Chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư của Học viện Tư pháp được triển khai để thực hiện Quyết định số 2083/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”. Chương trình đào tạo hiện hành gồm có: Chương trình khung đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 1856/QĐ-BTP ngày 03/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chương trình chi tiết đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư của Học viện Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 1507/QĐ-BTP ngày 22/9/2020 của Giám đốc Học viện Tư pháp.
Chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng về sự gắn kết những đặc thù nghề nghiệp của ba chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư và kinh nghiệm đào tạo, sử dụng học viên sau đào tạo tại Việt Nam và một số nước trên thế giới. Một số nét đặc trưng của chương trình như sau:
Về đối tượng đào tạo: Đối tượng đào tạo của chương trình là các học viên là người có trình độ cử nhân luật trở lên (bao gồm cả những người đang làm việc tại các Tòa án, Viện kiểm sát có nhu cầu tham gia khóa đào tạo).
Về thời gian đào tạo và nội dung chương trình: Chương trình được xây dựng theo hệ thống tín chỉ, tổng số tín chỉ mà học viên phải tích lũy là 52 tín chỉ và được chia thành 04 giai đoạn: Giai đoạn Nghề luật và môi trường nghề luật; Giai đoạn Đào tạo kỹ năng cơ bản của các chức danh; Giai đoạn Đào tạo thực tế, thực tập nghề nghiệp; Giai đoạn Đào tạo chuyên sâu. Nội dung chương trình cơ bản phù hợp, giúp học viên có được cái nhìn đa chiều từ góc nhìn nghề nghiệp của cả ba chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư.
Về hoạt động kiến tập, thực tập: Hoạt động kiến tập, thực tập được tổ chức một cách bài bản, có kế hoạch, học viên được tham gia kiến tập, thực tập tại Viện kiểm sát, Toà án, Văn phòng luật sư, Cơ sở giam giữ, Trung tâm trợ giúp pháp lý…qua đó bước đầu giúp học viên hình dung ra công việc, môi trường nghề nghiệp và có dự định, kế hoạch công việc của mình trong tương lai.
Về giảng viên: Nguồn giảng viên đa dạng gồm cả giảng viên cơ hữu của Học viện Tư pháp và giảng viên thỉnh giảng là các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư giàu kinh nghiệm; Các nhà khoa học chuyên ngành Luật; Các giảng viên đều được tập huấn nhằm nắm bắt những điểm đặc thù của chương trình đào tạo chung và những kỹ năng, phương pháp giảng dạy phù hợp.
Về giáo trình, tài liệu: Học viện Tư pháp đã xây dựng hệ thống giáo trình, đề cương môn học, hồ sơ tình huống phong phú, với hơn 80 hồ sơ tình huống Dân sự, Hình sự, Hành chính được cập nhật thường xuyên; 08 Giáo trình, Tập bài giảng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ cho chương trình đào tạo chung.
Về phương pháp giảng dạy: Học viện Tư pháp áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực qua đó phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Các phương pháp giảng dạy được áp dụng gồm thuyết trình tích cực, thảo luận nhóm nhỏ, giải quyết tình huống, đóng vai diễn án, tọa đàm… Học viện áp dụng tối đa phương pháp song giảng, tam giảng cho các bài học trong chương trình để học viên có cơ hội nắm bắt được kỹ năng, kinh nghiệm nghề nghiệp của cả ba chức danh Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư và có được cái nhìn đa chiều cả từ lý luận và thực tiễn về nghề nghiệp.
Tính đến thời điểm hiện nay, Học viện Tư pháp đã và đang triển khai đào tạo được 05 khóa đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và đã nhận được những phản hồi tích cực từ người học, người sử dụng lao động và toàn xã hội.
Để tìm hiểu thêm về chương trình đào tạo, vui lòng liên hệ:
Khoa đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư, Học viện Tư pháp;
Địa chỉ: Phòng A302, tầng 3, nhà A, Học viện Tư pháp, số 9 Trần Vĩ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội;
Email:
khoadaotaochunghvtp@gmail.com
Điện thoại: (024)62873230 (Máy lẻ: 230).
Hoặc truy cập:
http://hocvientuphap.edu.vn;
https://www.facebook.com/daotaochunghvtp2016