1. Giới trẻ hiện nay có một câu cửa miệng quen thuộc “chuẩn không cần chỉnh”. Ở ngành giáo dục (GD), hình như mọi tiêu chí cũng đều gắn với “chuẩn” và có vẻ lạm dụng từ này hơi nhiều. Nào là “chuẩn hóa” đội ngũ giáo viên, trường “chuẩn quốc gia”... Bây giờ đến bộ sách “giáo khoa chuẩn, chương trình chuẩn”, rồi tới cầm bút cũng phải “chuẩn”...
Thế nhưng, trên thực tế, trong rất nhiều chuẩn ấy, học sinh gồng mình theo chuẩn hoặc là làm ngược lại tất cả những chuẩn ấy. Có những cậu học sinh mới học lớp 2 nhưng luôn ý thức được những việc mình làm ngược là sai, nhưng lần sau vẫn thế. Chuyên gia tâm lý cho rằng đó là khi các em bị đè nén quá nhiều theo những khuôn phép khô cứng...
Khi mà các học sinh được ví như chuột bạch, học và học, khi mà nhà trường say sưa theo chuẩn mà quên dạy người, thế nên có một chuẩn mà ngành GD quên hướng tới đó là tình cảm, sự yêu thương.
Một pha rượt chém học sinh ở Hải Phòng |
Thế nhưng, học sinh hỗn chiến, quay clip và tung lên mạng ngày càng nhiều. Đó là những “trận chiến” công khai được trưng bày ra trước bàn dân thiên hạ. Chưa ai thống kê được hàng ngày bao nhiêu cuộc hỗn chiến ngoài cổng trường? Tình trạng học sinh hỗn láo với thầy cô, quay phim thầy cô..., quay cóp bài thi, tiêu cực trong thi cử... là những chuyện đã trở thành hiển nhiên. Các nhà giáo dục luôn nghĩ chuẩn này chuẩn nọ... Nhưng chuẩn nhân cách cho học sinh thì có vẻ như bị quên lãng...
Và dù các em đã có quá nhiều chuẩn phải đạt tới nhưng kiến thức văn hóa của các em thì ngô nghê hơn bao giờ khi mà một ngày của các em là một vòng quay tít mù học ở trường, học nhà cô, học trung tâm... nhưng kết quả học tập không phải khi nào cũng được như mong đợi khi hàng năm chỉ có khoảng 20% thí sinh vượt vũ môn vào ĐH và bên cạnh đó là những điểm 0 đau lòng.
2. Và ở một góc độ khác, gần đây, nhiều nhà giáo dục đã lên tiếng về sự thiếu kỹ năng thể hiện tình yêu thương, chăm sóc con của các bậc làm cha mẹ. Dù ai cũng biết ở góc độ nào, cha mẹ vẫn là người hiểu rõ tính tình, sở thích cả những mặt mạnh, mặt yếu của con.
Tuy nhiên trong việc giáo dục con ngày nay, các bậc cha mẹ vẫn chỉ quan tâm nhiều đến đời sống vật chất (chuyện ăn mặc, học hành) mà không biết làm người bạn bên trẻ. Thêm vào đó, các chuyên gia giáo dục còn cảnh báo sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ đối với việc học tập của con cũng khiến các em phải chịu nhiều áp lực.
Thế nên, không ít các em nhỏ đều chung cảm giác cô đơn ngay trong mái nhà của mình. “Con cảm thấy tương lai của mình mờ mịt quá. Bố mẹ ơi! Con sợ phải khóc, con sợ phải cười, con sợ ở cùng bố mẹ, con sợ lời nói của mẹ, con sợ ánh mắt của bố, con sợ gia đình mình”, một học sinh trường THCS Phong Hải, Thừa Thiên Huế tâm sự...
Đặc biệt trong số gần 1000 bức thư gửi đến cuộc thi “Bố mẹ ơi, con muốn nói” do Công ty sách Thái Hà tổ chức, có tới 87% bài viết là nỗi khổ tâm, bức xúc của các em về những điều người lớn làm. Có những dòng tâm sự thấm đẫm nước mắt mà mỗi người nghe, người đọc đều thấy day dứt. Có những em bé học tiểu học mà suy tư và buồn bã nhiều như đã trưởng thành.
Và có một sự thực đau lòng, với rất nhiều chuẩn trong nhà trường cũng như sự kì vọng quá lớn của gia đình là sự “xuất hiện” của những đứa trẻ không biết sợ, không biết yêu thương...
Miên Thảo