Chương trình mới: Vẫn học để thi?
Cuối năm 2018, khi GS.TSKH Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông mới chia sẻ thông tin: “Chương trình môn Toán mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Theo đó, để đạt được mục tiêu trên, Chương trình môn Toán mới được ban soạn thảo xây dựng trên phương châm 10 chữ: tinh giản, thiết thực, hiện đại và khơi nguồn sáng tạo. Nội dung phải tinh giản, phản ánh những giá trị cốt lõi, nền tảng của văn hóa toán học.
Đây là nội dung nhất thiết phải được đề cập trong nhà trường phổ thông, phản ánh nhu cầu hiểu biết thế giới cũng như hứng thú, sở thích của người học. Chương trình môn Toán chú trọng tính ứng dụng thiết thực, gắn kết với đời sống thực tế và các môn học khác, gắn với xu hướng phát triển hiện đại của kinh tế, khoa học, đời sống xã hội và những vấn đề cấp thiết có tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, giáo dục tài chính...”.
Theo GS Thái, tinh thần chung của chương trình môn Toán mới là giảm nhẹ yêu cầu về giải bài tập, cương quyết không đưa vào các dạng bài tập mẹo mực, lắt léo. Những bài tập như thế (về cơ bản) chỉ để phục vụ việc thi cử chứ không giúp hình thành và phát triển năng lực cho người học. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay và phản ứng của dư luận xã hội về việc con em học toán vô cùng vất vả mà không biết để làm gì…
Tuy nhiên, nhiều giáo viên toán cho rằng họ hoang mang khi đọc chương trình này. Bởi chương trình không nói rõ đánh giá học sinh thế nào, nên sẽ khó thay đổi được việc dạy toán, người ta rất dễ sa vào tình trạng dạy để thi, không quan tâm đến yêu cầu cần đạt, đến mục tiêu giáo dục thực sự của môn học.
Theo PGS Toán Chu Cẩm Thơ (ĐH Sư phạm Hà Nội), chương trình hiện hành vẫn còn ở trường phổ thông là cung cấp cho học sinh những kiến thức, kĩ năng, phương pháp toán học phổ thông cơ bản, thiết thực; góp phần quan trọng vào việc năng lực trí tuệ, hình thành khả năng suy luận đặc trưng của Toán học phát triển cần thiết cho cuộc sống; góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất, phong cách lao động khoa học, biết hợp tác lao động, có ý chí và thói quen tự học thường xuyên; tạo cơ sở để học sinh tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống… (trích Chương trình năm 2002, trang 2 và trang 26).
Thế nhưng, thực tế gần 20 năm qua, việc dạy và học toán đã không giúp đại đa số người học đạt được những mục tiêu đó. Có giáo viên còn thẳng thắn cho rằng: “Chúng tôi rất chờ đợi đề thi minh họa, để chúng tôi còn biết cách mà “dạy”. Việc học đáp ứng thi dẫn đến thói quen “luyện” các dạng bài có trong kỳ thi, mà hầu như học sinh nào cũng phải học (dù không muốn, không có mục tiêu thi cử) nên học sinh sợ, chán học, không thấy được những gì thuộc toán cần thiết cho cuộc sống, cho lao động và cũng không nắm được phương pháp toán học cơ bản… các phẩm chất cũng chẳng thể được rèn luyện và đo lường trong dạy học. Trong khi đó lần này, chương trình lại đi theo một xu hướng giáo dục hoàn toàn mới “định hướng năng lực”, khác rất nhiều với chương trình năm 2002 “giáo dục định hướng nội dung”.
Năng lực chỉ có thông qua kiến thức
Còn theo GS.TSKH Ngô Việt Trung, nếu trước đây, thời của ông học toán, bất cứ định lý nào cũng được chứng minh, giải thích rất rõ ràng. Và nếu hiểu cái cốt lõi ấy rồi thì không cần nhớ máy móc một công thức, tự mình cũng có thể phục hồi nó lại. Còn bây giờ, với chương trình giảm tải, người ta đã bỏ đi cái phần giải thích, chứng minh rất quan trọng này.
