Chuẩn bị tốt bảo đảm Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV thành công tốt đẹp

Toàn cảnh phiên họp chiều 29/10. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Toàn cảnh phiên họp chiều 29/10. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trả lời phỏng vấn TTXVN về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật và nội dung, đảm bảo đợt thứ hai của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV thành công.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biết phức tạp, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành hai đợt.

Đợt họp thứ nhất (từ 20-30/10/2021) Quốc hội họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đợt 2, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội trong 6 ngày (từ 08-13/11/2021).

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn ông Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về công tác chuẩn bị cho đợt thứ hai của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

- Theo Chương trình Kỳ họp thứ 2, đợt họp thứ hai, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội với rất nhiều nội dung quan trọng. Xin ông cho biết công tác chuẩn bị cho đợt họp quan trọng này như thế nào để bảo đảm hoạt động của Quốc hội hiệu quả, an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp?

Ông Bùi Văn Cường: Dự kiến đợt 2, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng như thảo luận ở hội trường nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; thông qua 02 dự án luật, 12 dự thảo nghị quyết.

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được tại đợt họp thứ nhất của kỳ họp và rút kinh nghiệm những việc chưa làm tốt để triển khai các công việc tham mưu, phục vụ Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung tại đợt thứ hai bảo đảm chất lượng, tiến độ, Tổng Thư ký Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội tiếp tục chỉ đạo sát sao, quyết liệt các nhiệm vụ thuộc phạm vi phụ trách; các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, tham mưu chuẩn bị phục vụ các nội dung trình Quốc hội tại đợt thứ hai, chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật và các điều kiện bảo đảm khác phục vụ kỳ họp thành công tốt đẹp.

Các dự án luật, dự thảo nghị quyết đã được Quốc hội xem xét, thảo luận tại tổ và hội trường hiện nay đang được khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các quy trình tiếp theo để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại đợt thứ hai.

Đối với nội dung về chất vấn và trả lời chất vấn, hiện đã có Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về tổ chức chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 và Tổng Thư ký Quốc hội đã cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí về những nội dung chất vấn vào chiều ngày 30/10.

Trong thời gian giữa hai đợt họp, các vụ, đơn vị liên quan chủ động xây dựng các văn bản phục vụ điều hành phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội và dự thảo bước đầu Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn.

Dự kiến đợt 2 tiếp tục cung cấp thêm 58 đầu sách, tài liệu mới và 6 tài liệu điện tử mới trên ứng dụng Quốc hội điện tử và ứng dụng cung cấp thông tin trực tuyến; tiếp tục tổ chức tiếp nhận và nghiên cứu, tổng hợp để trả lời yêu cầu cung cấp thông tin của đại biểu Quốc hội, cả trong thời gian giữa hai đợt họp và đợt họp Quốc hội tập trung tại Nhà Quốc hội.

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho đợt hai được triển khai đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế. Văn phòng tiếp tục tổng hợp kết quả các trường hợp cụ thể đã tiêm và chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 và lý do chưa tiêm được.

Hiện nay đã lắp đặt máy kiểm soát thân nhiệt tại Nhà Quốc hội, diễn tập các tình huống có thể xảy ra trong phòng, chống dịch; triển khai xét nghiệm và cấp phát giấy xác nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 để kiểm soát chặt chẽ người ra vào Nhà Quốc hội. Tổ chức thực hiện việc triển khai khai báo y tế bằng mã QR tại các điểm Nhà Quốc hội, 22 Hùng Vương và 35 Ngô Quyền.

- Để bảo đảm an toàn cho đợt họp trực tiếp, xin ông cho biết các phương án Văn phòng Quốc hội chuẩn bị cho các đại biểu Quốc hội cũng như công tác phục vụ, hậu cần?

Ông Bùi Văn Cường: Để tạo điều kiện tốt nhất cho các đại biểu Quốc hội ở các địa phương tham dự kỳ họp, đồng thời đảm bảo an toàn trong tình hình dịch COVID-19, trong thời gian họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tiếp tục bố trí các đại biểu Quốc hội, đội ngũ phục vụ các Đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố ăn, nghỉ ở Khách sạn Deawoo, Sheraton, Nhà khách Quốc hội tại Hà Nội… tương tự như Kỳ họp thứ nhất.

Chuẩn bị tốt bảo đảm Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV thành công tốt đẹp ảnh 1

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Văn phòng Quốc hội đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện đưa, đón các đại biểu Quốc hội từ nơi nghỉ đến Nhà Quốc hội.

Hiện nay, các chuyến bay thương mại nội địa đã được phép khai thác bình thường, vì vậy, Văn phòng Quốc hội sẽ phối hợp với Vietnam Airlines có phương án bố trí phù hợp nhất về lịch trình và chỗ ngồi trên các chuyến bay để phục vụ các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Văn phòng Quốc hội đã có hướng dẫn cụ thể về công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó đề nghị các Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội hạn chế tổ chức tiếp khách, liên hoan tại các địa điểm ăn, nghỉ của đại biểu Quốc hội; hạn chế tổ chức, tham gia giao lưu, gặp mặt giữa các Đoàn với nhau hoặc với các bộ, ngành; hạn chế tối đa việc tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp không liên quan đến nội dung kỳ họp.

