Trước báo giới, ông Lê Đức Thịnh – Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng đã khái quát chặng đường phát triển của huyện: Từ giữa năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Trị, quân và dân Hải Lăng một lòng trung kiên với Đảng, đã xây dựng và mở rộng lực lượng, tham gia kháng chiến, góp phần cùng cả tỉnh, cả nước giành thắng lợi trong các cao trào cách mạng và giành chính quyền trong toàn phủ vào ngày 23/8/1945.
Pháp thua, đế quốc Mỹ "nhảy vào" xâm chiếm nước ta, Hải Lăng đã trở thành một trong những chiến trường khốc liệt. Quân và dân Hải Lăng luôn tin tưởng son sắt vào Đảng, vào cách mạng, gây dựng phong trào, với quyết tâm “còn người còn trận địa”. Quyết tâm bảo vệ quê hương, Hải Lăng đã liên tiếp đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, làm nên những chiến thắng vang dội.
Đúng 18h30 ngày 19/3/1975, Hải Lăng là huyện cuối cùng của tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng. Đầu năm 1977, huyện Hải Lăng và huyện Triệu Phong hợp nhất lại thành huyện Triệu Hải thuộc tỉnh Bình Trị Thiên. Tháng 7/1989, tỉnh Quảng Trị được lập lại. Ngày 1/5/1990, huyện Hải Lăng được chia tách ra từ huyện Triệu Hải và trở lại tên gọi ban đầu.
50 năm qua, từ mảnh đất hoang tàn cát trắng, đến nay nền nền kinh tế của Hải Lăng đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân trong những năm trở lại đây đạt 10 - 12%. Thu nhập bình quân đầu người từ 570.000đ năm 1990, tăng lên 73 triệu đồng năm 2024 (tăng gần 130 lần). Năng suất lúa 2 vụ từ 46 tạ/ha năm 1990 tăng lên hơn 130 tạ/ha năm 2024 (tăng gần 3 lần). Sản lượng lương thực có hạt tăng từ 2,8 vạn tấn lên 8,6 vạn tấn (tăng hơn 3 lần). Tổng vốn huy động đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2020 - 2024 đạt 4.600 tỉ đồng.
Sản lượng lương thực hàng năm toàn huyện đạt khoảng 8,0 - 8,4 vạn tấn, chiếm 1/3 sản lượng toàn tỉnh. Toàn huyện có 2.562 cơ sở CN-TTCN, với 7.654 lao động và 3 cụm công nghiệp với 34 dự án đang hoạt động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ là 5.090 tỉ đồng.
Đặc biệt, huyện Hải Lăng nằm trong quy hoạch vùng lõi xây dựng Khu kinh tế Đông Nam với diện tích là 9.167 ha/23.792 ha, có nhiều dự án đã và đang triển khai thi công thuận lợi để thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; mở ra nhiều cơ hội đầu tư và phát triển kinh tế của huyện trong tương lai.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, xây dựng và đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH được triển khai đồng bộ và từng bước hoàn thiện. Công tác xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ mới. Quốc phòng - An ninh được tăng cường, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo...
Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hải Lăng sẽ tiếp tục bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2025 - 2030 và trở thành huyện trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh Quảng Trị trước năm 2030, trở thành thị xã đến năm 2040.
Dự kiến, Lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện Hải Lăng tổ chức vào ngày 15/3/2025.