Trong khi sách toán phổ thông hiện nay khiến người học toán chỉ biết áp dụng các định lý, công thức một cách máy móc mà thôi. Bây giờ, người ta chỉ nghĩ cần phải học những cái gần với đời sống, có thể áp dụng ngay vào đời sống. Như thế, chỉ cần dạy học sinh cộng trừ, nhân chia là xong. Nhưng dạy toán đâu có phải vì mục đích đó.
Bây giờ ở ta thường nhấn mạnh đến việc phát triển năng lực học sinh và đưa ra hàng loạt mĩ từ cho nó. Nhưng thực tế, năng lực chỉ có thông qua kiến thức. Rồi thi cử cũng vậy, giờ chúng ta thi trắc nghiệm môn Toán nhưng thử hỏi trên thế giới thường khi nào người ta dùng thi trắc nghiệm? Đó là khi người ta cần kiểm tra kỹ năng.
Ví dụ như học ngoại ngữ, học lái ôtô, đấy là học kỹ năng và những cái đó thì đúng là nên thi trắc nghiệm. Còn kiểm tra về kiến thức thì phải tự luận mới phân loại được học sinh. Chúng ta đã không học suy luận, đến thi cử cũng không còn thi tự luận, thành ra học sinh bây giờ suy luận rất kém.
Chỉ cần hỏi các thầy cô đang giảng dạy ở các trường đại học xem trình độ suy luận của sinh viên trong những năm gần đây thế nào sẽ biết ngay ảnh hưởng tai hại của thi trắc nghiệm đối với cách học của học sinh phổ thông. Có những bài tập mà trước kia bất cứ sinh viên nào cũng giải được nhưng bây giờ ngay cả những sinh viên giỏi nhất cũng không biết.
Cách dạy toán ở Việt Nam hiện nay toàn dạy các dạng bài rồi luyện cho học sinh mà rất ít đào sâu lý thuyết, dẫn đến học sinh không hiểu sâu sắc lý thuyết. Các ngành kỹ thuật công nghệ cao đòi hỏi nền tảng toán học vững chắc mà nhiều sinh viên đại học kỹ năng giải toán còn kém đi so với phổ thông. Trong khi đó, ứng dụng của toán trong công nghệ thông tin, trong kinh tế, trong nghiên cứu học thuật, chứng minh quy luật kinh tế, xã hội, văn hóa đều cần phải dùng các phép toán…
Cách dạy toán hiện khô khan, chỉ tập trung vào giải bài tập trên sách vở
Ở góc độ khác, PGS.TS Toán Lê Anh Vinh từng chia sẻ, học sinh giỏi toán nhiều khi cũng không đủ thời gian để suy nghĩ sâu sắc cho một vấn đề. Điều này, có lẽ do các em phải học nhiều môn với khối lượng bài tập lớn nên không được phép và không tạo được thói quen suy nghĩ sâu cho một điều gì. Cùng với đó, thêm một tồn tại trong giáo dục môn Toán ở phổ thông là nhiều giáo viên chỉ quan tâm học sinh trả lời đúng mà bỏ qua những đáp án khác biệt.
Theo TS Lê Anh Vinh, nếu giáo viên hỏi học sinh vì sao ra được kết quả khác thì vừa có thể giúp các em tự nhận ra cái sai (nếu em đó thực sự sai), vừa khai mở cho thầy và trò tới trường kiến thức mới. TS Vinh cho rằng, cách dạy toán hiện khô khan, chỉ tập trung vào giải bài tập trên sách vở. Trong khi đó đáng lý việc dạy và học môn này ở các cấp phải thông qua trò chơi. Điều này khiến học sinh hứng thú, cảm thấy môn học thú vị, gần gũi với cuộc sống…