Chung tay phòng chống 'đại dịch' lừa đảo trực tuyến

Hội thảo Phòng chống lừa đảo trên không gian mạng do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức. (Ảnh: P.V)
Hội thảo Phòng chống lừa đảo trên không gian mạng do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức. (Ảnh: P.V)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến công tác phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng gặp nhiều khó khăn như: hành lang pháp lý chưa điều chỉnh theo kịp với các vấn đề mới phát sinh. Chưa có quy định cụ thể về nhận diện người dùng internet, dẫn đến khó quản lý đối tượng trẻ em…

Người dân mất hàng chục tỷ đồng sau một cú click chuột

Khoảng 3 tháng gần đây, rất nhiều người dân bỗng dưng nhận được lời mời đầu tư vàng online với lãi suất vô cùng hấp dẫn. Lợi dụng sự lan tỏa của mạng xã hội, các đối tượng này đã lập ra các hội nhóm, giới thiệu mình là chuyên gia nhằm dụ dỗ người tham gia.

Ông Nguyễn Văn T, - một nạn nhân cho biết, nếu như trước kia, các đối tượng thường tiếp xúc bằng việc tư vấn, gọi điện nhưng nay cách thức, thủ đoạn đã thay đổi. Chúng lập ra những tài khoản ảo. Trên đó có các hoạt động tương tác, có những nhóm bạn, hình ảnh quảng cáo cho hình ảnh của họ như các kỳ nghỉ, xe sang, tiêu tiền tỷ để đánh bóng.

Sau lời kêu gọi trao đổi, những đối tượng này còn mở cả các phòng Zoom trực tuyến để hướng dẫn cách đầu tư và tiềm năng lợi nhuận với hình thức đầu tư vàng trên mạng xã hội này đem lại. Để nhà đầu tư yên tâm hơn, những đối tượng này sẽ mời nạn nhân vào những nhóm chat chung có nhiều người đang có ý định mua vàng qua các app và mạng xã hội. Thực chất trong nhóm này có rất nhiều kẻ lừa đảo núp bóng nhà đầu tư và đưa ra những thông tin ảo nhằm dụ người đầu tư.

Cùng với đó, gần đây, nhiều người dân sống tại Hà Nội và nhiều thành phố lớn, khi tham gia đầu tư tài chính trên mạng đã bị lừa từ vài tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí có người đã bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 57 tỷ đồng.

Dù chiêu trò của các đối tượng không mới nhưng rất tinh vi, vì thế vẫn có nhiều người dùng mạng xã hội bị lừa. Nhấn mạnh người dân phải nâng cao cảnh giác hơn nữa bởi không gian mạng ngày càng phức tạp, Cục An toàn thông tin cũng khuyến nghị người dân tìm hiểu, tự trang bị cho bản thân kiến thức để bảo vệ mình trên mạng. Và quan trọng hơn cả là người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, người dân không nên giao dịch chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng, cần “chậm lại” để tìm hiểu và xác minh kỹ danh tính đối tượng đó.

Thời điểm nạn nhân mới chấp nhận chi tiền đầu tư, tiền lãi được hoàn lại ngay để tăng độ tin tưởng. Nhưng khi nạn nhân bỏ ra số tiền lớn, các đối tượng đưa ra nhiều lý do để chiếm đoạt tài sản như “nâng cấp gói VIP”, “hoàn trả quỹ hỗ trợ đầu tư”… Thực tế, đã có những nạn nhân bị lừa chiếm đoạt số tiền lớn, đơn cử như một phụ nữ sống tại Hà Nội đã bị bạn quen qua ứng dụng Tinder lừa mất 5,4 tỷ đồng.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin đề nghị người dân cảnh giác khi tham gia các ứng dụng hẹn hò online; đồng thời không tham gia ứng dụng đầu tư tài chính, sàn giao dịch quốc tế được quảng cáo lãi suất cao, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo. Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm. Trong thời gian qua, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong những tội phạm xảy ra phổ biến trong xã hội, chủ yếu xuất phát và ẩn giấu từ trong các giao dịch dân sự do đó thường khó phát hiện và ngăn ngừa. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản giờ đây không chỉ thông qua các hành vi vay, mượn tiền, tài sản đơn thuần mà đã biến tướng dưới nhiều dạng hành vi khác phức tạp và tinh vi hơn, đặc biệt là thông qua mạng xã hội.

Có thể thấy, đặc điểm chung của những dạng thủ đoạn này cũng giống với các dạng lừa đảo khác đó là đánh vào lòng tham của các nạn nhân, như việc không cần mất phí vẫn nhận được phần quà giá trị lớn, đưa ra mức lãi suất đầu tư siêu lợi nhuận. Tuy nhiên, các dạng thủ đoạn này nguy hiểm và dễ dẫn dụ hơn rất nhiều vì thực hiện có hệ thống, có sự bàn bạc và câu kết thực hiện một cách bài bản. Theo đó, một số sàn giao dịch tiền ảo đã phát triển thành các ứng dụng (app) có thể đăng ký, nạp tiền, sử dụng dễ dàng ngay trên 1 chiếc điện thoại thông minh. Như vậy, khả năng tiếp cận dễ dàng với các ứng dụng này giúp cho các đối tượng có một số lượng “con mồi” đông đảo. Thêm nữa, tính cá nhân trong việc sử dụng các ứng dụng khiến cho hành vi lừa đảo khó bị phát hiện hơn. Bởi người dùng khi bị thua lỗ thường không dám nói ra ngoài, có tâm lý cố gắng “hồi vốn” và ngày càng mất nhiều tiền cho các ứng dụng lừa đảo. Chưa kể, dòng tiền trong các vụ án lừa đảo qua mạng xã hội biến động nhanh, di chuyển liên tục, khó kiểm soát.

