Đức vẫn là gốc
Cuối tuần qua, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9 Khóa XIII, khi đề cập đến việc chỉ đạo, định hướng hoàn thiện Đề cương và xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý đặc biệt: Nên chăng, trong giai đoạn phát triển mới vẫn cần tiếp tục triển khai thực hiện ba đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII đề ra; tuy nhiên cần tập trung vào những nội dung rất then chốt, cụ thể hơn, hiện thực hơn; trong đó, cần “đổi mới căn bản, toàn diện công tác cán bộ, thu hút, bồi dưỡng, phát triển, trọng dụng nhân tài”.
Nhắc đến công việc chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, người đứng đầu Đảng ta nêu rõ, công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp uỷ phải thực hiện theo đúng Điều lệ, quy chế, quy định của Đảng; rà soát thật kỹ để lựa chọn, giới thiệu và bầu được những đồng chí thật sự xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chú ý phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có triển vọng...
Thời gian qua, nhất là từ Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, đã rất nhiều lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến công tác nhân sự với yêu cầu đặt ra là phải chọn đúng người, đặt đúng vị trí. Nhân sự đó không chỉ có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược và kiến thức tương đối toàn diện mà còn phải có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân tín nhiệm.
Tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng diễn ra vào tháng 3/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Tiểu ban Nhân sự - cũng đặc biệt nhấn mạnh vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội. “Công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng” - Tổng Bí thư nêu rõ và yêu cầu “phải chuẩn bị rất kỹ, rất chu đáo, cẩn thận, tránh tối đa những sai sót”. Theo đó, phải lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ và tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với công việc. Chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cá nhân, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm... Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIV phải thật sự là những đồng chí tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ... “Nói tóm lại là phải vừa có đức, vừa có tài, trong đó đức là gốc” - Tổng Bí thư nói.
Trước những tác động của mặt trái cơ chế thị trường, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, suy thoái về đạo đức, lối sống đã làm trái Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng, vi phạm pháp luật nghiêm trọng. “Từ Đại hội Đảng lần thứ I đến nay, chưa có nhiệm kỳ nào mà cán bộ của chúng ta bị xử lý kỷ luật nhiều như vậy... Không ít đồng chí - kể cả cán bộ cấp cao - trở thành những “quan cách mạng”. Và cũng chưa có nhiệm kỳ nào mà đội ngũ cán bộ của chúng ta có những vui buồn lẫn lộn như kỳ này. Vui vì công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta ngày càng đạt kết quả cao. Nhưng buồn vì ngày càng có nhiều cán bộ vi phạm pháp luật, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Bối cảnh đó đã khiến Nhân dân không khỏi băn khoăn, lo lắng. Bởi vậy, trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9 vừa diễn ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh đến công tác tổ chức cán bộ, coi đây là việc làm hết sức cần thiết và phải làm đến nơi đến chốn” - ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chia sẻ.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngày 9/5 vừa qua, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Quy định chỉ có 6 điều, nhưng đã liệt kê cụ thể, chi tiết những “chuẩn mực đạo đức cách mạng” của người cán bộ, đảng viên. Trong đó, “cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, cấp trên gương mẫu trước cấp dưới, cấp ủy gương mẫu trước đảng viên, đảng viên gương mẫu trước quần chúng”.
Công tác cán bộ phải có sự tham gia của dân
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Đăng Khoa) |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên. Người khẳng định: Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Không phải ngẫu nhiên mà khi bàn về tư cách đạo đức, Bác lại nhấn mạnh trước hết “tự mình phải”, “đối với mình”, “tự phê bình”... Theo GS Hoàng Chí Bảo (chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương), Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh về bốn đức để làm người, để trở thành người toàn diện, đó là “cần, kiệm, liêm, chính”. Muốn mọi người làm theo, nghe theo, đòi hỏi người nêu gương phải công tâm, phải “chí công vô tư”, mọi việc lớn nhỏ đều chỉ hướng tới lợi ích của cộng đồng với tinh thần toàn tâm, toàn ý phục vụ Nhân dân, đặt việc nước, việc dân lên trên hết, trước hết.
Với Quy định số 144-QĐ/TW, đây không phải lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Trước đó, Đảng ta đã ban hành rất nhiều nghị quyết, quy định, hướng dẫn về cách thức, biện pháp nêu gương của cán bộ, đảng viên, điển hình là Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng tiếp tục xác định: Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị...
Như vậy, có khá nhiều quy định của Đảng về vấn đề này, nhưng tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật Đảng vẫn xảy ra thường xuyên. Theo ông Nguyễn Túc, nhiều cán bộ, đảng viên hiện nay có hiện tượng nói nhiều nhưng làm không đúng, nói không đi đôi với làm. “Tôi đã nhiều lần đề nghị, công tác cán bộ phải là công tác của dân. Bác Hồ cũng từng nhiều lần căn dặn chúng ta, có dân là có tất cả, mất dân là mất hết. Tại sao công tác cán bộ của chúng ta, nhất là cán bộ chủ chốt lại không lấy ý kiến của người dân tại địa bàn dân cư mà thường lấy ý kiến của cấp ủy ở cơ quan? Trung ương đã chỉ đạo, những người giàu nhanh mà không chứng minh rõ nguồn gốc tài sản thì cần phải xem xét. Vậy ai là người biết rõ “anh” giàu nhanh? Trước hết là những người dân tại địa bàn mà đồng chí đó cư trú cũng như nơi ở của vợ, con đồng chí đó. Do đó, tôi đề nghị công tác cán bộ của chúng ta phải làm một cách bài bản hơn nữa; phải có sự tham gia của dân chứ không phải chỉ có Đảng và chính quyền” - ông Nguyễn Túc đề nghị.
Công tác cán bộ nói chung và công tác nhân sự đại hội nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhưng cũng cực kỳ phức tạp, khó khăn, vì nó là “công tác con người”. Bởi vậy, nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phải bằng mọi biện pháp dứt khoát không đưa vào cơ quan lãnh đạo những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người đã phạm sai lầm hoặc sa sút về phẩm chất, đạo đức, vướng vào tham nhũng, “chạy chức, chạy quyền”. Trách nhiệm của chúng ta là phải xây dựng được một Ban Chấp hành Trung ương mạnh, một Bộ Chính trị mạnh, một Ban Bí thư mạnh, thật sự đoàn kết, thống nhất cao xung quanh người đứng đầu để đủ sức gánh vác trọng trách vinh quang, xứng đáng với niềm tin yêu và sự mong đợi của toàn Đảng, toàn dân.