81/93 Bộ, ngành, địa phương sử dụng hệ thống Cơ sở dữ liệu
Thực hiện quy địnhcủa Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng Cơ sở dữ liệu về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánhvà bước đầu đã đưa vào sử dụng trên toàn quốc từ ngày 15/3/2018. Đến nay, đã có 81/93 Bộ, ngành, địa phương sử dụng hệ thống Cơ sở dữ liệu, 12/93 Bộ, ngành, địa phương chưa cập nhật các vụ việc khiếu nại, tố cáo vào hệ thống Cơ sở dữ liệu.
Bên cạnh những mặt tích cực, việc triển khai xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu về khiếu nại, tố cáo gặp khó khăn, vướng mắc do hiện nay chưa có Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể về việc cập nhật, duy trì, kết nối, chia sẻ và khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu, chưa có quy định về trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương phải cập nhật dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu để hình thành dữ liệu chung thống nhất, đầy đủ từ Trung ương đến địa phương.Do đó, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh là cần thiết.
Dự thảo Nghị định gồm 03 chương, 21 điềuxác định đối tượng áp dụng gồm: Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan thanh tra nhà nước, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiếp công dân
Theo quy định của Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, Thanh tra Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi cả nước, đồng thời cũng là cơ quan có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các vụ việc thuộc phạm vi thẩm quyền của mình. Vì vậy, Điều 10 của dự thảo Nghị định quy định Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm tổ chức xây dựng, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật, quản trị hệ thống Cơ sở dữ liệu; chuẩn hóa và hướng dẫn kết nối, đồng bộ với các Cơ sở dữ liệu khác có liên quan; cung cấp thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia do mình cập nhật, quản lý theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất việc cập nhật, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia trên phạm vi toàn quốc; thực hiện kiểm tra, thanh tra trách nhiệm trong việc cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia; thực hiện chuẩn hóa, điện tử hóa chế độ báo cáo, phối hợp với Văn phòng Chính phủ thực hiện kết nối Cơ sở dữ liệu với hệ thống báo cáo của Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện là các cơ quan vừa có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, vừa có trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương mình. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kiến nghị, phản ánh có trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cho cơ quan có trách nhiệm cập nhật khi được yêu cầu và thực hiện cập nhật theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin do mình cung cấp.
Dự thảo Nghị định nói trên được ban hành kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi và phục vụ thiết thực cho việc quản lý công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Theo dự thảo Nghị định, Cơ sở dữ liệu được xây dựng, quản lý tập trung tại Thanh tra Chính phủ và được tổ chức cập nhật, khai thác tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.