Trước khi chết, vua Phổ đã cầm tay Moda và nói: "Ta tiêu biểu cho quyền lực. Ngươi tiêu biểu cho cái đẹp. Sau này hậu thế sẽ quên ta mà nhớ đến ngươi". Câu nói bất hủ ấy khẳng định sức sống vĩnh cửu của cái đẹp. Mà cái đẹp không chỉ có khả năng "sống vĩnh cửu", nó còn có khả năng khác quan trọng không kém: Cứu rỗi tâm hồn. Thật kỳ lạ khi đêm chung kết Champions League giữa Inter Milan và Bayern Munich lại làm chúng ta sống dậy những dòng suy tư đó. Đêm chung kết Champions League, Inter Milan chơi một thứ bóng đá phòng ngự điển hình, còn Bayer Munich thì tấn công trong vô vọng. Một đêm chung kết như thế đẹp ở chỗ nào? Ở đời, đẹp hay xấu tùy thuộc vào quan điểm triết mĩ của mỗi con người, nhưng có điều, trong cái trận chung kết tưởng như phải rừng rực "lửa hận thù" kia, ai cũng phải công nhận là đã có những cử chỉ, những sự "đối nhân xử thế" khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng. Tại sao lại nói đấy là trận đấu "tưởng như phải rừng rực lửa hận thù"? Tại vì ai cũng biết, cả Inter lẫn Bayern đều bước vào trận đấu với một lòng kiêu hãnh ngút trời - lòng kiêu hãnh của những kẻ vừa giành cú đúp tại giải bóng đá ở đất nước mình. Lại nữa, cả Inter lẫn Bayern đều không ngại ngần "tố" nhau và bày tỏ sự "bất phục" về nhau. Bằng chứng là Jose Mourinho - HLV quyền lực của Inter đã khẳng định chắc chắn là đội bóng của mình sẽ vô địch - lời khẳng định chẳng khác gì coi đối phương những đứa con nít. Ngược lại, HLV Luis Vagaal của Munich lại bảo trong khi Mourinho chỉ biết "làm mọi giá để chiến thắng" thì ông luôn thiết lập một đội bóng đi tới chiến thắng bằng một lối chơi đẹp, và vì thế việc ông làm khó hơn nhiều so với việc Mourinho phải làm.
Arjen Robben - người từng chung lưng đấu cật với Mourinho ở Chelsea một thời, giờ đang khoác áo Bayern còn "đổ thêm dầu vào lửa" bằng câu nói: "Quãng thời gian làm việc với Mourinho là quãng thời gian bất hạnh nhất trong cuộc đời bóng đá của tôi". Có nghĩa là trước khi bước vào trận chung kết, cả Jose Mourinho lẫn Luis Vagaal, cả Inter Milan lẫn Bayer Munich đều có rất nhiều lý do để ném về phía nhau những ánh mắt hận thù. Vậy nhưng kỳ lạ thay, ngọn lửa hận thù tưởng như phải cháy rốt cuộc đã không cháy. Thay vào đó lại là những hành động đẹp đẽ. Hành động thứ nhất: Trong một tình huống ném biên, Robben vô tình giáp mặt với Mourinho trên đường piste. Và thế là ống kính truyền hình đã "chộp" lại cảnh tượng hai người thầy trò giờ ở hai đầu chiến tuyến đã ôm chầm lấy nhau, rồi cùng hướng về phía nhau với những nụ cười rạng rỡ. Khi chứng kiến hình ảnh này, một câu hỏi đột xuất lóe lên trong tôi: Giả như mình là Mourinho thì liệu mình có thể ứng xử một cách đẹp đẽ vào cao thượng với kẻ chỉ vài giờ trước đó còn công khai chỉ trích mình hay không? Và ngược lại, giả như mình là Robben thì mình liệu có thể nở nụ cười với kẻ mà mình công khai tố cáo hay không?
Có thể nụ cười của hai người đàn ông lúc ấy chỉ là phép xã giao, nhưng ngay cả khi đấy là sự thật thì nó cũng không thể phủ nhận một sự thật khác: Những con người có văn hóa luôn biết cách ứng xử có văn hóa với ngay cả "kẻ thù" của chính mình! Hành động thứ hai: Khi trận chung kết chỉ còn khoảng 3 phút nữa, Mourinho đã chủ động tiến về khu kĩ thuật của Bayern để ôm lấy ValGaal mà động viên, chia sẻ. Ngược lại, Val Gaal cũng nhã nhặn ôm lấy người cộng sự cũ của mình (trước đây Mourinho làm trợ lý cho Val Gaal ở CLB Barcelona), rồi cười tươi tắn. Những hình động giữa Mourinho với Val Gaal và giữa Mourinho với Robben khiến cho đêm chung kết châu Âu càng trở nên ý nghĩa. Những hình ảnh ấy chính là hiện thân của cái đẹp trong bóng đá, trong cuộc đời. Một cách vô thức, cái đẹp ấy làm chúng ta buột miệng tự hỏi: Trên sân cỏ nước mình và trong những giao tiếp xã hội của chính mình, chúng ta liệu có đẹp như thế được không?
Ở trên phạm vi sân cỏ, bóng đá Việt Nam đã và đang sống trong thời kỳ ngột ngạt vì bạo lực. Ở đó, có hàng loạt những cú tắc bóng mà cầu thủ bên này lao vào cầu thủ bên kia như thể "triệt hạ", và cũng có hàng loạt những vụ chửi bới, đánh đập mà CĐV bên này hướng về phía CĐV bên kia như thể muốn "ăn tươi nuốt sống". Còn ở phương diện xã hội, những ngày qua hẳn chúng ta không thể không thấy đau lòng với hàng loạt những vụ án mạng man rợ của những Vũ Thị Kim Anh, Nguyễn Đức Nghĩa (đều phạm tội giết người tình), khiến cho cả xã hội phải xôn xao. Ở một phạm vi nhẹ nhàng hơn, chúng ta cũng không thể không nhận thấy một sự thật, đó là chúng ta bây giờ dễ dàng lao vào nhau để "xử" nhau hơn: trên đường, một va chạm xe cộ nhỏ cũng "xử", trong cơ quan, một xích mích bé bé cũng có thể "xử"... Nhìn nhận như vậy sẽ thấy rằng đêm chung kết Champions League đã vô tình nhắc nhở chúng ta về cách ứng xử trong cuộc đời, và đánh thức trong lòng chúng ta thật nhiều xúc cảm về cái đẹp. Đêm chung kết ấy, những con người tưởng như phải rừng rực hận thù nhau rốt cuộc đã ứng xử với nhau thật tuyệt vời. Sẽ là không quá lời nếu bảo nó - những ứng xử đẹp đẽ ấy đã đánh thức chúng ta trước một cuộc khủng hoảng mà ở đó chúng ta chẳng khác gì những kẻ tự đào hố chôn mình!
Theo TuanVietNam