID-19 cướp đi. Những dòng thư cảm ơn được Trường nắn nót từng chữ để gửi đến bố đỡ đầu Trần Khoa Tuấn của mình. Với Trường, ước mơ lớn nhất hiện giờ của em là chỉ mong sao bố Tuấn luôn thật khỏe mạnh để em có thể nói lời yêu thương dành cho bố mỗi ngày.
Mồ côi cả cha lẫn mẹ do COVID-19, em Trần Thị Huyền Trân, sinh năm 2006, ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang gặp nhiều khó khăn khi phải sống một mình. Mẹ đỡ đầu Trần Kim Ngân đã nhận chăm sóc, thăm hỏi, yêu thương, làm vơi đi nỗi đau, nỗi mất mát trong con. Dù chưa từng nói ra lời yêu mẹ nhưng những dòng thư nhòe đi bởi những giọt nước mắt nghẹn ngào xúc động của Huyền Trân đã nói lên tất cả.
Xúc động trước những hoàn cảnh cũng như nỗ lực của các cặp mẹ con đỡ đầu trên khắp cả nước, tại buổi gặp mặt đoàn đại biểu tham dự Trại hè Hoa hướng dương, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh: “Vì dịch bệnh mà nhiều trẻ em không may mắn khi thiếu vắng cha mẹ trong cuộc sống, nhưng sự ra mắt kịp thời của mô hình “Mẹ đỡ đầu” đã trở thành điểm tựa để lan tỏa yêu thương cho trẻ mồ côi trên khắp mọi miền đất nước”.
Tại Gala tổng kết Trại hè Hoa hướng dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết: “Qua 2 năm thực hiện, đến nay đã có gần 20 nghìn trẻ mồ côi khó khăn nhận được những tình cảm yêu thương, quan tâm, trách nhiệm của các mẹ đỡ đầu cả về vật chất lẫn tinh thần, giúp các con vơi bớt nhọc nhằn, khó khăn, có thêm cơ hội để viết tiếp ước mơ tươi sáng”.
Cũng theo bà Hà Thị Nga, tại nhiều địa phương, 100% trẻ mồ côi do COVID-19 trên địa bàn đã có mẹ đỡ đầu. Nhiều tỉnh, thành Hội đã thực hiện cam kết hỗ trợ đỡ đầu không chỉ con mồ côi do COVID-19 mà còn mở rộng đến đối tượng mồ côi do các nguyên nhân khác. Trong đó, nhiều mẹ đỡ đầu đã cam kết đỡ đầu cho các con đến khi học xong đại học. Cũng trong Gala tổng kết trại hè, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã công bố 7.910 trẻ mồ côi khó khăn được cam kết nhận đỡ đầu mới từ năm 2023.
Tham dự chương trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao sự nỗ lực của Hội LHPN Việt Nam và chương trình “Mẹ đỡ đầu” là hoạt động an sinh xã hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thiết thực, phần nào bù đắp cho các trẻ em mồ côi có được tình cảm ấm áp của gia đình, nhằm chắp cánh ước mơ cho các con hướng đến tương lai tốt đẹp và tràn đầy tình yêu thương. Ông Nguyễn Hòa Bình kêu gọi các cấp, các ngành và toàn cộng đồng xã hội hãy lắng nghe trẻ em bằng cả trái tim và hãy chung tay hành động chăm sóc, bảo vệ trẻ em bằng cả tấm lòng yêu thương nhân Tháng hành động vì trẻ năm 2023.