Hội nghị có sự tham dự của đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam; Cục Di sản Văn hóa Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch; lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế ; các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Đây là hội nghị thứ hai sau hội nghị được tổ chức tại Jeonju, Hàn Quốc (tháng 11 năm 2016). Hội nghị lần này, các đại biểu cùng chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ góp phần đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững và tìm hiểu hướng đi trong tương lai để xây dựng hệ thống bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT).
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Kwon Huh – Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin và Mạng lưới Quốc tế về Di sản văn hóa phi vật thể ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, các tổ chức phi chính phủ (NGO) làm việc với các cộng đồng ở nhiều nơi khác nhau. Điều này nói lên rằng NGO là một phương tiện quan trọng giữa những người tạo nên văn hóa và công chúng. Hội nghị lần này tập trung đặc biệt vào Giáo dục chất lượng và các thành phố, cộng đồng Bền vững vì các hoạt động khác nhau của các NGO giúp giảm thiểu các vấn đề trong giáo dục, an toàn và an ninh của các không gian con người sinh sống, khơi gợi và hướng lớp trẻ tham gia vào các vấn đề xã hội nhằm tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.
Đại diện của 35 tổ chức trong lĩnh vực bảo vệ DSVHPVT đến từ 16 quốc gia cùng tham gia hội nghị lần này và đóng vai trò cầu nối giữa các quốc gia và cộng đồng xã hội tham gia bảo vệ DSVHPVT với các mục tiêu khác nhau như: phát triển cộng đồng địa phương, xóa đói giảm nghèo, phục hồi đô thị và xây dựng năng lực cộng đồng, dựa trên kiến thức và kinh nghiệm của họ góp phần vào việc phát triển bền vững.
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại lễ khai mạc |
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Michael Croft khẳng định, tôi chắc chắn rằng tất cả chúng ta ở đây đều rất tâm huyết với bảo vệ di sản, bởi đó là một phần của chúng ta. Di sản văn hóa phi vật thể giúp ta biết được nơi ta thuộc về, giúp kết nối chúng ta với quá khứ, hiện tại và tương lai
Hội nghị với mục đích tăng cường trao đổi và hiểu rõ hơn mối quan hệ qua lại giữa Di sản Văn hóa Phi vật thể và phát triển bền vững, nhằm trao quyền cho các tổ chức phi chính phủ tham gia Bảo tồn Di sản Văn hóa Phi vật thể trong khu vực thông qua việc chia sẻ thông tin hữu ích và tăng cường mạng lưới các tổ chức phi chính phủ trong khu vực.
Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế, hội nghị lần này là cơ hội để Trung tâm BTDT Cố đô Huế nói riêng và tỉnh TT- Huế nói chung mở rộng hợp tác, quảng bá, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể và vật thể của Huế. Góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững di sản văn hóa và du lịch tỉnh nhà.
Sau phần khai mạc, hội nghị tiếp tục với 3 phiên làm việc với các nội dung: Vai trò của tổ chức phi chính phủ đối với bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể; Giáo dục di sản văn hóa phi vật thể vì sự phát triển bền vững; Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và Phát triển Cộng đồng.