Về phương thức, thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, khi chúng sử dụng công nghệ deepface giả mạo người thân hoặc cơ quan chức năng gọi điện; kêu gọi đầu tư qua các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán. “Với thực trạng này, việc ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại do lừa đảo qua không gian mạng đang đặt ra rất cấp thiết hiện nay”, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Hành lang pháp lý chưa theo kịp vấn đề phát sinh

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, công tác phòng chống lừa đảo trên không gian mạng còn nhiều khó khăn. Đó là hành lang pháp lý chưa điều chỉnh theo kịp các vấn đề mới phát sinh, chưa có quy định cụ thể về nhận diện người dùng Internet, dẫn đến khó khăn trong quản lý. Trong khi 1/3 người dùng internet tại Việt Nam là chưa thành niên, phần lớn không có kỹ năng sử dụng mạng an toàn.

Quy trình xử lý các vụ việc lừa đảo còn tồn tại một số khó khăn, nhất là phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để truy vết dòng tiền lừa đảo mất nhiều thời gian, hiệu quả thu hồi kém. Việc phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến cũng mất nhiều thời gian và hiệu quả chưa cao, thông tin cung cấp chậm và chưa xác định được địa chỉ IP của đối tượng khi dùng mạng qua 3G, 4G.

Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), nhìn nhận hệ thống pháp luật của Việt Nam còn chưa hoàn chỉnh, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và ngân hàng… sử dụng biện pháp hành chính nên thường có độ trễ, trong khi các đối tượng dùng online chuyển tiền, xóa dấu vết rất nhanh.

Theo ông Trần Quang Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số (Bộ TT-TT), Bộ TT-TT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Một trong những nội dung được quan tâm là yêu cầu xác thực số điện thoại khi đăng ký tài khoản trên mạng xã hội. “Cùng với việc xác thực số điện thoại đồng bộ với Cơ sở dữ liệu của Bộ Công an, khi chúng ta biết ai là ai, với những biện pháp nghiệp vụ, sẽ tiết kiệm được thời gian công sức để đưa ra những đối sách với bọn tội phạm”, ông Hưng nói.

Cùng với đó, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng. Các cuộc tấn công mạng có xu hướng tập trung chủ yếu vào con người thay vì máy móc, thiết bị. Việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn. Từ đó góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội số một cách bền vững; là một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách trong thời đại số hóa, bảo vệ an toàn thông tin cho mọi người tham gia hoạt động trên môi trường mạng.

Trên phương diện quốc tế, Liên hợp quốc và một số tổ chức, cộng đồng quốc tế, khu vực đang thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế, thúc đẩy phối hợp giữa các quốc gia thiết lập quy tắc chung, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ, phát huy cao nhất thuận lợi. Trên phương diện quốc gia, hơn 160 nước, trong đó nhiều nước lớn, liên tiếp ban hành các chính sách mới nhằm tăng cường bảo vệ dữ liệu, phòng, chống đánh cắp, mã hóa dữ liệu để lừa đảo, đòi tiền chuộc.

Tại Việt Nam, trong năm 2023, các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đe dọa cuộc sống của người dân.

Nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực an ninh mạng thiếu hụt. Vấn đề “sim rác”, mua bán tài khoản ngân hàng tuy đã được tập trung xử lý, song vẫn còn tràn lan, khiến hoạt động điều tra tội phạm gặp nhiều thách thức...

Nêu lên các giải pháp phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, các chuyên gia cho rằng, cần hoàn thiện chính sách, định hướng phát triển giải pháp công nghệ phối hợp giữa cơ quan chức năng, phòng ngừa từ sớm đối với lừa đảo qua không gian mạng, nâng cao sức đề kháng cho người dân và tổ chức tham gia môi trường mạng để phòng chống lừa đảo. Ông Vũ Ngọc Sơn - Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế (Hiệp hội An ninh mạng quốc gia) đã giới thiệu demo Phần mềm phòng chống lừa đảo trên điện thoại di động, dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 7/2024.

Đọc thêm

Liên tiếp các vụ tấn công mạng vào doanh nghiệp: Cần khắc phục ngay lỗ hổng ý thức về an toàn thông tin

An ninh mạng đang là vấn đề hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp hiện nay
(PLVN) -  Sau hàng loạt những cuộc tấn công mạng nhắm vào thị trường kinh doanh, đặc biệt là các là doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, điện năng... Các chuyên gia đưa ra nhận định, doanh nghiệp cần nhanh chóng khắc phục những lỗ hổng liên quan đến bảo mật cũng như nâng cao ý thức pháp luật để bảo vệ mình tốt hơn.

Phát hiện vàng không rõ nguồn gốc

Lực lượng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra, lập biên bản các cửa hàng bán vàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Ảnh: Hoàng Anh
(PLVN) -  Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP HCM cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng vàng trên địa bàn TP HCM.

Cần tăng thuế để kiểm soát tiêu dùng đồ uống có đường

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Ngày 5/4, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge Việt Nam tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng.

Tổng cục Thuế tiếp tục cảnh báo những hành vi giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để lừa đảo

Tổng cục Thuế một lần nữa khẳng định, không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành Thuế nào thu thuế hộ
(PLVN) - Thông tin từ Tổng cục Thuế vừa cho biết, trong thời gian vừa qua, ngành Thuế liên tục tuyên truyền và đưa ra những cảnh báo về tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế (CQT) để thực hiện hành vi lừa đảo người nộp thuế (NNT), nhưng vẫn có người dân mắc bẫy các đối tượng này, nhất là trong tháng cao điểm quyết toán thuế.