Các đại biểu Quốc hội và chuyên viên Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp y tế, chỉ di chuyển giữa nơi làm việc và nơi ở trong thời gian diễn ra kỳ họp, trừ trường hợp đặc biệt phải báo cáo cấp có thẩm quyền; tuân thủ quy trình xử lý khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19 tại Nhà Quốc hội theo hướng dẫn của Bộ Y tế; liên hệ ngay với nhân viên trực điểm 24/7 của Vụ Lễ tân hoặc Tổ y tế phòng, chống dịch của Bộ Y tế trực tại khách sạn, nhà khách nếu thấy có vấn đề về sức khỏe.

Đồng thời bảo đảm khu vực đại biểu ngồi sóng wifi mạnh, kết nối ổn định, an toàn, đường truyền thông suốt, tốc độ cao, đại biểu có thể truy cập Internet nhanh chóng, thuận tiện. Hỗ trợ đại biểu mượn iPad dự phòng (đã được Văn phòng Quốc hội trang bị cho các Văn phòng Đoàn) nếu có trục trặc xảy ra và báo Trung tâm Tin học để phối hợp.

Bên cạnh đó, tại Nhà Quốc hội đã bố trí phòng họp trực tuyến để phục vụ các đồng chí lãnh đạo địa phương khi cần họp với địa phương mình để kịp thời chỉ đạo các công việc cần thiết, nhất là công tác phòng, chống dịch tại địa bàn.

Thư viện Quốc hội tổ chức tiếp nhận, xử lý và trả lời yêu cầu cung cấp thông tin của đại biểu Quốc hội; tổ chức phát sách, tài liệu, sản phẩm nghiên cứu bản giấy trực tiếp tại khu vực cung cấp thông tin phía trước Phòng họp Diên Hồng; giữ mối liên hệ và phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan để cập nhật và đăng tải thông tin, tài liệu tham khảo trên ứng dụng điện tử của Quốc hội và các phần mềm, ứng dụng của Thư viện Quốc hội để đại biểu Quốc hội khai thác, sử dụng; tổ chức nghiên cứu, biên dịch, biên tập, tổng hợp thông tin, đáp ứng tối đa, kịp thời yêu cầu cung cấp của đại biểu Quốc hội.

- Chất vấn và trả lời chất vấn luôn là một trong những nội dung được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Tại Kỳ họp thứ 2, các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành lần đầu tiên đăng đàn để trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội khóa mới. Vậy xin ông cho biết hoạt động quan trọng này sẽ diễn ra như thế nào, có điểm gì đổi mới hơn so với nhiệm kỳ khóa XIV hay không?

Ông Bùi Văn Cường: Theo Chương trình Kỳ họp thứ 2, phiên họp chất vấn được tổ chức vào đợt hai, thời gian là 2,5 ngày (từ ngày 10/11 đến hết sáng ngày 12/11/2021).

Nội dung quan trọng này sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và 4 thành viên Chính phủ sẽ tham gia trả lời chất vấn. Theo quy định tại khoản 2, Điều 15 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, hoạt động chất vấn tại kỳ họp sẽ được tổ chức theo cách thức lấy nhóm vấn đề làm trọng tâm, vấn đề thuộc trách nhiệm của cá nhân nào thì người đó có trách nhiệm trả lời.

Về cách thức đặt câu hỏi chất vấn, tiếp tục kế thừa cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn” đã được thực hiện tại các kỳ chất vấn trước, tại kỳ họp này, mỗi lượt sẽ có 3-5 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút; người trả lời chất vấn sẽ trả lời không quá 3 phút/1 chất vấn.

Trường hợp đại biểu Quốc hội không đồng ý với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng đăng ký tranh luận, thời gian tranh luận không quá 2 phút. Thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn; không đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn và không tranh luận giữa các đại biểu với nhau.

Đối với cách thức trả lời chất vấn, người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn. Các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành liên quan tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề chất vấn.

Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ. Sau hoạt động chất vấn, Quốc hội ban hành nghị quyết để nâng cao hiệu lực thi hành, làm cơ sở giám sát việc thực hiện.

Trên cơ sở các nguồn thông tin lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp đề xuất chất vấn của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; phiếu chất vấn bằng văn bản của đại biểu Quốc hội; ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2 qua Báo cáo của Ban Dân nguyện; những vấn đề nổi lên qua báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội năm 2021.

Đến thời điểm hiện tại, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chọn 5 nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn; gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội quyết định 4 nhóm vấn đề mà cử tri đang quan tâm để chất vấn, gồm y tế, lao động-thương binh và xã hội, kế hoạch và đầu tư, giáo dục và đào tạo; giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng dự thảo Nghị quyết và trình Quốc hội xem xét, thông qua.

- Trân trọng cảm ơn Tổng Thư ký Quốc hội!

Đọc thêm

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)
(PLVN) -  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm triển khai các giải pháp tháo gỡ cho các dự án năng lượng tái tạo. (Ảnh: VGP)
(PLVN) - Chiều 12/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo (gọi tắt là Nghị quyết).

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang
(PLVN) - Chiều ngày 12/12, Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Dự hội nghị có ông Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.